Độc đáo nghệ thuật Trúc Chỉ

Trúc Chỉ là nghệ thuật chế tác giấy thủ công trong giai đoạn cuối cùng khi seo giấy, cho phép các nghệ sĩ tạo tác các tác phẩm trực tiếp lên khuôn giấy.

Chú thích ảnh
Nghệ thuật Trúc chỉ. Ảnh: Quỳnh Như/TTXVN

Những tác phẩm ấy không chỉ có mặt trên những bức tranh trang trí, mà còn ẩn hiện giữa cuộc sống hằng ngày, trên những dáng nón hay trong những trang giấy. Giữa đô thị ồn ào, Trúc Chỉ mang hơi hưởng của những bóng tre đang len vào nhịp sống hiện đại, giữ lại chút bình yên của xóm quê trong tâm hồn mỗi người.

"Trúc" là tre mà "chỉ" là giấy, hiểu nôm na là một loại giấy được làm từ tre. Nghĩ đến giấy, người ta thường suy nghĩ đơn giản đến giấy ăn, giấy viết hay các loại giấy dùng để in ấn. Nhưng Trúc Chỉ không nằm trong ranh giới của sự quen thuộc đó mà nó được tạo nên nhờ vào những bức tranh "trong" giấy. Trúc Chỉ khi ra đời có hàng ngàn tờ đi nữa vẫn không giống nhau, mà mỗi tờ lại là một tác phẩm nghệ thuật với nhiều bức tranh sáng tạo.

Những bức tranh ấy càng được nổi bật hơn khi có sự can thiệp của nhiều loại ánh sáng chứ không như những loại giấy bình thường khác. Nói cách khác, với Trúc Chỉ, giấy không chỉ là phần nền đơn thuần mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, đóng vai trò như một thành tố chính cấu thành tác phẩm.

Chính những ứng dụng đó mà trong Festival Nghề truyền thống 2019 sắp tới được diễn ra tại Huế, Trúc Chỉ sẽ có nhiều triển lãm theo chủ đề để giới thiệu đến người dân cũng như bạn bè quốc tế về một nét văn hóa mới của địa phương và khu vực. Với Trúc Chỉ, các nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm trực tiếp lên khuôn giấy.

Các ý tưởng sáng tạo, bố cục họa tiết tạo hình... được thực hiện ngay trong quá trình này với sự tác động của nước để tạo nên sự dày, mỏng trên nền giấy, sau đó các hình ảnh, sắc độ sẽ hiện rõ khi có hiệu ứng ánh sáng xuyên qua; hoặc là sự kết hợp các kỹ thuật, chất liệu với nhau nhằm tạo nên tính độc đáo và sáng tạo.

Trúc Chỉ là một dự án nghiên cứu, chế tác nghệ thuật giấy thủ công do họa sĩ Phan Hải Bằng, Giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế cùng các cộng sự khởi lập và tiến hành từ năm 2000. Năm 2007, được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng Châu Á học ASF (Asian Scholarship Foundation), họa sỹ Phan Hải Bằng đã tiến hành một chuyến điền dã, nghiên cứu và thực hành nghề giấy thủ công ở Bắc Ninh, Chiang Mai và các tỉnh phía Bắc Thái Lan. 

Từ năm 2011 đến nay, được sự hỗ trợ và đồng thuận của trường Đại học Nghệ thuật Huế, xưởng chế tác thể nghiệm giấy thủ công với các nguyên liệu sẵn có tại địa phương được khởi dựng tại khuôn viên trường (số 10 Tô Ngọc Vân, Huế). Cùng với các cộng sự là nghệ sỹ trẻ và sinh viên trường Đại học Nghệ thuật, tác giả đã nghiên cứu và hoàn thành quy trình chế tác giấy thủ công từ rơm, mía, chuối, tre… và bắt đầu áp dụng vào việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng.

Đáng chú ý, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có triển lãm "Thơ trên kiến trúc cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc Chỉ". Với 27 tác phẩm trúc chỉ tương đương với 27 bài thơ, đoạn thơ chuyển tải các chủ đề về tinh thần tự tôn dân tộc, ca ngợi thời thái bình, thịnh trị và những phong cảnh của đất nước..., mang một thông điệp về giá trị văn hoá cộng sinh, từ vốn cổ nghệ thuật để phát triển thành nghệ thuật mới.

Chính sự kết hợp giữa hai loại hình nghệ thuật - thư pháp thơ trên trên kiến trúc cung đình và nghệ thuật Trúc Chỉ - triển lãm không chỉ tôn vinh những giá trị độc đáo của thơ văn trên kiến trúc cung đình mà còn hướng người thưởng lãm đến với vẻ đẹp truyền thống và gợi nhắc các thế hệ trẻ tiếp nối và gìn giữ trân trọng các giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Trải qua nhiều lần triển lãm, trưng bày trên toàn quốc hay ở các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, nghệ thuật Trúc Chỉ đều được đánh giá cao, là loại hình nghệ thuật đậm nét truyền thống, gần gũi với văn hóa dân gian, giàu sự gia công, sáng tạo nhưng cũng rất tinh tế, thanh cao. Sự ra đời của nghệ thuật Trúc Chỉ là nỗ lực của họa sĩ Phan Hải Bằng cùng các cộng sự nhằm xây dựng quan niệm: Giấy cũng là nghệ thuật - Nghề giấy cũng là một nghệ thuật. Và hơn hết, đó là nỗ lực để đóng góp thêm một giá trị văn hóa mới mang đậm nét văn hóa dân gian ở cố đô Huế.

Quốc Việt (TTXVN)
Festival nghề truyền thống Huế 2019 diễn ra từ 26/4 - 2/5
Festival nghề truyền thống Huế 2019 diễn ra từ 26/4 - 2/5

Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 năm 2019 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" sẽ diễn ra từ 26/4 - 2/5, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN