Dự án “Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam” được khởi lập vào năm 2012 bởi họa sỹ Phan Hải Bằng (giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế) cùng các cộng sự. Với mong muốn không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một chất liệu giấy mới mà hơn cả là xây dựng một loại hình nghệ thuật mới. Chính bởi lẽ đó, nghệ thuật Trúc chỉ đã biến một tấm giấy đơn thuần trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập.
Một góc Triển lãm “Trúc chỉ - Lời của sông”. |
Trước khi tìm đến với nguyên liệu chính từ cây tre, họa sỹ Hải Bằng đã trải qua quá trình dài thử nghiệm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như rơm, mía, chuối... nhưng không thành công. Hơn chục năm lặn lội, tìm tòi, nghiên cứu trong và ngoài nước, từ việc nghiên cứu cách làm giấy dó ở Bắc Ninh, đến giấy sa ở Thái Lan... Cuối cùng, trên cơ sở của quy trình làm giấy dó truyền thống, họa sỹ Hải Bằng đã chọn tre, một loại cây phổ biến của Việt Nam thay thế vỏ gió để làm chất liệu chính cho những tác phẩm của mình. Lý giải điều này, họa sỹ Hải Bằng chia sẻ: “Tre rất thích hợp cho việc chế tác, làm tranh. Có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu là vừa thỏa mãn tính ứng biến của nghệ thuật tạo hình, vừa có đủ độ bền, dai. Các xơ tre vừa đủ dài và đại để có thể tự động kết dính với nhau trong tấm Trúc chỉ mà không cần bất kỳ chất keo nào”.
Để tạo ra một tác phẩm Trúc chỉ, người họa sỹ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu. Đầu tiên là quy trình tạo nền giấy, nguyên liệu được xử lý bằng cách nấu với vôi, nghiền thành bột, cho vào bể seo, dùng khung seo để seo thành tấm giấy ướt trên khung, với nghề làm giấy truyền thống thì quy trình này coi như gần hoàn thiện, chỉ việc ép nén, phơi khô để có được tấm giấy thành phẩm, nhưng với Trúc chỉ thì đây lại là lúc bắt đầu. Trên tấm giấy sẵn có, người họa sỹ dùng áp lực nước tác động vào bề mặt của nó để thay đổi cấu trúc của xơ sợi trong tấm giấy, làm cho độ dày mỏng thay đổi, tạo các sắc độ đậm - nhạt, tạo hình - nét - mảng như đã phác thảo. Tiếp đó, tác phẩm Trúc chỉ được phơi khô ngay trên khung, sau khi khô, bóc ra đã có thể là một tác phẩm độc lập, mang ngôn ngữ đồ họa rõ nét. Điểm đặc trưng của các tác phẩm này chính là hình ảnh và cấu trúc bố cục hiện lên dựa trên độ dày mỏng của chính nó. Nhìn những tác phẩm Trúc chỉ, người xem có thể cảm nhận rõ nét nhất khi có hiệu ứng ánh sáng xuyên qua.
Theo họa sỹ Hải Bằng, nếu Trúc chỉ chỉ tạo ra giấy và hoa văn thì chưa đủ, mà cần phải có sự kết hợp với những sản phẩm thủ công khác, để những sản phẩm ấy trở nên có giá trị. Vì thế, nghệ thuật Trúc chỉ được những người nghệ sỹ tâm huyết kết hợp song song cả hai hướng giữa nghệ thuật tạo hình/thị giác và nghệ thuật ứng dụng.
Với nghệ thuật tạo hình/thị giác, các tác phẩm được sáng tác theo nhiều chủ đề như: Cổ điển, truyền thống, hiện đại, đương đại... Những tác phẩm nghệ thuật này đã tham gia vào dòng chảy nghệ thuật Việt như một giá trị mới, một loại hình nghệ thuật mới và được đánh giá cao tại các buổi triển lãm, các cuộc thi... Bên cạnh đó, nghệ thuật ứng dụng của Trúc chỉ cũng đã tạo ra những sản phẩm phù hợp với những loại hình thiết kế nội thất, thiết kế sản phẩm, quà tặng, thời trang, trang sức... Làm nên những món đồ được nhiều người yêu thích như: Nón, ô, các loại đèn, ví, túi xách, bình phong, hộp đựng trang sức...
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật Trúc chỉ đang dần dần được công chúng và người yêu nghệ thuật biết đến. Tại buổi triển lãm “Trúc chỉ - Lời của Sông” được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 7 vừa qua, loại hình nghệ thuật này đã mang đến một không gian nghệ thuật sáng tạo nhưng vẫn gần gũi, thân thuộc. Lấy cảm hứng từ câu “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” của triết gia Heraclit, triển lãm đã truyền tải thông điệp về sự sáng tạo có tính tiếp biến từ nền tảng của các giá trị truyền thống.