Nằm dọc theo tả ngạn sông Đà, đối diện là dãy Ba Vì quanh năm mây trắng bao phủ, Thanh Thủy khoác trên mình một vẻ đẹp tươi thắm với cảnh đồi núi trập trùng xen kẽ những cánh đồng xanh tươi. Đến với mảnh đất này, du khách không chỉ được hòa mình với thiên nhiên mà còn được thỏa sức đắm mình trong dòng nước khoáng nóng quý hiếm.
Đặc biệt hơn, du khách có thể được sống trong không gian văn hóa mang tên Nhạc đường Bá Phổ - nơi lưu giữ hàng trăm loại nhạc cụ truyền thống của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Sở dĩ có tên gọi là Nhạc đường Bá Phổ (Ngôi nhà âm nhạc của Bá Phổ) bởi đây là nơi biểu diễn, giới thiệu, giảng dạy cho bất cứ ai có nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu và nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc.
Tại nhạc đường này, những nhạc cụ truyền thống của dân tộc không chỉ được lưu giữ như một bảo tàng, được trưng bày như triển lãm mà còn được tấu lên những âm thanh, làn điệu đắm say lòng người.
Trong không gian khoảng 30 m2, các nhạc cụ với đủ chủng loại, chất liệu được trưng bày hết sức tự nhiên, gần gũi, tạo cho người xem cảm giác thoải mái và thích thú.
Trong số đó có những loại nhạc cụ quen thuộc như trống đồng, đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn t’rưng, đàn nhị, đàn tranh, đàn ta lư... Nhưng cũng có những nhạc cụ khá lạ lẫm ngay từ trong tên gọi như đàn lứu (của vùng đồng bằng Bắc Bộ), đàn cò ke, sáo Mông (của vùng Tây Bắc), kní, gong tre, đàn tăng bu, đàn kle kla, đàn đinh pá…
Đặc biệt, ở đây còn có sự hiện diện của 6 loại nhạc cụ bằng đá độc đáo là cồng đá Mơ nông, cồng đá Ê đê, chiêng liêng, khánh đá, biên khánh…
Tới thăm Nhạc đường Bá Phổ, được mục sở thị kho tàng nhạc cụ truyền thống vô cùng phong phú và nghe nghệ sỹ Bá Phổ trình diễn các nhạc cụ, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của người nghệ sỹ già với việc bảo tồn nhạc cụ dân tộc.
Thông thường, mỗi người nghệ sỹ chỉ chuyên về một thứ nhạc cụ và cũng chỉ chơi giỏi loại nhạc cụ ấy. Thế nhưng, với nghệ sĩ Bá Phổ thì khác, ông chơi được tất cả nhạc cụ mình có.
Khi giới thiệu đến loại nhạc cụ nào, nghệ sỹ Bá Phổ liền chơi thử cho chúng tôi nghe. Mỗi loại nhạc cụ có đặc điểm riêng biệt, âm thanh mộc mạc khi trầm khi bổng, ngọt ngào, sâu lắng không những hấp dẫn người nghe mà còn khiến ta có cảm giác như được sống trong một thế giới huyền diệu của âm nhạc.
Sức hấp dẫn mạnh mẽ của Nhạc đường Bá Phổ chính là sự đa dạng, độc đáo của các loại nhạc cụ truyền thống được trưng bày tại đây. Không chỉ mở cửa miễn phí, những người muốn tìm hiểu sâu về nhạc cụ cổ truyền khi tới nhạc đường còn được chủ nhân của nhạc cụ giảng giải cặn kẽ về lịch sử, đặc trưng, chức năng của từng loại; được nghe trình tấu những đoản khúc từ Đông Tây kim cổ tới hiện đại với nhiều màu sắc khác nhau ở một đẳng cấp cao về kỹ thuật diễn tấu, có sức lay động bí ẩn và riêng biệt.
Cái khác lạ của Nhạc đường Bá Phổ chính là sự sống động ở nhạc đường này. Nếu như ở bảo tàng, nhạc cụ chỉ là hiện vật để trưng bày, nhìn ngắm thì ở Nhạc đường Bá Phổ nhạc cụ được thể hiện, được biểu diễn với tất cả sự đam mê và sáng tạo của gia đình nghệ sỹ.
“Bình minh trên cao nguyên”, “Ba con ngựa”, “Tiếng đàn Ta-lư”... Những bản nhạc ấy, lần đầu tiên được nghe và thưởng thức trực tiếp bằng đàn đá, đàn cò và đàn Ta-lư tại Nhạc đường Bá Phổ đã làm tan đi những ưu phiền, mang lại cảm giác sảng khoái cho du khách.
Chị Đoàn Thị Chiều, ở thị trấn Thanh Thủy cho biết: Được nghe những giai điệu âm nhạc do gia đình nghệ sỹ Bá Phổ thể hiện tôi thấy rất thư thái. Tôi nghĩ nên giữ gìn bản sắc dân tộc này. Nó không phải tấm danh thiếp mà là chứng minh thư để bảo tồn văn hóa, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập.
Ông Nguyễn Văn Vấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy khẳng định, sự xuất hiện và đi vào hoạt động của Nhạc đường Bá Phổ đã giúp cho huyện có thêm sản phẩm du lịch mới: Không gian văn hóa dân tộc. Du khách khi về với huyện Thanh Thủy sẽ được thưởng thức giá trị văn hóa vô cùng độc đáo và hấp dẫn này.
Bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm nhạc cụ dân tộc Việt từ năm 1959, qua gần 60 năm, đến nay kho tàng nhạc cụ dân tộc của nghệ sỹ Bá Phổ đã có hơn 200 loại nhạc cụ khác nhau, trong đó có một số nhạc cụ do nhạc sỹ sưu tầm và nhiều loại do nhạc sỹ tự tay nghiên cứu, chế tác.
Nghệ sĩ Bá Phổ chia sẻ, cả cuộc đời ông đã dành toàn tâm, toàn lực cho việc gây dựng Nhạc đường Bá Phổ vì muốn gìn giữ, bảo tồn và phát triển những thành tựu về âm nhạc mà các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra cho thế hệ con cháu mai sau, đánh thức tình yêu và lòng tự hào về nhạc cụ dân tộc trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, ông mong muốn nhạc đường của mình sẽ là điểm dừng chân của đông đảo bạn bè quốc tế khi tới Việt Nam để có cơ hội giới thiệu, quảng bá với họ về một nền âm nhạc đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc Việt.