Di tích lịch sử núi Mo So bị "bức tử" thô bạo

Núi Mo So - nằm trên địa bàn ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia vào ngày 13/2/1995. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Di tích Mo So bị xâm hại nhưng không được ngành chức năng tỉnh Kiên Giang bảo vệ, đầu tư tôn tạo.


Mo So theo tiếng Khmer có nghĩa là đá trắng. Nơi đây là căn cứ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, có giá trị to lớn về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Mo So là nơi đóng quân của Công binh xưởng 18 (Khu 9) chế tạo, cải tiến vũ khí thu được của địch để cung cấp cho quân ta chiến đấu ở chiến trường Tây Nam bộ.


Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Mo So là căn cứ cách mạng và là điểm chốt quan trọng trên tuyến đường 1C chi viện vũ khí, đạn dược từ Bắc vào Nam. Mỹ - Ngụy đã mở nhiều đợt càn quét ác liệt hòng xóa sổ căn cứ Mo So, nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Kiên Lương, âm mưu của địch bị thất bại. Căn cứ Mo So vẫn vững chắc trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù, góp phần cùng với cả nước và Nam bộ thành đồng làm nên Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Những dãy nhà tạm nhếch nhác vi phạm cảnh quan tại núi Mo So. Ảnh: Huy Hải/TTXVN


Hang động núi Mo So rất kỳ thú, với hơn 20 hang lớn, nhỏ và mỗi hang gắn với tên của một đơn vị cách mạng trong kháng chiến như: hang Huyện Đội, hang Quân Y, hang Kinh Tài, hang Điện Đài, hang Nước… Nhiều hang lớn có sức chứa hàng ngàn người. “Thạch đạo” này còn là một tuyệt tác thiên nhiên, ẩn chứa nhiều giá trị độc đáo về mỹ quan, mỹ thuật, địa chất, địa mạo… đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, tham quan của du khách và phục vụ nghiên cứu khoa học. 


Thế nhưng, Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia Mo So hiện đang phải kêu cứu vì bị xâm hại, bức tử một cách thô bạo nhiều năm qua khiến những giá trị độc đáo của nó thui chột dần. Không ít những thạch nhũ ở các hang động mất đi và sẽ tiếp tục rơi rụng trong thời gian tới trước bàn tay quá vô tình của con người. Dưới chân núi Mo So dẫn vào các hang động là những dãy nhà ọp ẹp, hàng quán bày bán nhếch nhác, nhà vệ sinh tạm bợ, môi trường ô nhiễm... Là một trong những điểm du lịch của vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương được du khách thập phương biết đến nhiều, nhưng Mo So không có điện, nước, nhà nghỉ… 


Khách du lịch đến đây ra về với nỗi thất vọng ê chề. Cô Lê Thị Đẹp, khách du lịch đến từ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nói: “Thiên tạo núi Mo So có phong cảnh tự nhiên đẹp, hang động kỳ thú. Tôi đến đây nhiều lần, nhưng vệ sinh môi trường xung quanh dơ bẩn, quán xá nhếch nhác và lần này đến Mo So cũng vậy, vẫn y nguyên”. Cùng đi chung đoàn với cô Đẹp, chú Nguyễn Văn Luông nhận xét: “Lần đầu tiên đến núi Mo So, đối với tôi chẳng có chút gì gọi là điểm du lịch. Đi tham quan, du lịch rất nhiều nơi, nhưng không ở đâu như ở đây. Theo tôi, người ta đến Mo So có lẽ là tâm linh, huyễn hoặc do đồn thổi, thêu dệt những điều kỳ bí. Là một điểm du lịch nổi tiếng ở đất Hà Tiên - Kiên Lương sao bị bỏ hoang phế đến như vậy? Sao người ta không đầu tư, tôn tạo để thu hút khách du lịch?".


Một số đối tượng đã tự lập nên các bàn thờ ở trong hang núi Mo So để thu lợi bất chính. Ảnh: Huy Hải/TTXVN


Nhập vào đoàn khách của cô Đẹp, chú Luông, chúng tôi được một người trung niên tên Hữu đưa vào tham quan hang động, với giá thù lao 5.000 đồng/người. Không một lời "thuyết minh" về những giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia Mo So, “hướng dẫn viên” này thao thao thuyết giảng những điều linh thiêng, huyền bí tự đặt bài trước các bàn thờ như: 3 ông Phúc - Lộc - Thọ, Mẹ cứu khổ, đá Kim cương, hai trái Khổ qua, bàn tay Đức Phật, đôi Song Mã, vòi Rồng, thuyền Bát Nhã… Nhiều người sau đó chẳng chút đắn đo, thắp nhang, quỳ lại, cúng tiền, khấn nguyện để cầu lợi lộc, bình an, may mắn theo chỉ dẫn của người tên Hữu này. 


Anh Huỳnh Hữu Hạnh, 45 tuổi, quê Cà Mau, đến núi Mo So lập nghiệp hơn 3 năm nay, cho biết: Trong các hang động núi Mo So có rất nhiều bàn thờ lập ra thờ cúng thánh thần, đánh vào tâm lý của những người nhẹ dạ cả tin. Tùy theo hình dạng lạ mắt của những thạch nhũ, tảng đá và đá trên vách hang động, một số đối tượng tưởng tượng ra hình thù tương ứng nào đó để đặt tên gắn với một câu chuyện huyễn hoặc, huyền bí phù hợp do họ thêu dệt, lập bàn thờ hương khói để thu lợi bất chính từ du khách thập phương. Nhiều người dân sống dưới chân núi Mo So cho biết: “Hướng dẫn viên” tên Hữu tự thu tiền hướng dẫn các đoàn khách vào tham quan hang động rất nhiều năm qua nhưng không bị chính quyền địa phương hay Ban quản lý Di tích lịch sử và thắng cảnh huyện Kiên Lương “hỏi thăm” hay xử lý. Hữu thu của khách từ 5.000 - 10.000 đồng/người gọi là tiền công hướng dẫn tham quan hang động. 


Hiện nay, quản lý và thu tiền khách vào hang động núi Mo So là cụ bà Võ Kim Anh, 85 tuổi sinh sống tại đây từ năm 20 tuổi. Cụ bà Kim Anh cho biết: Bà tự bỏ tiền ra làm đường, bắc cầu trong hang ở những nơi nước đọng khó đi, mua máy phát điện dẫn vào hang thắp sáng nên thu mỗi người 3.000 đồng gọi là lấy lại tiền dầu máy phát điện, bắc cầu cây ván cho khách đi. 


Hơn 20 năm đã trôi qua từ khi được công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia, Mo So hãy còn ở điểm xuất phát thấp, hoang phế và đang biến tướng thành nơi “mua thần, bán thánh”, trục lợi của một số đối tượng. Năm 2009, UBND tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận cho một nhà đầu tư lập dự án hình thành khu du lịch tại núi Mo So, nhưng dự án không được triển khai thực hiện. Đặt những vấn đề bất cập ở Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia Mo So với địa phương, các ngành chức năng huyện Kiên Lương, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối “phát ngôn”, đùn đẩy trách nhiệm. Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang thì cho biết không có vốn đầu tư cho Mo So và đang chờ vốn.

Đã đến lúc huyện Kiên Lương và ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phải vào cuộc để trả lại cho Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia Mo So những giá trị thật của nó. Đặc biệt, đây là nơi tôn vinh những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Tổ quốc thống nhất. Đó là mong muốn thiết tha của người dân Kiên Lương nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung để Mo So vừa là điểm du lịch hấp dẫn du khách, vừa là nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng của cha anh cho thế hệ trẻ.


Lê Huy Hải (TTXVN)

Những người lính trong hang  núi Mo So
Những người lính trong hang núi Mo So

Cơn mưa giông tháng 9 tầm tã. Gió rú rít từ mé biển Ba Hòn thổi về phần phật. Từ trên đĩnh núi Mo So, tiếng sấm sét dội xuống hang chát chúa nghe rợn người. Nước các mạch suối ngầm mùa này dâng cao tràn qua những phiến đá lạnh căm căm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN