Qua các công trình nghiên cứu, các tư liệu lịch sử và các hội thảo khoa học, các nhà khoa học, sử học đã thống nhất một dấu mốc lịch sử quan trọng chính là năm 1029 - năm xuất hiện tên gọi Thanh Hóa - tức làm năm Thiên Thành thứ 2, đời vua Lý Thái Tông. Từ khi Thanh Hóa được chính thức định danh cho đến nay là vừa tròn 990 năm.
Cũng trong suốt chiều dài 990 đó, trên vùng đất này, các thế hệ người Thanh Hóa đã đóng góp công sức, trí tuệ, quyết tâm xây dựng đất nước, bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đồng sức đồng lòng xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Tự hào là vùng đất cổ có tuổi đời hơn bốn nghìn năm tuổi, Di tích Quốc gia núi và đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ, huyện Yên Định) đã đi vào lịch sử như một huyền thoại gắn liền với tên gọi Thanh Hóa.
Vương triều Lý với đền thờ Thần Đồng Cổ
Đền Đồng Cổ nằm bên bờ hữu sông Mã, thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định. Đây là một ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh, được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 2001. Theo truyền thuyết, xưa kia, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm. Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Nhà vua làm theo, quả nhiên, quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế đoàn kết như kiềng ba chân, đã trở nên linh thiêng. Tưởng nhớ thần Đồng Cổ, từ thời Hùng Vương, năm 2569 – trước Công nguyên, miếu Đồng Cổ đã được khởi dựng.
Đến thời Lý, tương truyền thần Đồng Cổ đã 2 lần nhập mộng báo cho Thái tử Lý Phật Mã (Vua Lý Thái Tông sau này) những việc lớn liên quan đến quốc gia. Năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã vâng lệnh vua cha (Lý Công Uẩn) hành binh trấn giữ vùng biên viễn phía Nam do giặc Chiêm Thành quấy phá. Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" trong phần Dư địa chí Phan Huy Chú viết: "Núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê, huyện Yên Định, thần núi rất thiêng. Thời Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, đậu thuyền ngủ bãi Trường Châu, thần núi báo mộng xin đi theo để lập công. Đến khi đánh được nước Chiêm về, Lý Thái Tông sai lập miếu thờ ở Kinh sư, nay là đền Đồng Cổ, đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Khi Lý Thái Tông lên ngôi, lại báo mộng cho biết việc 3 vương mưu phản..."
Cũng theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, khi Lý Thái Tông lên ngôi (năm 1028) đã diễn ra sự kiện phong tước vương cho Thần Đồng Cổ: "Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề... lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo trước thần vị, đọc lời thề rằng: "Làm con bất hiếu. Làm tôi bất trung. Xin thần minh giết chết". Các quan từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường, sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng 4 tháng 4 hàng năm."
Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ sự kiện: Giáp Đản Nãi (nơi có núi Đồng Cổ) ở Ái Châu (một danh xưng khác của Thanh Hóa) làm phản, nên mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1 năm 1029, vua Lý Thái Tông thân chinh đi dẹp loạn giáp Đản Nãi, dẹp yên bờ cõi. Nhiều ý kiến đã cho rằng, sau khi dẹp loạn tại Đản Nãi, nhà vua muốn biến vùng đất hay có nhiều hưng biến như Ái Châu thành vùng đất thanh bình với mong muốn: "Cái đức của người dân hóa thành cao, trong sáng", hay là trong sạch, trong sáng, không xảy ra phản, loạn nữa cho nên quyết định đổi tên Ái Châu thành Thanh Hóa phủ. Phủ này là sự nâng cấp cho một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, bao gồm cả quận Cửu Chân, Ái Châu...
Có thể nói Thần Đồng Cổ Thanh Hóa có dấu ấn sâu sắc với vương triều Lý vì thế việc thờ Thần Đồng Cổ trở thành quốc lễ của triều Lý nói riêng và các vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam nói chung. Đền Đồng Cổ là nơi được các triều vua lựa chọn để tiến hành nhiều nghi lễ quan trọng của quốc gia. Chính bởi vậy, cho tới ngày nay, tại đền vẫn lưu giữ được những bản sắc phong, thần tích có giá trị. Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa núi và đền Đồng Cổ. Năm 2010, với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc, Di tích đền Đồng Cổ được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cũng chính từ nơi này, ngọn đuốc linh thiêng đã được lấy để thắp lên trong Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2015 – Thanh Hóa.
Phát huy truyền thống 990 năm: Vinh dự và trách nhiệm
Theo những cụ cao niên trong làng Ðan Nê, đền Ðồng Cổ trước đây từng có 38 gian, nghinh môn 3 tầng, 8 mái. Đền có kết cấu “Tiền nhất – Hậu đinh”, gồm: Tiền đường, chính tẩm, nhà cầu và thượng điện, tựa lưng vào dãy Tam Thai (dân làng gọi một cách dân dã là dãy núi Ðổng). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, mặc dù đền Đồng Cổ bị tàn phá nhưng vẫn còn in đậm bao nhiêu dấu tích. Vẻ đẹp thiên nhiên cùng với những giá trị văn hóa – lịch sử to lớn của núi và đền Đồng Cổ không chỉ được ghi dấu trong những vần thơ được các tao nhân mặc khách ưu ái, mến mộ lưu lại, mà còn được khẳng định trong tấm bia thời Tây Sơn do Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con vua Quang Trung) soạn năm 1802: “Núi và đền Đồng Cổ là một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa”.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận việc phục dựng lại chùa Thanh Nguyên trên núi Tam Thai. Khu di tích núi và đền Đồng Cổ được quy hoạch tổng diện tích 11ha với núi Tam Thai, đền Đồng Cổ, bến Trường Châu, quán Trường Thiên, hồ bán nguyệt và hệ thống cảnh quan, sẽ là nơi để người dân tưởng nhớ công lao của thần Đồng Cổ tối linh, các triều đại vua trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khu di tích hứa hẹn sẽ trở thành một trong những điểm đến tâm linh: "Cổ xưa, lâu đời, linh thiêng, hiển hách không chỉ của xứ Thanh”.
Hiện đền Đồng Cổ có kiến trúc độc đáo gồm: Nhà tiền đường kết cấu 5 gian, kiến trúc hai tầng mái; trung đường rộng ba gian, có kết cấu giáp mái với tiền đường và sau cùng là hậu cung, lưng dựa vào vách núi, được bố cục gọn gàng với lối kiến trúc cổ kính. Điều đặc biệt là trống đồng - linh vật mang tính biểu tượng của ngôi đền - được đặt ở vị trí trang trọng ở tiền đường, trung đường và hậu cung.
Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ tại làng Đan Nê vẫn duy trì được những truyền thống cũ nhằm tưởng nhớ công lao của thần và cũng là lời cầu nguyện để thần phù trợ cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, đời sống người dân no đủ. Trước khi lễ hội diễn ra, ngày 12/3 âm lịch, người dân tổ chức lễ đốt áo thủy bào cho thần, ngày 15/3 âm lịch là chính lễ thu hút sự tham gia của đông đảo du khách và người dân địa phương. Ngoài đền chính ở Đan Nê, trong cả nước còn có ít nhất 3 ngôi đền mang tên Đồng Cổ, cùng thờ thần núi Khả Lao Thôn và thần Trống Đồng, đó là: Đền Đồng Cổ ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa; đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội và đền Đồng Cổ tại Nguyên Xá, Từ Liêm, Hà Nội.
Ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết: "Hiện nay, việc bảo quản di tích đền Đồng Cổ đang được địa phương quan tâm sát sao. Trải qua hơn 4.500 năm tồn tại, đền Đồng Cổ và lễ hội đền Đồng Cổ vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn, trở thành minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc trên mảnh đất xứ Thanh. Đây cũng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quật cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Để gìn giữ và phát huy các giá trị Khu di tích núi và đền Đồng Cổ, thời gian qua xã Yên Thọ, huyện Yên Định đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, bản sắc văn hóa dân tộc nói riêng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, địa phương tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng di sản văn hóa, du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc trên các phương tiện thông tin đại chúng, website... tới đông đảo nhân dân và du khách thập phương."
Ông Nguyễn Văn Phát, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019) là sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa hết sức to lớn đối với tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, việc tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể, xứng với tầm vóc của sự kiện nhưng phải thiết thực, tránh hình thức, lãng phí và bảo đảm an toàn. Qua nhiều lần hội thảo và tọa đàm khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đều thống nhất chọn ngày 8/5/2019 (tức ngày 4 tháng 4 âm lịch) để tổ chức lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Đây cũng là ngày gắn với sự kiện Vua Lý Thái Tông phong tước vương cho Thần núi Đồng Cổ và hình thành tên gọi, định danh cho Thanh Hóa cho tới ngày hôm nay.
Với những cơ sở khoa học trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành kết luận số 308-KL/TU về ngày tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm ra đời tên gọi Thanh Hóa vào ngày 8/5/2019 với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1029-2019) và ngày 8/5 dương lịch hàng năm là Ngày Kỷ niệm Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Tiếng trống đồng Đồng Cổ đã vang vọng suốt hàng ngàn năm lịch sử, cho tới hôm nay vẫn tiếp tục âm vang, thúc đẩy các thế hệ người dân Thanh Hóa tiếp bước tiền nhân trong hành trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước."
Hy vọng trong tương lai không xa, cùng với Thành nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh, Đền Đồng Cổ sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh, điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch xứ Thanh...