Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh truyền hình Thanh Hóa. Đặc biệt có sự góp mặt của các Nghệ sĩ Nhân dân Hương Thơm, Trương Hải Thọ, Trần Bình; các Nghệ sĩ Ưu tú Thế Việt, Mạnh Tiến, Nguyễn Đạt Tăng, Anh Thơ, Huyền Trang, Lê Anh Dũng… Đây là thông tin được tác giả kịch bản - Tổng đạo diễn chương trình Lễ kỷ niệm Lê Quý Dương cho biết chiều 17/4, tại Hà Nội.
Tham gia biểu diễn còn có các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Lam Sơn, Đại học Văn hóa, Thể thao Du lịch Thanh Hóa, Đại học Hồng Đức, Câu lạc bộ Tuồng Thăng Long Hà Nội và các võ sinh võ cổ truyền Việt Nam.
Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của Thần Đồng Cổ trên sân khấu Quảng trường Lam Sơn. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa.
Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tác giả kịch bản – Tổng đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình trên ba chương: Địa linh nhân kiệt – Truyền thống anh hùng – Khát vọng thịnh vượng với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch.
Chương trình được dàn dựng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại với mong muốn tạo tính hấp dẫn, đa dạng với nhiều yếu tố bất ngờ, hướng tới phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả.
Nghệ thuật tuồng, chèo cổ, trống đồng, ngâm vịnh được kết hợp các thể văn tế, cáo sẽ được đan xen với ca, múa, nhạc, ứng dụng mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động, kỹ thuật cơ học sân khấu, âm thanh, ánh sáng, pháo kỹ xảo và nghệ thuật trình chiếu video hiện đại, tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho chương trình. Đặc biệt, hơn 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho “Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” sẽ tạo điểm nhấn tỏa sáng rực rỡ cho chủ đề của chương trình.
Chia sẻ về chương trình, tác giả kịch bản – Tổng đạo diễn chương trình Lê Quý Dương cho biết: “Tôi thấy càng ngày càng cần có nhiều những chương trình sự kiện về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc trên mọi miền đất nước để các thế hệ hôm nay nhận thức sâu sắc về tổ tiên nòi giống và các thế hệ cha ông của chúng ta đã sống, chiến đấu, dựng xây đất nước như thế nào. Chương trình này là cơ hội vô cùng ý nghĩa cho chính tôi được học hỏi và chiêm ngưỡng một dân tộc Việt Nam lạc quan, cần cù, chịu khó, anh hùng, bất khuất đến nhường nào”.
Tác giả kịch bản – Tổng đạo diễn chương trình Lê Quý Dương là Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới (ITI), Chủ tịch của Diễn đàn Festival Quốc tế. Ông đã viết kịch bản, làm tổng đạo diễn dàn dựng các lễ hội sự kiện sử thi và hiện đại quy mô quốc gia cũng như quốc tế tại Việt Nam như: Festival Huế, Festival Biển Nha Trang, Festival Dừa Bến Tre, Festival Lúa gạo Sóc Trăng, Festival Đờn ca Tài tử Nam bộ, Bạc Liêu, Festival Cà Phê Buôn Ma Thuột, Festival Gốm Bình Dương, Festival Di sản Hội An Quảng Nam, Festival Pháo hoa Đà Nẵng và nhiều chương trình Lễ Kỷ niệm lớn khác của đất nước..
Lê Quý Dương cũng là tác giả và đạo diễn đã đặt nền móng cho sân khấu thực cảnh tại Việt Nam qua các chương trình “Đêm Hoàng Cung”, chương trình “Huyền Thoại Sông Hương”. Ông đã lập 6 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và tổ chức các chương trình sự kiện lớn, được giới truyền thông mệnh danh là “Vua lễ hội” trong nhiều năm qua.