Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Nghệ thuật (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt cho biết: trong quý I/2022, nhiều chương trình, sự kiện, chính sách mới về văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai. Đại bộ phận văn nghệ sĩ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đảng; kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển động mới, đời sống văn học nghệ thuật được duy trì phong phú, đa dạng; truyền hình, không gian mạng được sử dụng hiệu quả, phát huy tốt vai trò là kênh thông tin tuyên truyền chủ đạo, vừa tạo thành các sân khấu, sân chơi, diễn đàn văn học, nghệ thuật, khích lệ, cổ vũ tinh thần nhân dân, tạo không khí lạc quan, lan tỏa các thông điệp tích cực.
Trong quý II, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường tiếng nói phản biện xã hội của các hội, tham gia tích cực cùng các bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển; đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động tuyên truyền, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.
Chia sẻ về vấn đề bản quyền tác giả, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Thị Kim Oanh khẳng định, quyền tác giả và các quyền liên quan đóng vai trò quan trọng trong góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời là một trong những điều kiện để hội nhập vào hệ thống kinh tế, thương mại quốc tế. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Công nghệ số đã cho phép và khuyến khích nhiều tác phẩm được hoàn thiện hơn dưới dạng các sản phẩm kỹ thuật số và được phân phối thông qua mạng truyền thông ảo trên internet, tạo nên làn sóng trong thế giới kỹ thuật số để phân phối nội dung đến người nghe, người xem. Những công nghệ này đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc và tính kinh tế của các mô hình kinh doanh mà theo đó các tác phẩm có bản quyền được xuất bản và phân phối tới công chúng. Một thị trường ảo dành cho các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh và giải trí hiện đang tồn tại trên không gian mạng, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, thách thức các quy tắc bảo vệ pháp lý truyền thống như luật bản quyền quốc gia thường có bản chất lãnh thổ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng triển khai. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại là tài sản trí tuệ. Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành từ Trung ương đến địa phương có hoạt động đạt kết quả khích lệ, từng bước đưa pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chủ động trong hội nhập quốc tế, tham gia 7 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên phạm vi quốc tế, thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, giáo dục... Từ đó, khuyến khích các cá nhân, các công ty sáng tạo và phổ biến tác phẩm, đặc biệt là trên môi trường kỹ thuật số; làm phong phú khả năng phục vụ đời sống tinh thần của công chúng; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, giới thiệu văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật Việt Nam ra nước ngoài và tinh hoa văn hóa nhân loại tại Việt Nam trong môi trường kỹ thuật số.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; thậm chí, những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau. Bên cạnh đó, một số tác giả, chủ sở hữu quyền vẫn chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; việc xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam trong môi trường kỹ thuật số và hội nhập quốc tế, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số, hướng tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập.
Các Hội, Hiệp hội phát huy tích cực và thực hiện có hiệu quả vai trò phản biện xã hội trong xây dựng chính sách pháp luật về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của tổ chức Hội. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội…