Đạo diễn Việt Tú:
Đi tiếp hay dừng lại?
Không gian âm nhạc là một giấc mơ đối với tôi và ê-kíp. Sau khi rời khỏi Con đường âm nhạc, tôi vẫn luôn mơ về một chương trình của riêng ê-kíp mình, ở đó mình có thể chủ động đầu tư, sản xuất, quyết định mọi việc. Thành thực tôi không nghĩ mình đã phải đợi lâu đến vậy (5 năm), nhưng khi nó đến thì mọi thứ diễn biến rất nhanh đến mức không ngờ. Một lần tình cờ gặp Đức (Caviar de Duc), làm doanh nghiệp nhưng rất yêu nghệ thuật (hồi trước Đức học cello ở Học viện Âm nhạc Quốc gia trước khi sang Nga). Trong lúc trò chuyện đủ thứ trên đời, tôi có kể với Đức về khán phòng Ngụy Như Kom Tum tôi đã tìm được từ năm 2007 và việc có thể làm một điều gì đó đặc biệt với không gian ấy như kiểu những chương trình MTV Unplugged kinh điển. Đức gần như ngay lập tức “bắt sóng” ý tưởng đó. Mọi việc sau đó được thực hiện rất nhanh chóng, mọi người cùng nhau xắn tay vào làm tất cả những gì có thể, cả một ê-kíp gần như không có khoảng trống nào về thời gian để đảm bảo mọi thứ có một khởi đầu thuận lợi.
Nhưng phía sau những hấp dẫn, suôn sẻ, ăn khách là sự nỗ lực của rất nhiều con người, đặc biệt là những chương trình đầu tiên. Có nhiều lúc tôi luôn phải đứng trước quyết định làm tiếp hay dừng lại. Có quá nhiều thứ mà mình không lường trước được, hệ thống hợp đồng chưa chặt chẽ, ê-kíp chưa vào guồng, thời tiết không thuận lợi (tâm bão rơi vào đúng 2 đêm diễn của 3 chương trình liên tiếp: số 3, số 4, số 5), cái cảnh lần đầu tiên làm chương trình bán vé, trời thì mưa, gió giật đứt hết hệ thống banner quảng cáo giữa đêm phải đi treo lại, không biết vé có bán được không. Rồi thì trước chương trình, Thu Phương gần như mất giọng, cả ê-kíp gần như không ngủ nổi vì lo. Sau khoảng 2 số thuận lợi, đến chương trình được kỳ vọng nhất thời điểm đó là Hà Trần - Ngũ Cung thì Hà ốm, mất giọng, phải hoãn chương trình một tuần, hoàn vé cho khán giả tới vài trăm triệu đồng tiền mặt. Chương trình số 6 ấy có lẽ là thử thách thần kinh nhất đối với ê-kíp, vì quyết tâm chưa đủ, mọi thứ gần như phụ thuộc vào sức khỏe của Hà. Tuần Hà nghỉ ốm, tôi yêu cầu Hà không đi ra ngoài, không đọc báo, xem mạng, hay cập nhật Facebook vì sợ những thông tin không tốt ảnh hưởng tới tinh thần của cô ấy. Nếu không phải là thần kinh thép và quá yêu chương trình chắc tôi và ê-kíp đã chọn giải pháp dừng lại. Những gì đã trải qua như một thử thách mà tôi và ê-kíp phải vượt qua để được chứng kiến những gì mình ước mơ, tâm huyết trở thành hiện thực.
Nhiều tiền, không tài vẫn thất bại
Lúc làm show cho Hà là lúc tôi ít tin nhất là show sẽ diễn ra, vì Hồ Ngọc Hà Live Concert đã được lên kế hoạch từ 2007, trải qua rất nhiều lần trì hoãn. Lúc nó diễn ra rồi thì chính tôi, khi nhìn thấy khối lượng công việc của cả mình lẫn Hà, không tin là cả hai có thể vượt qua. Tôi đến phòng tập, thấy sân tập được chia làm nhiều góc, mỗi góc là một nhóm vũ công tập bài, Hà chạy liên tục từ góc này qua góc khác để nhớ bài, tập xong, Hà chạy về đi luyện thanh, tập ghép với ban nhạc, nhóm bè, tập yoga, chưa kể 4 ngày cuối cùng nhóm nhảy Hàn Quốc mới sang, khoảng thời gian mà lý ra Hà nên nghỉ ngơi nhiều nhất thì lúc đó là lúc hoạt động cường độ khủng khiếp nhất, không hiểu bằng cách nào cô ấy nhớ được tới vài chục bài múa trong cùng một thời điểm, chưa kể lời hát, đường đi lối lại trên sân khấu giả định (được thuê với kích cỡ như sân khấu thật).
Chưa chương trình nào tôi phải sử dụng tới 7 trợ lý (nhiều người trong số đó trên thực tế đã có thể tự làm đạo diễn những live show cỡ vừa), cộng với một ê-kíp lên tới hàng trăm con người. Nguyên việc chế tạo ra cái sân khấu (hình dáng dựa theo đầu và phần hốc gió của chiếc xe Lamborghini), phía trên có hệ thống màn LED chạy trần (có lẽ lần đầu tiên ở Việt Nam), chiếc phi thuyền và các đạo cụ khác, tôi cãi nhau với họa sĩ thiết kế Đinh Công Đạt và ê-kíp thiết kế sân khấu không biết bao nhiều lần, cứ lên bản vẽ, xóa đi, vẽ lại, rồi làm ra mô hình, đập đi, làm lại, làm được rồi thì chuyển sang film 3D. Đó là một trải nghiệm chưa từng có trước đây. Sau mấy người cascadeur, thì tôi chính là người ngồi lên thử cái phi thuyền trước khi Hà bước lên đó. Lúc phi thuyền bay lên cao tôi nghĩ là Tú ơi, sao mà ngu thế hả Tú, nếu bây giờ chẳng may cái phi thuyền này nó bị rơi thì thế nào? Cả thời gian làm show không ngày nào tôi được ngủ quá 3 tiếng đồng hồ, máy điện thoại lúc nào cũng nóng ran.
Một yếu tố quan trong nữa tạo nên thành công là Hà đã rất giỏi trong việc thuyết phục mọi người, xây dựng ê-kíp của riêng mình, và đặc biệt tiêu tiền đúng chỗ. Khi làm việc với Hà mọi người đều hiểu tiền bạc không phải là một vấn đề, nhưng không thể tiêu vô lối. Hà có may mắn lớn khi phụ trách về kế hoạch tài chính trong ê-kíp là mẹ mình, một cựu nhân viên ngân hàng, nên mọi hợp đồng thương lượng được tiến hành rất bài bản và khoa học. Với Hồ Ngọc Hà live concert, có nhiều tiền nhưng không có tài năng, tố chất thì vẫn thất bại như thường.
Live show Những chuyến đi của Tùng Dương với sân khấu tối giản và âm nhạc là “nhân vật chính”
Không thể và có thể
Live show Những chuyến đi được bàn bạc từ rất lâu rồi. Việc Tùng Dương mơ ước có một live show của riêng mình như thế nào thì tôi là người biết rõ hơn cả, vì ngay sau cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn lần 1 mà tôi làm đạo diễn, còn Dương đi thi, Dương đã thổ lộ mong muốn có một live show mang tính thể nghiệm và đậm dấu ấn cá nhân. Những gì Tùng Dương thích và theo đuổi là những gì tôi biết, và nghiên cứu rất nhiều, nên có những thứ Dương không nói, ngay lập tức tôi đã biết Dương cần gì. Live show của Dương được thực hiện theo trường phái tối giản, trên sân khấu chỉ có 2 con hạc cưỡi rùa, chiếu, lư hương trầm, ban nhạc nhẹ và ban nhạc dân tộc, mãi tới cuối mới cho chiếu mấy cái video clip. Đây là một dạng show không phải cứ thích là làm được vì nó quá... đơn giản. Nhưng nếu cả nghệ sĩ lẫn đạo diễn không có đủ nội lực và cá tính, mọi thứ trông sẽ chẳng đâu vào đâu. Có lẽ cả tôi và Tùng Dương đã quá may mắn khi có được một sự hợp tác thành công, nhưng show diễn kiểu này sẽ rất khó lặp lại, nó giống như Nhật thực lần đầu tiên của Hà Trần vậy.
Thời điểm tôi làm show cho Tùng Dương thì cũng đang chuẩn bị show cho Hồ Ngọc Hà. Hai show này về lý thuyết không thể được thực hiện bởi một đạo diễn, hai nghệ sĩ quá khác nhau về bản chất. Một người là nghệ sĩ tiên phong với sự cực đoan đến tận cùng, show diễn thì theo phong cách tối giản. Một người là nghệ sĩ giải trí bậc nhất với phong cách đầy sáng tạo, rực lửa, và show diễn đòi hỏi những hiệu ứng sân khấu đầy mê hoặc. Ai cũng hỏi tôi là làm sao làm nổi điều đó. Thực ra, cả hai show này thể hiện hai phần trong con người tôi ở hai thời kỳ khác nhau, khi mà tôi chuyển từ việc làm những show thể nghiệm sang làm những show đầy chất sân khấu và hiệu ứng. Có lẽ đây là may mắn của riêng tôi, vì những gì tôi yêu thích và nghiên cứu nhiều trước đây khi còn trẻ đều ứng với phong cách của hai nghệ sĩ này, nên khi làm việc có thể nói chung tiếng nói với họ, hiểu những gì họ muốn và những yêu cầu mình đưa ra họ cũng luôn hưởng ứng hết mình. |