Dân bóc núi xây nhà trong khu Côn Sơn - Kiếp Bạc

Trong vùng bảo vệ và vùng đệm của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhiều ngôi nhà đang được xây dựng, có nguy cơ phá vỡ cảnh quan và gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ khu di tích đặc biệt cấp quốc gia này.

Những ngôi nhà mọc lên trong vùng bảo vệ của Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.



Ngay dọc con đường đi vào đền Kiếp Bạc (cách đền khoảng 1km), ai cũng có thể thấy khoảng 5 đến 7 ngôi nhà 2-3 tầng vừa xây xong hoặc đang hoàn thiện phần thô. Ngay lối lên đền Bắc Đẩu, một nhà nghỉ 4 tầng khang trang của người dân cũng vừa mới được xây dựng.

Cách đó không xa, sát sân chùa cũ, một ngôi nhà 2 tầng theo kiểu biệt thự cũng đang được xây dựng dở dang.

Hầu hết những ngôi nhà này đều được xây theo kiểu biệt thự với nhiều kiểu dáng hiện đại. Do diện tích mặt bằng nhỏ hẹp, bám sát chân núi nên nhiều hộ dân đã sử dụng máy xúc, máy ủi bóc lớp đất, đá dưới chân núi Rồng để tạo mặt bằng.

Việc này khiến nhiều nơi dưới chân núi Bắc Đẩu, núi Mâm Xôi, núi Trán Rồng... bị tàn phá từng mảng lớn nham nhở.

Thậm chí, cách đền Kiếp Bạc không xa, ngôi nhà hiện đại 2 tầng của Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cũng mới được hoàn thiện cách đây một vài năm.

Giải quyết hiện trạng này hiện nay là rất khó khăn, thậm chí có thể nói là nhiệm vụ "bất khả thi" đối với chính quyền các cấp bởi rất nhiều lý do. Theo ông Nguyễn Đức Hóa, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh thì "Người dân đã ở đây trước khi có di tích. Họ sống xen kẽ trong khu di tích và họ cũng có nhu cầu phải sửa chữa, cải tạo, xây mới nhà cửa để đảm bảo cho cuộc sống".

Ông Hóa cũng cho biết, từ năm 2004 đã có quyết định cấm xây dựng mới, cơi nới nhưng những nhà nào đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì lại được phép tạo mặt bằng để xây dựng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thôn Bắc Đẩu có gần 200 hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trong khoảng những năm từ 1992 - 1998, do đó rất nhiều công trình dân sinh được xây dựng tại đây.

Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo thị xã Chí Linh lý giải cho việc khó xử lý hiện trạng này đó là thiếu quỹ đất tái định cư và nếu bố trí tái định cư quá xa thì hàng trăm hộ dân lâu nay vẫn sinh sống nhờ vào làm các dịch vụ ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ tiếp tục sinh sống như thế nào.

Một thực tế nữa là dự án mở rộng đường vào khu di tích với giai đoạn một là mở rộng đường dẫn dài 5,1 km được triển khai, nhiều hộ dân sống ven tuyến đường này đã bị thu hồi đất để phục vụ dự án. Những hộ không đủ điều kiện để tái định cư tại chỗ được bố trí tái định cư ra khu mới. Những hộ còn lại được ban quản lý dự án cho phép tái định cư trên phần đất vườn còn lại. Và do được bố trí tái định cư tại chỗ và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên càng ngày càng nhiều ngôi nhà cao tầng, hiện đại mọc lên.

Ông Phạm Khắc Toàn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, người đã xây dựng nhà từ năm 2011 trong vùng đệm và bảo vệ của Khu di tích thẳng thắn: Người dân ở xã tôi toàn sinh sống nhờ nông nghiệp và làm dịch vụ nếu chuyển họ đi nơi khác thì phải bố trí tái định cư và tạo điều kiện để họ tiếp tục kiếm sống.

Khi được hỏi tại sao vẫn xây dựng một ngôi nhà to và hiện đại như thế này trong khu vực bảo vệ của Khu di tích thì ông Toàn giải thích: "Các cấp chính quyền cần phải có văn bản, sơ đồ công khai ghi rõ địa điểm nào được xây, địa điểm nào không được xây nhà, chỗ nào để bảo tồn, chỗ nào phát triển để người dân biết mà thực hiện".

Bà Phạm Thị Loan ở thôn Bắc Đẩu cho biết: Chúng tôi sống ở đây đã nhiều đời rồi, đến nay nhà cửa xuống cấp, chúng tôi cũng muốn sửa chữa để đảm bảo cho cuộc sống của mình. Gia đình tôi cũng sống nhờ vào bán hàng cho khách du lịch nếu tái định cư đi chỗ khác thì không hiểu chúng tôi sẽ tiếp tục sinh sống bằng nghề gì!?".

Theo một cán bộ của Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, việc xây dựng các công trình dân sinh trong phạm vi bảo vệ của khu di tích là không thể tránh khỏi do quá trình sinh sống xen kẽ từ nhiều năm nay. Nhưng việc xây mới và san gạt đất ở chân núi để tạo mặt bằng xây dựng là vi phạm Luật Di sản, bởi hành động này sẽ khiến cảnh quan của khu di tích bị biến dạng.

Việc người dân xây dựng trong vùng bảo vệ của khu di tích nhưng họ lại xây dựng trên phần đất thổ cư đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên để hạn chế việc xây nhà và các công trình dân sinh gây ảnh hưởng đến di tích thì chỉ có cách là tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân.

Năm 2012, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia. Theo quy hoạch đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt, vùng bảo vệ đặc biệt (vùng 1) của di tích gồm thung lũng Kiếp Bạc, núi Trán Rồng, Nam Tào, Bắc Đẩu và cánh đồng Vạn Yên. Trong quy hoạch tổng thể được phê duyệt, các di chỉ này cần phải được nghiên cứu bảo tồn, giữ gìn để có thể khai quật, khôi phục và trưng bày phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Vì vậy, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra thì sẽ rất khó để giữ nguyên trạng cho cảnh quan của khu di tích.

Vẫn biết việc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là rất khó nhưng nếu không có những biện pháp mạnh mẽ, phù hợp thực tế thì nguy cơ cảnh quan khu di tích đặc biệt cấp quốc gia này sẽ bị phá vỡ là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.


Mạnh Tú
7 hộ dân trong di tích thành cổ Luy Lâu được cấp... sổ đỏ
7 hộ dân trong di tích thành cổ Luy Lâu được cấp... sổ đỏ

Thông tin trên được ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT & DL) cho biết ngày 19/7/2013, tại Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN