Để di tích 'sống' cùng người dân

Câu chuyện ở làng cổ Đường Lâm - làng đầu tiên được “phong di tích” và cũng là làng đầu tiên nhân dân đề nghị “trả lại bằng di tích” - chỉ là “phần nổi” nhìn thấy được của những gì “nóng” nhất trong công tác quy hoạch, bảo tồn những di sản “sống” của chúng ta hôm nay. Nhiều di tích khác cũng đang trong tình trạng tương tự và “đồng thanh” cầu cứu.


Không chỉ Đường Lâm...


Khác với những di tích “chết” (di chỉ khảo cổ, di (phế) tích kiến trúc, di sản tư liệu...) những di tích “sống” (làng cổ, phố cổ, đô thị cổ...) vẫn có sự hiện diện của con người trong đó và hàng ngày hàng giờ chịu tác động từ con người. Điều này tạo nên sự hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu, cho việc quảng bá du lịch... v.v. Nhưng cuộc sống của những người dân sống trong các khu di tích luôn nặng trĩu những nỗi lo, gánh nặng cơm áo đời thường mà ít khi được các nhà quản lý thấu hiểu. Việc bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị di tích... luôn được hô hào nhưng những khẩu hiệu đang “vật lộn” trong mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa “chính sách” với những bức xúc đời thường của những người dân đang hàng ngày gánh chịu...

Một góc làng cổ Cự Đà.


Trước khi Đường Lâm được công nhận là di tích (11/2005), chúng ta đã kêu gọi bảo tồn khu phố cổ rồi khu phố Pháp ở nội thành Hà Nội, kêu gọi giữ gìn những gì còn lại của làng cổ Cự Đà trước cơn lốc đô thị hóa... nhưng ở tất cả những nơi “được” kêu gọi, sự tàn phá (văn hóa) thậm chí còn diễn ra nhanh hơn. Cho đến nay, phố cổ đã gần như không còn theo nguyên nghĩa và hình ảnh xưa, chỉ còn vài ngôi nhà cổ (may mà) còn được giữ trong đó. Cũng không thể trách dân ở làng cổ Cự Đà phá đi những ngôi nhà cũ do chính cha ông mình xây để làm nhà bê tông và gắn máy lạnh - họ mới “được nhận tiền đền bù” và có nhu cầu chính đáng hưởng thụ một cuộc sống nhiều tiện nghi hơn là chen chúc mấy thế hệ ông, cha, con, cháu trong một ngôi nhà chật chội với thiết kế kiến trúc từ đầu thế kỷ trước.


Cũng có thể nhìn rõ câu chuyện đó trong khu phố Pháp ở Hà Nội - câu chuyện của sự “đứt gãy” trong quy hoạch Hà Nội nói riêng và sự “vênh” giữa bảo tồn và phát triển nói chung. Sau khi người Pháp chấm dứt sự hiện diện về hành chính và quân sự ở Hà Nội, khá nhiều biệt thự được chia cho các cán bộ để ở, một số biệt thự khác trước kia dùng để ở được sử dụng làm công sở. Ở các các biệt thự được dùng làm nhà ở, theo thời gian, dân số tăng lên. Các biệt thự cũ không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người sử dụng nó. Người ta buộc phải tìm nhiều cách khác nhau để cải thiện điều kiện ở của mình. Với những biệt thự được dùng làm công sở tình hình cũng diễn ra tương tự.

Sau một thời gian dài sử dụng nhưng ít được bảo dưỡng, nhiều công sở trở nên chật chội và lần lượt xuống cấp khiến người ta nghĩ đến phương án phá đi để xây một trụ sở mới với kiến trúc hiện đại trên khuôn viên cũ. Số lượng biệt thự do người Pháp xây ngày càng ít đi vì quá trình phá dỡ, cải tạo vẫn đang tiếp tục. Trong một xu hướng khác, nhiều ngôi biệt thự, bằng nhiều cách và nhiều con đường khác nhau đã được sửa chữa, khôi phục lại hình dáng và cấu trúc ban đầu nhằm mục đích kinh doanh (cho thuê) với mức giá cao. Xu hướng này tuy không rầm rộ như xu hướng thứ nhất song cũng đã xuất hiện nhiều trên các tuyến “phố tây” ở Hà Nội. Những khu biệt thự Pháp tuyệt đẹp dọc theo các dãy “phố tây” được vẽ và xây nên bởi các kiến trúc sư và nhà quy hoạch tài danh, với nhiều phong cách kiến trúc qua gần một thế kỷ nay chỉ lác đác vài ngôi được gắn biển di tích (như nhà số 90 phố Thợ Nhuộm) là còn tương đối nguyên vẹn. Nhưng khác với Đường Lâm, sự biến đổi hư hoại của khu phố Pháp diễn ra âm thầm, lâu dài và “hòa bình” hơn. Có lẽ vì các quyền lợi đã “thỏa hiệp” được với nhau.


Cần những giới hạn cụ thể


Với thời gian không có gì bền vững mãi mãi, nhưng lưu giữ ký ức lịch sử - văn hóa như thế nào thì con người có thể chủ động đưa ra phương cách của mình. Với các di tích “sống” như Đường Lâm, như khu phố cổ, khu phố Pháp, như Cự Đà và còn nhiều hơn nữa... áp lực gia tăng dân số được nhận diện như một nguyên nhân chính gây xung đột giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn giá trị cổ truyền và thỏa mãn mức sống với đòi hỏi ngày càng cao của người dân đang sống trong di tích. Áp lực gia tăng dân số còn trực tiếp dẫn tới nhiều nguy cơ cần được “tháo ngòi nổ”: Sự “nêm chặt” không gian, sự phá vỡ kết cấu kiến trúc, hiểm họa cháy, nổ, ô nhiễm (cả môi trường tự nhiên và xã hội)...


Chưa kể tới những bất cập trong quản lý của các cấp chính quyền sở tại, lý do trực tiếp khiến người dân Đường Lâm nhất trí “trả lại bằng di tích” là vì không được xây dựng, cải tạo những ngôi nhà cũ khi áp lực gia tăng dân số đã “vượt ngưỡng chịu đựng” của các công trình này. Sự “vượt ngưỡng” này không chỉ diễn ra ở Đường Lâm mà diễn ra ở tất cả các khu công trình kiến trúc cổ/cũ ở Việt Nam. Sự “chồng lớp” theo thời gian của cư dân trong các công trình kiến trúc cũ chỉ có thể đến một giới hạn nhất định. Vượt quá giới hạn đó, kiến trúc cũ sẽ bị phá vỡ do nhu cầu nội tại của những chủ sở hữu.
Với các di tích “sống”, nên chăng các nhà khoa học cần phối hợp với các nhà quản lý để đưa ra một “mức giới hạn”: Quy định mật độ dân số vừa đủ, cân bằng giữa không gian sống và số lượng người sống trong di tích - trong diện tích một ngôi nhà cổ đã xác định chỉ (được) có bao nhiêu nhân khẩu sinh sống. Số người đã “vượt trội” cần đưa đến khu định cư mới. Ai ở, ai đi trong ngôi nhà cần bảo tồn có thể do các chủ nhân bàn bạc và quyết định. Những người “đi” sẽ được nhận những ưu đãi (về diện tích ở, về cơ sở hạ tầng, những ưu đãi về tài chính...) cho sự hy sinh quyền lợi.

Những người “ở” sẽ được hưởng lợi từ du lịch, sẽ được Nhà nước “trả công” cho việc bảo tồn nhưng cũng sẽ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của Luật Di sản. Giữa vùng “lõi” cần bảo tồn và vùng “giãn dân” cần thiết lập một “khu đệm” đủ rộng và bên cạnh đó cần phải có một quy hoạch trong tầm nhìn tương lai xa với hệ thống hạ tầng khung, các công trình kỹ thuật đầu mối đủ mạnh... Một điều nhất thiết phải có bên cạnh việc tuyên truyền ý thức, tinh thần, trách nhiệm trân trọng bảo vệ những giá trị văn hóa cho mỗi người dân trong các di tích “sống” là phải làm (tạo cách) cho họ có thể “sống được” và có thể được hưởng lợi từ di tích. Được như vậy người dân mới thật sự coi di tích là “của mình” và sẽ cố gắng giữ gìn, phát huy. Bài học này đã có ở Hội An và Huế, thiết nghĩ Hà Nội có thể tham khảo.



Bài và ảnh:Ngữ Thiên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN