Đàn bà, con gái trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh

Lão nhà văn, tác giả của bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, đã khiến nhiều độc giả ngạc nhiên về vốn kiến thức về văn hóa và lịch sử, sức viết khỏe (hoàn toàn viết tay) khi đã ở tuổi xưa nay hiếm. Ông còn khiến nhiều người ngạc nhiên hơn nữa khi trong bất cứ cuốn tiểu thuyết nào ông cũng miêu tả rất sinh động, đầy cảm hứng hình ảnh những người đàn bà của làng quê Việt Nam. Điều đặc biệt là tất cả những người đàn bà ấy đều rất đẹp, đầy quyến rũ...


Người đàn bà Việt ai cũng đẹp


Nằm trong một con ngõ nhỏ chỉ chừng hai mét không có ánh nắng lọt vào trên đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), xe cộ đi lại ầm ĩ từ sáng tới khuya, ngôi nhà của lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh  (ảnh) (SN 1933), tác giả của bộ ba tiểu thuyết ăn khách, được dư luận chú ý nhiều trong khoảng chục năm lại đây, từ Hồ Quý Ly (2000, tái bản lần thứ 10), Mẫu thượng ngàn (2005, tái bản lần thứ 6), đến Đội gạo lên chùa, mà mỗi tiểu thuyết đều có số trang ở mức đáng nể, trên dưới 800 trang, thật giản dị. Tầng một bày biện kín đồ đạc: một bộ bàn ghế, bếp nấu ăn, và ngay cửa ra vào là quầy hàng nhỏ để cô con dâu bán hàng khô kiếm sống qua ngày. Tầng hai được chia ra các phòng nhỏ, là nơi vợ chồng lão nhà văn vừa làm việc, vừa sinh hoạt, vừa tiếp khách.



Nơi lão nhà văn ngồi tiếp khách cũng chẳng có gì nhiều để bày biện. Khách và chủ ngồi ghế tựa, không cần bàn, một đĩa sứ nhỏ để một chén uống nước trà được lão nhà văn để ngay dưới đất cạnh chân mình. Ông ngồi nép mình một nửa chìm vào bóng tối trong một khung cửa hẹp mà nói chuyện. Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hao gầy của tuổi già (ông lại đang bị ốm), chỉ có đôi mắt và khuôn miệng lúc nào cũng tươi rói, miệng cười mắt cũng cười theo.


Lão nhà văn có nụ cười hiền, dễ mến, dễ tạo cảm tình với người đối diện dù gặp lần đầu. Lão nhà văn bảo, mọi thứ với ông trong cuộc sống đều đơn giản, một cuộc sống giản dị từ xưa đến nay, không mưu cầu gì nhiều cho mình, gia tài của ông nhiều nhất và giá trị nhất chính là sách. Ông đọc nhiều, từ sách triết học, xã hội học, tiểu thuyết trong và ngoài nước,… bằng cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt. Bây giờ dù đã ở tuổi 80 nhưng mỗi ngày ông vẫn đọc sách vài ba tiếng, ông bảo, “phải có kiến thức đầy đủ ở mặt bằng của thời đại mình”.


Nhưng có một điều khiến người ta thấy cuộc sống của ông trở nên giàu có, chính là cái nhìn của ông ra bên ngoài, cái nhìn ấy khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhõm dù cho cuộc sống gia đình có những lúc khó khăn. Và điều này cũng khiến cho những tác phẩm của ông mang một hơi thở riêng, mà trong đó, cái làm nên sức bền cũng như sự hấp dẫn, lôi cuốn (ngoài những vấn đề thuộc về tính kinh điển của tiểu thuyết, những vấn đề của Phật giáo gắn với cuộc sống đời thường trong diễn trình lịch sử trong cả ba tiểu thuyết,…) chính là những con người, mà ở đây lại là những người đàn bà rất đẹp, quyến rũ, đầy ma mị dù cho họ sống trong nghèo khổ, rách rưới, có khi là kẻ ăn mày.


Theo lão nhà văn, những người đàn bà Việt Nam vốn đã đẹp sẵn rồi, đẹp từ trong gian khổ, đẹp từ trong đói nghèo. Tất nhiên, cảm nhận này xuất phát từ thực tế cuộc sống của chính lão nhà văn. Từ nhỏ ông sống chủ yếu bên cạnh những người đàn bà, họ là mẹ, là bác, là dì, là chị em họ của ông. Những con người cần cù, nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, những con người có cuộc sống không mấy suôn sẻ đã cho ông có cái nhìn sinh động, đầy đủ và rõ nét về tính nữ, chất âm tính mà ông miêu tả trong các tiểu thuyết của mình.


Bố ông có ba vợ. Bà cả dáng vẻ đặc sệt nông dân, có bốn người con, dù gia đình chồng khá giả nhưng bà vẫn sống một cuộc sống đầy tiết kiệm, quanh năm ăn độn. Bà hai không có con. Mẹ ông là vợ ba, lấy chồng hoàn toàn không có chút tình yêu, không biết thế nào là hạnh phúc, phận lẽ mọn càng khiến bà sống cam chịu. Bố ông mất sớm khi ông mới 6 tuổi, gia đình cũng khá giả nhưng sau đó phá sản, từ nhà nội ở làng Noi (ngôi làng này nằm cạnh làng Bưởi của nhà văn Tô Hoài, từ làng Bưởi đi qua một cánh đồng thì đến làng Noi), nay là Cổ Nhuế, mẹ ông đưa con về sống ở nhà ngoại ở làng Thanh Nhàn (xưa thuộc tổng Thanh Nhàn, nay là phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), chỉ ngày giỗ tết thì đưa con về quê nội.


Ở đây, trên mảnh đất hơn một sào trong ngôi làng lúc ấy người ở còn rất thưa thớt, mẹ con ông sống cùng với hai bác gái, một bà không chồng, một bà chồng ốm; một bác gái khác có chồng nhưng chồng đi sang Lào, cùng các dì và nhiều chị em họ. Xung quanh ông là cả thế giới toàn đàn bà con gái. Ông bảo, người phụ nữ Việt Nam khổ lắm. Mẹ ông là người đàn bà nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, chồng mất cả đời ở vậy nuôi con. Bà chăm chỉ buôn bán, mùa nực thì bán măng, mùa rét thì bán cà chua ở chợ Hôm, tần tảo nuôi con thành người.


Nhiều nhân vật là nguyên mẫu trong họ tộc


Vì thế, ông luôn dành cho những người đàn bà, các cô gái cái nhìn đầy thiện cảm trong các tác phẩm của mình. Ở họ luôn toát lên vẻ đẹp mộc mạc, tròn đầy và tinh khiết. Họ hôm nay có thể đói lả, bị chồng bỏ, không nhà cửa nhưng hôm sau đã có thể là người đàn bà đầy nhục cảm, với thân thể ấm nóng và ánh nhìn ướt át, bàn tay mềm ấm (Khoai trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa). Họ hôm nay có thể là đứa con gái đang trong cơn hoảng loạn vì cha mẹ bị giặc giết, nhưng hôm sau là nàng thiếu nữ xinh đẹp, nết na, dịu dàng, cổ trắng như ngó cần ai thấy cũng muốn đặt một nụ hôn lên đấy, mái tóc đen dài mượt; mà để che mắt thiên hạ trong thời loạn lạc bằng cách ăn mặc rách rưới, áo bạc thếch, mặt mũi phải bôi cho thành nhọ nhem (Nguyệt trong Đội gạo lên chùa).


Hay Rêu trong Đội gạo lên chùa, một đứa con gái gầy gò, bé nhỏ nhưng da trắng, môi hồng, tóc đen như mun, mắt đen láy long lanh ấm áp, “đôi mắt ấy nhìn vào ai, dù đang lúc tức giận, cũng bỗng nhiên như được xoa dịu”, một vẻ đẹp tinh khôi. Mẹ Rêu, bà Thêu cũng là một người đàn bà rất đẹp: tóc đen nhánh, da trắng, mắt bồ câu long lanh, người cân đối thon thả, bà mặc áo cánh nâu vừa khít.


Hay như Mùi (trong Mẫu thượng ngàn), người đàn bà có tới ba đời chồng cũng là người đàn bà khiến cho đàn ông khó có thể cầm lòng bởi đôi vú nở nang, eo thon nhỏ, đôi mông nẩy đều chắc nịch, gương mặt tròn vạnh, mày ngài đen nhánh như mực nho, đôi mắt đen trắng phân minh nhưng chính thế trở nên bất hạnh khi mới 18 tuổi xuân sắc và người chồng đầu tiên chết bởi “chân khí suy kiệt”…


Lão nhà văn nói, những nhân vật đầy nữ tính, xinh đẹp ấy thật ra đều là những người thân của ông, hoặc những người sống xung quanh ông, họ được ráp nối lại từ những mảnh vụn ký ức của nhiều người. Nhưng cũng có những nhân vật có nguyên mẫu, như nhân vật bà Tổ Cô trong “Mẫu thượng ngàn” chính là cụ cô của ông (em ruột cụ nội). Cuộc đời của bà chính là cuộc đời của nhân vật trong truyện. Cụ cô của ông có chồng là ông đề đi đánh Tây ở Huế bị chết; họ hàng buộc cụ phải lấy một ông trùm theo đạo thì Tây mới tha không bắt đi tù, nhưng cụ lấy người chồng này được ít lâu thì chồng cũng qua đời. Ông còn nhớ, thuở nhỏ khi được cụ bế, ông rất sợ, cụ cô của ông lúc ấy tóc bạc phơ, hay ngồi ghế xích đu… Trong truyện, bà Tổ Cô được miêu tả rất đẹp. Bà vừa đẹp người, đẹp nết, lại biết chữ nghĩa. “Thuở con gái bà đẹp lắm, thắt đáy lưng ong, khuôn mặt trái xoan, mi thanh mục tú. Chẳng cần trang điểm cũng đẹp nõn nà… Cả chân tay cũng đẹp, những ngón tay dài búp măng, lấp ló dưới chiếc váy sồi đen nhánh là hai bàn chân xinh xinh gót lúc nào cũng đỏ như son. Tất cả con người như một đóa hoa tươi. Bà đứng chỗ nào là chỗ ấy như sáng sủa lên, như rực rỡ lên”.


Cũng theo lời kể của lão nhà văn, “bà Ba váy (vợ ba của Lý Cỏn trong Mẫu thượng ngàn) cũng là bà chị họ tôi”, tuy xuất hiện không nhiều nhưng khá rõ nét. Một người nợ Lý Cỏn hai chục thúng thóc liền đem con gán nợ. Cô bé 17 tuổi, có cái tên rất buồn cười “cái đĩ Váy”, cô gái “trắng một cách lạ lùng, trắng như cục bột”, chỉ thích mặc váy dù Lý Cỏn bắt mặc quần, ở cô Lý Cỏn có thể “tìm thấy sự săn chắc, sự hừng hực ngút ngát của tuổi trẻ mà ông không tài nào tìm thấy được ở bà Cả và bà Hai”…


Và chính những người đàn bà ấy đã làm cái riêng trong tác phẩm của ông. Đặc biệt nữa họ là những người đàn bà của làng quê, từ làng quê mà ra, làng quê Việt đã sản sinh ra những người đàn bà duyên dáng, xinh đẹp như thế. Chính vì thế mà với ông, làng quê luôn gắn bó mật thiết, dù ông là người thành thị, làng quê trở thành chất liệu trong tác phẩm và làm nên hình ảnh đẹp của làng Việt.


Ông kể rằng, làng Thanh Nhàn quê ngoại ông xưa đẹp lắm. Làng có nhiều hồ ao (trước cửa nhà ông xưa kia cũng có cái ao rất rộng) nên người dân chủ yếu thả rau muống đem bán kiếm sống, nhiều nhà thả cá, trồng niễng (củ niễng đem xào với trứng ăn rất ngon, bây giờ giống niễng của làng đã tuyệt rồi), dọc các bờ ao người ta trồng ổi xanh tốt. Người ta cũng trồng rất nhiều sen ở ao làng, mùa sen nở hương thơm mát dịu, người ta gánh sen đi bán. “Mặc dù đô thị hóa nhưng làng khi ấy thoáng đãng, sạch sẽ, thơm ngon hơn bấy giờ rất nhiều, chứ làng như bây giờ thì chán lắm”, ông nói.


Lão nhà văn cũng bảo rằng, người viết văn phải có hai vùng thực tế, một vùng đất cho mình theo dõi thường xuyên (có thể là một ngôi làng) cho những nhân vật của mình, đây là vùng đi sâu, tạo chiều sâu cho tác phẩm; còn một vùng để mình đi rộng, đi khắp (bề mặt) để tạo hứng khởi. Trong vùng thứ nhất, đừng coi thường cuộc sống hàng ngày, bạn bè, người quen, những đối thoại đặc sắc, những sinh hoạt bình thường của họ bởi mỗi thời đại đều có những điều khác nhau, chính những điều ấy trở thành đặc điểm của thời đại mình đang sống mà người đọc rất thích. Và văn chương chính là chi tiết, sống động bởi chi tiết, nhà văn phải biết nhìn ra chi tiết của cuộc đời. Cũng chính vì thế, những nhân vật, nhất là những người đàn bà trong tác phẩm của ông mới sinh động, rõ nét và luôn tươi mới như thế, dù cho họ ở thời đại lịch sử nào.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN