Việc du diễn ở Mỹ lần này của các nghệ sĩ Idecaf là xuất phát từ thành công của chương trình du diễn năm 2015 với vở “Hợp đồng mãnh thú” (vẫn đang trong kịch mục của đoàn). Và năm nay, với phiên bản rất mới, “Dạ cổ hoài lang” (kịch bản Thanh Hoàng, đạo diễn Vũ Minh) hứa hẹn cũng sẽ phải tăng suất diễn trên đất Mỹ, ngoài 4 suất diễn trong các ngày 6, 7 và 14/8 tại các thành phố San Jose, Houston và Orange County; đã được lên kế hoạch trước (năm ngoái, số suất diễn của “Hợp đồng mãnh thú” cũng đã phải tăng lên gần gấp đôi, với 7 suất diễn).
Vở “Dạ cổ hoài lang” lấy cảm hứng từ bài vọng cổ cùng tên của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhưng thay tâm cảnh vợ nhớ chồng lúc về đêm bằng niềm hoài cố hương của đôi bạn già nơi đất khách. Kịch bản “Dạ cổ hoài lang” được nghệ sĩ Thanh Hoàng viết vào năm 1993. Năm 1994, vở diễn này đã được đạo diễn Công Ninh dàn dựng với sự thể hiện của nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi trong làng kịch nghệ Việt Nam đã thực sự gây xúc động mạnh đối với khán giả yêu sân khấu trong suốt 20 năm qua với trên 1.000 suất diễn. Năm 2014, “Dạ cổ hoài lang” được đạo diễn Vũ Minh dàn dựng lại trên sân khấu Idecaf. “Vở diễn được tái dựng với đường dây và câu chuyện kịch không có thay đổi gì nhiều so với kịch bản gốc”, đại diện Idecaf cho biết.
“Dạ cổ hoài lang” của Thanh Hoàng là câu chuyện nhiều cảm xúc, đầy trăn trở tâm tư của hai ông già Việt Nam sống trên đất Mỹ. Hai con người đã có hơn một nửa cuộc đời sống trên đất mẹ quê hương, nhưng vì con cháu nên phải dứt áo ra đi, rời xa quê nhà. Trong cuộc sống mới, những con người xa xứ luôn mang nặng trong lòng sự hoài vọng về cố hương, trái tim họ vẫn luôn hướng về nơi quê cha đất tổ. Cùng đồng cảm, đồng tâm, cùng có một nỗi cô đơn như nhau giữa cuộc sống nơi đất khách quê người, nên họ đã tìm đến nhau, thường xuyên cùng trò chuyện, sẻ chia bao hoài niệm vui - buồn. Tâm tư, tình cảm của hai con người đã sống gần hết cuộc đời mình là như thế, nhưng thế hệ con cháu của họ - những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở xứ người không biết nói tiếng Việt, không hiểu rõ về cội nguồn, quê hương xứ sở, phong tục tập quán, lễ nghĩa, cũng như sự quan tâm chăm sóc thấm đậm tình cảm gia đình của người thân, ông bà, cha mẹ... ít nhiều đã gây cho họ những nỗi đau đớn, dằn vặt, day dứt trong tâm hồn.
Các nghệ sĩ của sân khấu Idecaf mang “Dạ cổ hoài lang” tới Mỹ gồm có: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lương Thế Thành, Tường Vi, đạo diễn Vũ Minh và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. |
Điểm đặc biệt trong phiên bản sang Mỹ lần này, đó là đạo diễn Vũ Minh đã đẩy nhanh hơn tiết tấu của câu chuyện và bớt đi một số tình tiết trong nguyên bản như những cảnh nhớ quê hương, để vở kịch phù hợp hơn với hoàn cảnh xã hội mới, thể hiện được đời sống, tâm tư tình cảm và khát vọng của nhiều Việt kiều đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài hiện nay, đồng thời nhấn mạnh yếu tố giữ gìn bản sắc văn hóa Việt của đông đảo kiều bào sinh sống ở các nước trên thế giới.
“Tất cả cảnh trí và đạo cụ của vở (từ mảnh vải treo cho tới cái bánh sinh nhật...) chúng tôi đều chở từ Việt Nam sang để đảm bảo tính nguyên bản của vở diễn, chỉ có bục gỗ là đóng tại Mỹ mà thôi. Các nghệ sĩ rất vui vì có dịp quảng bá kịch nói trong nước đến khán giả kiều bào ở nước ngoài”, đại diện Idecaf cho biết.
Cũng theo đại diện này, dù “Dạ cổ hoài lang” còn chưa bắt đầu đỏ đèn, nhưng Idecaf cũng đã có kế hoạch “gối vụ” năm sau, với dự định mang “Tía ơi má dìa” - một tác phẩm cũng rất thành công của mình, sang Mỹ.