Bản Dạ cổ hoài lang được xem như là bản tâm tình của biết bao thế hệ người dân Nam Bộ. Từ bài ca vọng cổ này đã hình thành dòng dân ca cải lương Nam Bộ - môn nghệ thuật thắm đượm tình người, tình yêu quê hương đất nước. Và người viết nên tác phẩm bất hủ này là cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu.Ông sinh năm 1892, mất ngày 13/8/1976, tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng…”
Đây là lời ca mở đầu bản Dạ cổ hoài lang mà cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu đã sáng tác cách đây gần một thế kỷ, đánh dấu sự khởi đầu của nền sân khấu cải lương Nam Bộ. Dạ cổ hoài lang đã đi vào lịch sử âm nhạc dân tộc, trở thành bài vọng cổ được yêu thích cho tới hôm nay và người dân Nam Bộ xem như một tài sản tinh thần vô giá.
Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) sinh năm 1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sáp nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Chưa đầy 4 tuổi, ông theo cha mẹ tới thị xã Bạc Liêu mong đổi đời. Từ nhỏ, ông có tư chất thông minh và có năng khiếu về âm nhạc. Vì vậy mà ông vừa đi làm vừa dành thời gian thỏa mãn niềm đam mê cổ nhạc bằng cách xin học một nhạc sỹ tài danh xứ Bạc Liêu. Đó là ông Lê Tài Khị, tục gọi Nhạc Khị.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu năm 1960. (Ảnh tư liệu) |
Cuộc sống cơm áo vốn đã khó khăn, lại thêm cảnh vợ chồng ông sống với nhau 3 năm vẫn không sinh hạ được người con nào càng trở nên ảm đạm. Theo tục xưa “Tam niên vô tử bất thành thê”, một quan niệm của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt khiến nhiều đôi lứa chia lìa. Vợ chồng Cao Văn Lầu không nằm ngoài quan niệm ấy. Phải tuân theo, nhưng ông vô cùng buồn bã và luôn thương nhớ người vợ của mình. Vào một đêm rằm tháng tám năm 1919, khi nghe tiếng trống “công phu” từ ngôi chùa Vĩnh Phước gần đó vọng ra buồn thảm, ông đã sáng tác bài Dạ cổ hoài lang gồm 20 câu, nhịp 2 để trút cạn nỗi niềm tâm sự.
“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau…”
Dạ cổ hoài lang, ý nói đêm nghe tiếng trống nhớ thương chồng, là một bài ca diễn tả tâm trạng người phụ nữ xa chồng, mỏi mắt chờ mong. Đây chính là tiếng lòng của người vợ đã được nhạc sỹ Cao Văn Lầu nói thay bằng những lời ca. Khi ra đời, bản Dạ cổ hoài lang đã nhanh chóng có chỗ đứng trong lòng công chúng. Sức lan tỏa của nó đã vượt qua phạm vi xứ Bạc Liêu để đến khắp vùng Nam Bộ, trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn người dân phương Nam.
Người ta cho rằng, Dạ cổ hoài lang chính là cột mốc đặt viên gạch đầu tiên cho nền ca kịch sân khấu cải lương. Ở Nam Bộ, những năm đầu thế kỷ XX là lúc phong trào âm nhạc tài tử bắt đầu phát triển mạnh. Các hình thức sơ khai của cải lương cũng bắt đầu hình thành. Khi đó, người dân Việt Nam ai cũng có nhiều tâm sự trong buổi đất nước bị đô hộ. Họ trông chờ một bài ca, bản nhạc có thể truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của mình. Cho đến khi Dạ cổ hoài lang ra đời.
Qua thời gian, Dạ cổ hoài lang không chỉ dừng lại như những bản nhạc cổ khác mà còn dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ, làm thay đổi lớn bộ mặt cải lương. Theo đó, nhiều thế hệ đam mê sáng tác đã sáng tạo nên nhiều cung bậc, làm phong phú và nâng bậc cho làn điệu vọng cổ, cải lương thêm sâu đậm, đi vào lòng người. Mỗi người dân phương Nam, từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn, đều thuộc vài bài ca vọng cổ, để hát lúc vui, buồn, lúc lao động, lúc nghỉ ngơi, hội hè, đình đám…
Từ Dạ cổ hoài lang nhịp 2 của nhạc sỹ Cao Văn Lầu, ngày nay chúng ta đã có bản Cổ thi nhịp tứ, Vọng cổ nhịp 8, Vọng cổ nhịp 16, Vọng cổ nhịp 32, Vọng cổ nhịp 64. Đây là công trình phát triển chung của tài tử bốn phương.
GS, TS Trần Văn Khê, khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài nào, bản nào được như Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng và sẽ sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”.
Và cũng chính bản vọng cổ đã giúp cho nhiều nghệ sỹ thành danh như: NSND Út Trà Ôn, NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Kim Huệ…
Có thể khẳng định, Dạ cổ hoài lang đã chắp cánh cho sân khấu cải lương nhiều thập kỷ qua bay cao, bay xa hơn. Đến nay nó đã trở thành “Bài ca Vua” trên sân khấu cải lương Nam Bộ.
Ông Cao Văn Lầu qua đời vào ngày này cách đây 38 năm, ngày 13/8/1976. Phần mộ của ông nằm ngay trên khu đất nhà của cố nhạc sỹ. Khu đất này đã được chính quyền tỉnh Bạc Liêu trùng tu, tôn tạo thành di tích lịch sử văn hóa-Khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu. Ngày nay, mỗi khi du khách đến Bạc Liêu ghé thăm Khu lưu niệm đều được nghe kể về cuộc đời ông, hoàn cảnh ra đời cũng như thưởng thức bản Dạ cổ hoài lang để cùng bồi hồi xúc động và cảm nhận được sức sống mãnh liệt của một bản nhạc của người nghệ sỹ tài danh Cao Văn Lầu.
Ngày nay, bản Dạ cổ hoài lang đã đi ra khỏi khuôn khổ một bài vọng cổ, lan tỏa vào tân nhạc, kịch nói, hội họa... Ở lĩnh vực nào nó cũng mang lại cảm xúc mãnh liệt đối với khán giả.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN