Chèo, hò Huế và "Dạ cổ hoài lang" sẽ làm nên một nàng Kiều rất riêng

Khát khao với những thử nghiệm và những vở diễn có thể không có cơ hội trình diễn rộng rãi tới công chúng, những ngày tháng ba này, một lần nữa nữ đạo diễn - NSND Lan Hương của Nhà hát Tuổi trẻ lại quyết định thử sức mình. Lần này, là với tác phẩm bất hủ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Vở diễn mang tên "Nguyễn Du với Kiều".

NSND Lan Hương tâm sự, chị đã ấp ủ ý tưởng dàn dựng “Truyện Kiều” trên sàn diễn từ lâu. Chính bản thân chị từng tham gia trong dự án hợp tác dàn dựng vở “Kiều” của một đạo diễn nước ngoài tại Tây Ban Nha. Và giờ đây, khi Ban giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và Lãnh đạo Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã đồng ý hợp tác đầu tư đưa “Truyện Kiều” lên sân khấu thể nghiệm, thì NSND Lan Hương coi đây là cơ hội lớn cho mình. "Cơ hội lớn và thách thức cũng lớn, bởi tôi đã rất trăn trở, suy nghĩ tìm tòi một phong cách dàn dựng mới"- NSND Lan Hương nói.

"Sau khi thành công trong chương trình “Tâm linh Việt”, một vở diễn mang đậm chất vũ đạo với phong cách dân gian, tôi càng tin tưởng rằng “Truyện Kiều” mang yếu tố tâm linh, đó cũng chính là lý do tôi quyết định đưa hình tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay như một biểu tượng xuyên suốt cả vở diễn “Nguyễn Du với Kiều”, như những câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại về truyền thuyết Phật bà Quan Âm từng trải qua nhiều kiếp nạn đã in đậm trong ký ức tuổi thơ của tôi, chuyện kể về thân phận Kiều từng bán mình chuộc cha với lòng hiếu hạnh của nàng cũng vậy, gần như tương đồng với truyền thuyết Phật bà nghìn mắt nghìn tay".- NSND Lan Hương cho biết.

Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du có câu:

“Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”


Ban đầu, đạo diễn – NSND Lan Hương định lấy hai câu thơ này làm ý tưởng dàn dựng vở diễn, với một cấu trúc không hoàn toàn bám sát theo trình tự các sự kiện trong “Truyện Kiều”, mà tập trung khai thác vào một vài biến cố điển hình. Nhưng một nhà văn đã khuyên chị rằng đây là một tác phẩm mang tính chất tâm linh, dân gian, người dân Việt Nam ai cũng đã thuộc các tích truyện trong Kiều, do đó nên trung thành với tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Và NSND Lan Hương đã "tâm phục" với điều này.

Khi dàn dựng, chị đã chỉ lược bỏ một số chi tiết nhỏ, để cơ bản giữ nguyên những tinh túy của "Truyện Kiều". Tuy nhiên, chị cũng đã mạnh dạn sáng tạo và thể hiện những lời thơ của Nguyễn Du qua những làn điệu chèo, hát văn, với mong muốn dùng những yếu tố sân khấu đương đại nhưng vẫn giữ lại những vốn quý của dân tộc, đặc biệt là thân phận của Kiều cùng mối quan hệ đầy các cung bậc cảm xúc thăng trầm khác nhau trong cuộc đời nàng với bốn người đàn ông: Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải và Sở Khanh, họ dường như là hiện thân cho sự lãng mạn, tiền tài, danh vọng và giả dối. Lan Hương tâm sự, theo quan niệm riêng của chị, có lẽ thi hào Nguyễn Du muốn nói đến những ngả đường trần thế đầy gian truân của mỗi đời người.

Trong vở diễn “Nguyễn Du với Kiều” cuộc đời của nàng Kiều trầm luân bể khổ lênh đênh hết mọi miền từ Bắc vào Nam, đạo diễn Lan Hương đã ngụ ý sử dụng từ những làn điệu chèo Bắc bộ đến những làn điệu hò Huế miền Trung và làn điệu “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng của phương Nam. Chị cũng đã mạnh dạn để một nghệ sỹ đảm nhiệm nhiều vai với mong muốn cố gắng tìm và thể hiện được tâm hồn Nguyễn Du qua tác phẩm “Truyện Kiều” của ông. Một nét khác lạ của vở diễn, là sự mạnh dạn đưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương- người cũng luôn trăn trở, luôn bênh vực cho thân phận người phụ nữ thiệt thòi dưới xã hội phong kiến, lên sân khấu trong vở diễn này.

Kịch thể nghiệm vẫn luôn khe khắt về việc chọn khán giả, tuy nhiên, với những nỗ lực của mình, lâu nay Lan Hương đã luôn giúp khán giả "biết yêu" những vở diễn của chị. Lần này cũng sẽ vậy, với sự vào cuộc của chị và các nghệ sĩ của Đoàn kịch Thể nghiệm – Nhà hát Tuổi trẻ, một lần nữa khán giả sẽ lại thấy một hướng đi mới của sân khấu đương đại, trong hành trình hội nhập với sân khấu quốc tế.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN