Để điệu “dạ cổ hoài lang” vọng mãi

Từ lâu đờn ca tài tử Nam Bộ đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của những người con vùng đất phương Nam trong đó có Bạc Liêu, quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giờ đây đờn ca tài tử đã khẳng định được giá trị của mình khi UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa âm nhạc dân tộc tránh nguy cơ mai một trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc hiện đại khác.


Mạch ngầm tuôn chảy

Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, thành phố Bạc Liêu) nghệ nhân Huỳnh Văn Ký (tự Hai Ký) cầm trên tay cây đàn Kìm và bắt đầu buông từng nốt nhạc dẫn nhịp cho bà Mộng Thu, cô đào hát nức tiếng một thời và là người khởi xướng cho phong trào hát tài tử ở Bạc Liêu thể hiện bài “Dạ cổ hoài lang” của cố soạn giả Cao Văn Lầu.

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường

Dù đã bước qua độ tuổi 70, mái tóc đã ngả màu sương muối, đôi bàn tay nhăn nheo in hằn dấu vết của thời gian nhưng ngón đờn của ông vẫn khi trầm, khi bổng, réo rắt ru lòng người. Tiếng tơ đồng nhặt khoan và hòa quyện với giọng hát vẫn còn mượt mà, trong trẻo của “cô đào” Mộng Thu đã bước vào tuổi xế chiều.

Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Hai Ký vẫn giữ được nếp sinh hoạt đờn ca tài tử trong gia đình và ngôi nhà của ông lúc nào cũng đông vui khi nơi đây trở thành điểm lui tới của giới tài tử. Theo lời ông, vì “mê đờn, mê hát” mà ông đã dành gần cả cuộc đời bôn ba theo tổ nghiệp và đến tận bây giờ đờn ca tài tử đã ăn sâu vào máu thịt.

Ông chia sẻ thêm rằng, niềm hạnh phúc nhất đối với ông là hiện nay bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử luôn được xem là “đặc sản” quý của Bạc Liêu và không chỉ con cháu trong gia đình mà rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến ông và bà Mộng Thu để xin học nghề đờn, hát. Còn theo bà Mộng Thu, hiện toàn tỉnh có khoảng 75 câu lạc bộ và 70 nhóm Đờn ca tài tử. Mỗi huyện, xã đều thành lập được các câu lạc bộ cho riêng mình. Chiếm số đông vẫn là những nhóm tự phát hoặc những nhóm đờn ca tài tử gia đình (các thành viên trong nhóm gồm nhiều thế hệ trong gia đình tham gia sinh hoạt). Mỗi nhóm thường khoảng từ 10 đến 20 người tham gia. Có những câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ hàng tuần, hàng tháng nhưng cũng có những người yêu đờn ca tài tử tự tụ họp với nhau lúc rảnh rỗi để hát cho nhau nghe.

“Đờn ca tài tử có sức sống mãnh liệt bởi tính chất bình dân của nó, chỉ cần một chút cảm xúc là có thể tự hát hoặc hát theo nhưng không vì thế mà họ không nghiêm túc trong cách chơi của mình. Những người chơi tài tử thường để giải trí, gởi gắm tâm sự riêng nên họ tập luyện rất công phu, sắp chữ lời ca sao cho đẹp, phải rao sao cho mùi để tạo cho mình một phong cách riêng. Chính vì vậy có thể khẳng định đờn ca tài tử là món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bạc Liêu. Đờn ca tài tử luôn hiện diện trong các hội thi, hội diễn xen lẫn với phong trào văn nghệ quần chúng. Cho dù hiện nay các môn nghệ thuật khác có phát triển mạnh đến đâu thì đờn ca tài tử vẫn có sức sống riêng, vẫn tồn tại và được nhiều người yêu thích”, bà Mộng Thu nói.

Trở lại thời vàng son

Có thể nói, phong trào đờn ca tài tử Bạc Liêu phát triển khá mạnh so với các tỉnh trong khu vực do tỉnh có một lớp nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm, nhu cầu thưởng thức của người dân khá lớn cũng như được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc tổ chức các hoạt động để đưa phong trào đờn ca tài tử đến gần với công chúng hơn.

Tuy nhiên, theo các nghệ nhân, người biết ca, biết đàn ở tỉnh Bạc Liêu thì rất nhiều nhưng để ca cho hay, đàn cho giỏi thì rất ít và thậm chí có thực trạng nhiều người ngại học chuyên sâu vào những bài bản khó. Do vậy, việc tìm được người để truyền lại ngón nghề là khó vô cùng. Ông Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hiện nay loại hình đờn ca tài tử không được đào tạo bài bản, phần lớn là tự truyền nghề, học hỏi lẫn nhau. Nên việc quan trọng là cần mở các lớp dạy đờn ca tài tử chính quy, tạo ra được lực lượng trẻ kế thừa cho tỉnh nhà”.

Theo ông Trần Minh Huấn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bạc Liêu, trong thời gian tới, tỉnh cần xem xét nghiêm túc việc công nhận truyền dạy đờn ca tài tử là một nghề để có những giải pháp đào tạo, truyền nghề phù hợp, đồng thời cũng góp phần để bảo tồn và phát triển nghề đờn ca tài tử Nam Bộ. Hơn nữa, trong đào tạo cần tập trung truyền dạy nghề đờn để cân bằng tỷ lệ nghệ nhân đờn và nghệ nhân ca. “Bởi nếu trong cuộc chơi đờn ca tài tử mà chỉ toàn người ca mà không có người đờn thì điều gì sẽ xảy ra, tất nhiên là cuộc chơi sẽ không diễn ra nữa, thậm chí có tài tử đờn giỏi nhưng ngặt nỗi chẳng có người ca thì dần dần loại hình nghệ thuật này bị mai một là điều khó tránh. Từng đơn vị trong tỉnh nên xác định, có định hướng phát triển cụ thể cho từng câu lạc bộ đờn ca tài tử của mình. Chỉ khi tập trung đào tạo được một câu lạc bộ đờn ca tài tử mũi nhọn, đỉnh cao thì khi đó mới có thể xây dựng được mô hình âm nhạc đờn ca tài tử trọn vẹn, có nét văn hóa riêng của từng nơi, đồng thời cũng là để bảo tồn, định hướng phát triển môn nghệ thuật này”, ông Trần Minh Huấn cho biết.
Bích Thảo
Ưu tiên bảo tồn và khai thác di sản đúng hướng
Ưu tiên bảo tồn và khai thác di sản đúng hướng

Tôn vinh vai trò của nghệ nhân, hoàn thiện thể chế và thu hút đầu tư xã hội bằng việc thực nhiệm vụ tuyên truyền mạnh mẽ… là những đề xuất của các nhà quản lý, chuyên gia lĩnh vực văn hóa nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại ĐBSCL.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN