Ưu tiên bảo tồn và khai thác di sản đúng hướng

Tôn vinh vai trò của nghệ nhân, hoàn thiện thể chế và thu hút đầu tư xã hội bằng việc thực nhiệm vụ tuyên truyền mạnh mẽ… là những đề xuất của các nhà quản lý, chuyên gia lĩnh vực văn hóa nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại ĐBSCL.


Ông Võ Thành Hùng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Đầu tư tổ hợp liên kết

Mặc dù hướng phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng, nhưng đến nay, du lịch và làng nghề vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ngành du lịch tìm đến làng nghề theo kiểu “ăn xổi, ở thì”, “ăn sẵn”, còn người làng nghề thì thờ ơ với vận hội có thể có nhờ du lịch. Bởi làng nghề chưa được “dạy” cách làm du lịch, người dân chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại nên sự tham gia của họ vào phát triển du lịch chưa cao, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu về chủng loại, mẫu mã. Chính vì thế, phần lớn các làng nghề đang mời chào khách “cái đã có sẵn” chứ chưa sản xuất “cái mà du khách cần”. Dù ĐBSCL sở hữu trên 200 làng nghề thủ công truyền thống toàn vùng nhưng đâu là sản phẩm đặc trưng của toàn vùng và mang nét riêng độc đáo của từng tỉnh, thành để giới thiệu tới du khách, khiến họ sẵn sàng bỏ tiền mua lại là câu chuyện chưa có lời giải.

Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer vùng ĐBSCL.

Do vậy, trong tương lai để ngành du lịch vùng ĐBSCL gắn với làng nghề truyền thống, nên chăng cần đầu tư từ 1 - 2 trung tâm với hình thức tổ hợp liên kết giữa bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách. Ở đây tập trung nhiều sản phẩm tinh hoa từ các làng nghề thủ công truyền thống của nhiều đồng bào trong vùng, không chỉ là nơi bày bán hàng thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm, mà còn tái hiện quá trình sản xuất có sự tham gia của các nghệ nhân, từ đó sẽ thu hút du khách, nâng cao khả năng tiêu thụ các sản phẩm từ các làng nghề.

Bà Lê Thị Thanh Thủy, Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh: Thiếu kiến thức về giá trị của di sản văn hóa

Mặc dù nhận thức của các ngành, các cấp và của toàn xã hội về vai trò ý nghĩa của di sản và trách nhiệm của toàn xã hội đối với di sản đã được nâng cao nhưng chưa sâu sắc và toàn diện. Nguyên nhân của mọi sai lầm xuất phát từ nhận thức lệch lạc, nhiều nơi người làm công tác quản lý di sản nhưng vốn kiến thức, hiểu biết về di sản rất hạn chế.

Ở những quốc gia phát triển, trước khi bảo tồn và khai thác di sản văn hóa, họ đều trưng cầu ý kiến của cộng đồng. Trong quá trình người dân trực tiếp tham gia, đưa ra quyết sách và thực thi đã hình thành nên ý thức bảo tồn vô cùng vững chắc từ cộng đồng. Trong khi đó ở nước ta nói chung, ĐBSCL nói riêng đang tồn tại một thực tế là chủ thể của di sản nhưng phần lớn người dân khi được hỏi về các di tích văn hóa của họ, thì lại rất mơ hồ. Như vậy, ngay cả chủ thể của di sản còn chưa ý thức được giá trị của di sản, những lợi ích từ di sản đem tới cho họ thì làm sao họ có thể tự hào về di sản văn hóa đó. Từ đó nảy sinh hành vi xâm hại, thậm chí phá hỏng di sản. Hơn nữa, nhiều địa phương, nhiều nhà kinh tế còn nhận thức đơn giản rằng, di sản là văn hóa là tài sản của ngành văn hóa, chỉ có các cơ quan văn hóa là người được hưởng lợi từ kết quả dự án đó. Việc không coi đúng mức tầm quan trọng của các di sản văn hóa và thái độ thờ ơ của họ có thể sẽ khiến di sản văn hóa bị xóa sổ hoàn toàn.

Chúng ta phải triệt để tuân thủ nguyên tắc “ưu tiên bảo tồn”. Đây là tiền đề để cho việc khai thác di sản. Có nghĩa là sau khi hoàn thiện công tác bảo tồn di sản văn hóa và chỉnh lý môi trường sinh thái của địa phương mới có thể từng bước tiến hành việc khai thác di sản. Không thể để di sản văn hóa vẫn trong tình trạng hư hại, có nguy cơ sụp đổ hoặc môi trường không khí bị ô nhiễm mà vẫn tiến hành khai thác. Thực tế ngành công nghiệp du lịch ở các nước phát triển đã chứng minh, môi trường trong lành là điều kiện cần thiết để khai thác tài nguyên du lịch, nó cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của tài nguyên du lịch.

Một vấn đề nữa là cần phải hoàn thiện các thể chế về bảo tồn di sản văn hóa. Công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích là một hoạt động mang tính đặc thù cần có chính sách, đòi hỏi riêng biệt. Vì thế, thực sự cần có những văn bản quy phạm phát luật quy định chi tiết tiêu chuẩn, nguyên tắc, điều kiện năng lực… của các đơn vị tổ chức và cá nhân tham gia công tác tu bổ di tích.

Bà Nguyễn Thị Bích Thúy, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV: Phát huy vai trò nghệ nhân

Các nghệ nhân trong làng nghề truyền thống luôn giữ vai trò “rường cột” của quá trình sản xuất, sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật. Nhưng để truyền nghề và giữ nghề trong các làng nghề truyền thống đạt hiệu quả cao, các địa phương cần quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho các nghệ nhân trong việc truyền dạy nghề; tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các khóa học về kỹ năng dạy nghề, biên soạn các giáo án theo đặc trưng của từng làng nghề và đối tượng truyền dạy. Các trung tâm dạy nghề đẩy mạnh liên kết với các nghệ nhân, thợ lành nghề tổ chức giảng dạy, truyền nghề cho lao động trẻ em để khai thác bí quyết, kinh nghiệm, kỹ xảo truyền thống. Đây cũng là cách tôn vinh nghề, quảng bá hình ảnh hiệu quả, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống của từng địa phương.

Ngoài ra, nhà nước cần đưa ra cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý nhằm nuôi dưỡng tài năng nghệ nhân, tạo môi trường cho sự sáng tạo và áp dụng sự sáng tạo của họ vào sản xuất nhằm đa dạng mẫu mã sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn như cung cấp tài chính mua vật liệu, xây dựng cơ sở nghiên cứu, từng bước hình thành nhiều lớp nghệ nhân trong làng nghề, tạo lực lượng kế cận nhằm lưu giữ tinh hoa làng nghề.

Bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trường ĐH Trà Vinh: Tăng cường giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của người Khmer

Lễ hội truyền thống là bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa và việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào Khmer là một yêu cầu cấp thiết. Do vậy cần đẩy mạnh công tác quảng bá sự đa dạng, nét độc đáo của những giá trị văn hóa của đồng bào Khmer ra bên ngoài phạm vi của vùng, khu vực và thế giới để thu hút sự quan tâm và đầu tư. Đặc biệt là các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer trong thực tiễn hoạt động du lịch hiện nay, là một giá trị văn hóa đặc sắc cần được quan tâm đưa vào hoạt động này nhằm khai thác, bảo tồn có hiệu quả. Nếu các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa người Khmer ở Tây Nam Bộ sớm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách này và đảm bảo tổ chức thực hiện các chính sách đó một cách có hiệu quả thì chắc chắn rằng những giá trị văn hóa của người Khmer sẽ góp phần tô điểm thêm nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cho đất nước Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Phạm Thái Bình: Cần khai thác đúng hướng giá trị của di sản

Để nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được lưu truyền và mãi mãi ấn tượng trong lòng khách mộ điệu, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, trách nhiệm không chỉ của ngành văn hóa và du lịch tại địa phương mà còn là trách nhiệm, ý thức của từng nghệ nhân, tài tử. Do vậy, ngành văn hóa cần thiết ban hành quyết định về “Hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn âm nhạc tài tử tại các điểm hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời cấp thẻ hành nghề cho các nghệ nhân, tài tử. Vì họ chính là những chủ thể giới thiệu, quảng bá những giá trị độc đáo của âm nhạc tài tử Nam Bộ.
Bài và ảnh: A.Đ
Để điệu “dạ cổ hoài lang” vọng mãi
Để điệu “dạ cổ hoài lang” vọng mãi

Từ lâu đờn ca tài tử Nam Bộ đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của những người con vùng đất phương Nam trong đó có Bạc Liêu, quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giờ đây đờn ca tài tử đã khẳng định được giá trị của mình khi UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa âm nhạc dân tộc tránh nguy cơ mai một trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc hiện đại khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN