Lời răn dạy trẻ được trình bày bắt mắt ngay bên ngoài bờ tường nhà cụ Cao Trí Thịnh. |
Cụ ông Cao Trí Thịnh (94 tuổi, ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), người dân của khu phố này, cũng chính là tác giả của những bức bích báo trên tường. Để làm mới không gian sinh sống, cụ đã tự bỏ tiền túi ra mua sơn và màu, cần mẫn vẽ các bức tranh cổ động lên dọc con ngõ.
Từ cổng ngõ Ao Dài đến các con hẻm đều là những bức tranh tuyệt đẹp. Tranh tường của cụ tập trung tái hiện cảnh ấm cúng gia đình, tình làng nghĩa xóm, cảnh người dân nô nức lao động, cảnh đạo hiếu hay những khẩu hiệu, lời căn dặn của Bác Hồ.
Các bức tranh cụ vẽ có “lịch sử” từ những năm 90, đến bây giờ không ai nhớ rõ ông cụ đã bắt đầu vẽ tranh lên tường từ khi nào. Dù cụ kí tên dưới từng bức vẽ nhưng năm tháng đã phai mờ nhiều. Các bức tranh đi kèm với khẩu hiệu và bài thơ của thập niên 90 khiến người xem ai cũng hoài niệm. Nhìn tranh của cụ Thịnh, người ta như thấy lại thời kì lịch sử của Thủ đô, khi tranh cổ động, tranh phong trào còn rất thịnh hành. Phong cách vẽ của cụ Thịnh có lẽ cũng ảnh hưởng bởi dòng tranh đó, chính bởi vậy mà những bức tranh đều toát lên màu sắc tươi vui, hết sức sinh động.
Màu sắc rực rỡ của những bức họa, những dòng chữ khẩu hiệu khiến những bức tường trở nên sống động. |
Màu sắc rực rỡ của những bức họa, những dòng chữ khẩu hiệu khiến những bức tường trở nên sống động. Có lẽ chính nhờ những bức bích họa choán gần hết mặt tường mà những quảng cáo, rao vặt từng được gọi là “rác tường” khó có đất “chen chân”. Bởi thế mà việc vẽ tường còn giúp mọi người ý thức được rằng phải giữ gìn vệ sinh nơi mình sinh sống, không viết bậy, dán bậy lên tường gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sự lành mạnh của môi trường sống.
Bài thơ về bác Hồ được cụ Thịnh trình bày công phú, bắt mắt trên tường. |
Hiện nay, cụ Thịnh sức khỏe đã yếu nên phải nằm viện để điều trị bệnh cao huyết áp và đau tim tại Bệnh viện E (phố Trần Cung, Hà Nội). Trả lời câu hỏi tò mò của du khách ghé thăm ngõ Ao Dài chỉ có người nhà, hàng xóm của cụ Thịnh. Hàng xóm của cụ Thịnh nói rằng, vẽ là sở thích khi rảnh rỗi. Cụ vẽ cho cảnh vật xung quanh thêm sinh động, tươi vui. Ngoài ra, cụ Thịnh còn làm thơ, viết văn. Thú vui sống của cụ Thịnh tao nhã như những “kẻ sĩ” ngày xưa, rất được cư dân địa phương kính trọng và nể phục.