‘Con giáp thứ 13’ và chuyện nghề thám tử

“Con giáp thứ 13” là tên cuốn sách của tác giả Phan Tiến Dũng do NXB Thanh Niên ấn hành vừa ra mắt bạn đọc. Cuốn sách gồm 32 câu chuyện tương ứng với 32 vụ việc có thật do chính tác giả thực hiện theo yêu cầu của các thân chủ với danh nghĩa một người hoạt động thám tử tư.

Chú thích ảnh
Cuốn sách "Con giáp thứ 13" kể những câu chuyện nghề thám tử. Ảnh: HVT

Đó là câu chuyện về một doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái hàng hóa, bị đánh cắp thương hiệu khiến uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh số bán hàng giảm sút... Họ đã nhờ thám tử truy tìm và thu thập đầy đủ thông tin về những hang ổ sản xuất hàng giả đó, rồi mang bằng chứng đó đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp để bảo vệ thương hiệu và uy tín của công ty mình.

Đó cũng là câu chuyện của một thân chủ nhờ thám tử điều tra và “bóc mẽ” những thủ đoạn bịp bợm để moi tiền của những gã thầy bói, thầy cúng, rồi đưa ra ánh sáng để những người khác không bị mắc lừa.

Cùng với việc “vạch mặt” kẻ gian, “Con giáp thứ 13” còn kể rất nhiều câu chuyện liên quan đến gia đình. Đó là chuyện nhiều bậc phụ huynh học sinh khi phát hiện con mình có điểm khác thường, không yên tâm, nên tìm đến nhờ thám tử theo dõi, tìm hiểu xem con em mình có bỏ học đi chơi game không, có nói dối bố mẹ là đi học thêm để tụ tập với bạn bè xấu, hay đi hẹn hò yêu đương không… để rồi từ đó, có những biện pháp kịp thời ngăn chặn. Rồi những “nghi án” tìm vợ (hoặc chồng) từ quê lên thành phố kiếm việc làm rồi “mất tích”, người nhà không liên lạc được, đến nhờ thám tử tìm giúp; Những người đang nghi ngờ chồng (hoặc vợ) mình có quan hệ bất chính cũng tìm đến thám tử nhờ điều tra…

Không chỉ khám phá sự thật trong mỗi vụ việc, thám tử còn tư vấn cho thân chủ của mình cách xử lý sự việc một cách bình tĩnh, có lý có tình, tránh để thân chủ vì quá giận mà mất khôn, dẫn đến vi phạm pháp luật…

Theo Tiến sỹ văn học Nguyễn Thanh Tâm, một thời gian dài, văn học trinh thám ở Việt Nam có phần vắng bóng. Gần đây, sự xuất hiện của các nhà văn trinh thám như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Di Li… đã khiến cho dòng văn học này tiếp tục khẳng định được chỗ đứng. Trong bối cảnh này, “Con giáp thứ 13” của Phan Tiến Dũng ra đời và là một tác phẩm phù hợp với thị hiếu, không quá lên gân, không quá kỳ bí, bên trong mỗi câu chuyện được kể đều có những bài học thực tế cho các gia đình.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá, trong vai một thám tử trực tiếp tham gia vào các câu chuyện, tác giả Phan Tiến Dũng đã dẫn dắt người đọc không chỉ khám phá ra sự thật trong mỗi công việc, mà còn tư vấn về cách xử lý sự việc một cách bình tĩnh, có lý có tình.

Nhà báo Kiều Mai Sơn thì cho rằng, với cách vào đề, cách sử dụng chất liệu và việc xử lý các sự việc trong “Con giáp thứ 13”, tác giả Phan Tiến Dũng đã rất khéo léo trong việc ghi chép, kết nối thông tin theo một cấu trúc mạch lạc, mạnh dạn khi đưa ra các bí mật nghề nghiệp vào trang viết, khiến tác phẩm mang màu sắc mới, màu sắc của văn học trinh thám, nhưng không quá thiên về giải trí mà đậm tính nhân văn.

Thám tử tư - một nghề đặc biệt và mới ra đời ở Việt Nam chưa lâu, song dịch vụ này đang ngày càng được nhiều người cần đến và sử dụng. Do nhu cầu của xã hội, hiện tại đã có hàng chục văn phòng hay công ty thám tử tư được thành lập trên cả nước, nhiều nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những câu chuyện trong "Con giáp thứ 13" của tác giả Phan Tiến Dũng phần nào giúp độc giả có thêm những hiểu biết cơ bản về "nghề đặc biệt" này.    

Phương Hà/Báo Tin tức
Ra mắt bộ sách nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định giai đoạn 1930 – 1954
Ra mắt bộ sách nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định giai đoạn 1930 – 1954

Ngày 25/1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã ra mắt bộ sách “Lịch sử nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1930 – 1954”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN