Chương trình nghệ thuật dịp 1/6: "Thực đơn" đã dọn, chọn "món" nào...

Nhiều năm nay, các "bầu" nghệ thuật phát hiện ra tiềm năng của thị trường ca nhạc dành cho thiếu nhi. Và thế là không còn chuyện chỉ duy nhất Nhà hát Tuổi trẻ "đến hẹn lại lên" dàn dựng chương trình cho thiếu nhi nhân dịp hè và 1/6 nữa; mà những "bầu" lớn đều đã "nhăm nhe" từ rất sớm cho những chương trình ca múa nhạc, kịch, xiếc cho thiếu nhi. Thậm chí, có những nghệ sĩ, vốn được các em nhỏ yêu thích, cũng đã tự tổ chức "show" cho mình như Tự Long, Xuân Bắc, Minh Vượng... Bởi vậy, khán giả nhí giờ hóa ra phải "chọn lựa" khá khó khăn trong một sêri đến hàng chục chương trình ra đời dịp 1/6...

 

Nhiều sự lựa chọn


Chọn cho con một chương trình nghệ thuật chất lượng, như một món quà tinh thần cho các con nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, cũng là thưởng cho các con sau 1 năm học miệt mài... là điều cha mẹ nào cũng muốn. Chính vì vậy, với rất nhiều bậc phụ huynh, điểm đến mà họ chọn vào mỗi dịp hè, và dịp hè này cũng không ngoại lệ, chính là Nhà hát Tuổi trẻ.


Năm nay, đáp ứng lòng mong mỏi của các bậc cha mẹ cũng như những khán giả nhí quen thuộc của mình, Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng một sêri 3 chương trình dành cho thiếu nhi, cùng ra mắt dịp trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 6.


 

Phải kể đến đầu tiên là một chương trình đã thành thương hiệu “Ngôi nhà của bé 2012” của Đoàn ca múa nhạc, do NSND Lê Hùng đạo diễn, biên tập: NSƯT Trọng Thủy. Chương trình có sự góp mặt của những nghệ sỹ quen thuộc cùng các bài hát vui nhộn do NSƯT Hồng Kỳ, Hoài Phương, Hải Yến, Lưu Thiên Hương, Ánh Tuyết, Tường Văn, Tuấn Nghĩa... Đặc biệt, như thường lệ là sự hiện diện một “vườn thú” với những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu, với những tình huống thật hài hước, hấp dẫn trong một câu chuyện được dẫn dắt bằng 10 ca khúc: “Chuyện hổ xám”, “Bác tiều phu”, “Đàn bò”, “Cây thông”, “Thỏ trắng”, “Trái đất xanh”, “Rôbốt trái cây”, “Giờ trái đất”, “Đỏ xanh vàng”, hoạt cảnh “Hổ xám sập bẫy”... Chương trình sẽ chính thức công diễn phục vụ đông đảo thiếu nhi thủ đô tại rạp Tuổi Trẻ - 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, từ ngày 18/5/2012 với nhiều buổi diễn trong ngày: 8 giờ 30, 10 giờ, 14 giờ, 16 giờ và 20 giờ 15, với giá vé từ 80.000 - 150.000 đồng.


Muộn hơn một chút, từ ngày 28 - 31/5, tại rạp Thanh Niên, 37 Trần Bình Trọng (Hà Nội) sẽ là sự góp mặt của Đoàn kịch I với chương trình nghệ thuật tạp kỹ “Cổ tích cười”, do NSƯT Anh Tú đạo diễn. Nhấn mạnh tới yếu tố “tương tác” trong những trò chơi giao lưu cùng các em đến thưởng thức chương trình, “Cổ tích cười” sẽ đưa các khán giả nhỏ tuổi đến với thế giới cổ tích đặc sắc của vở kịch “Huyền thoại Thạch Sanh” với những nhân vật và hình ảnh quen thuộc trong kí ức của trẻ em như Thạch Sanh với cây đàn thần có nhiều phép lạ và niêu cơm kì diệu, nàng công chúa bị trăn tinh nhốt trong hang tối và gã Lý Thông độc ác, tham lam... Chương trình diễn ra vào lúc 18 giờ và 20 giờ với giá vé là 100.000 - 150.000 đồng.


Còn Đoàn kịch II với chùm hài kịch “Thế giới đồ chơi và chúa tể bóng tối” (tác giả: NS Quân Anh và Chí Huy) và “Những tên cướp ngu ngơ” (tác giả và đạo diễn: Sĩ Tiến). “Thế giới đồ chơi và chúa tể bóng tối” là câu chuyện về cuộc sống ngộ nghĩnh của thế giới đồ chơi. Khi các em bé chìm vào giấc ngủ lúc màn đêm buông xuống, cũng là lúc các đồ chơi bắt đầu cuộc sống của mình. Chúng vui chơi và hát ca trong thế giới cầu vồng hạnh phúc cho đến khi Chúa tể bóng tối xuất hiện, mang sự sợ hãi đến khắp nơi trong thế giới cầu vồng, bắt cóc chú lính chì dũng cảm, để sau đó phá hủy các đồ chơi khác. Trong tình thế hỗn loạn đó, các đồ chơi đã đoàn kết nhau lại cùng với sự giúp đỡ của bà vẹt tiên tri RIO, họ đã tìm đường đến Thế giới bóng tối nhằm giải cứu chú lính chì và tiêu diệt Chúa tể bóng tối... Chương trình biểu diễn của Đoàn kịch II gồm các buổi 9 giờ, 20 giờ, từ ngày 30/5 đến 1/6/2012 tại rạp Công Nhân 42, Tràng Tiền, Hà Nội, với giá vé 100.000 và 200.000 đồng.

 

Chất lượng - còn phải bàn


Nhìn chung, các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi đều đã đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của các em - những mầm non tương lai, một thế hệ rất quan trọng cần được giáo dục về "văn, thể, mỹ". Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài một số nhà hát đã có truyền thống dàn dựng chương trình cho thiếu nhi, thì cũng có nhiều đơn vị đã cho ra đời những chương trình mà chất lượng chưa được như mong muốn của các em, cũng như các bậc cha mẹ. Năm nay, đây cũng chính là điều đáng lo ngại.


Bắt đầu vào tháng 5, cũng là lúc hàng chục chương trình cho thiếu nhi được giới thiệu, chương trình nào cũng quảng cáo rầm rộ với những tên tuổi, những tiết mục sôi động, những ngôi sao nhí tài năng... Rồi những câu chuyện kể, những tiết mục dựa theo những nhân vật hoạt hình ăn khách như rôbốt trái cây... Và trẻ con thì rất dễ "dụ" với những "thần tượng" quen thuộc, thế nên sự vật nài của những khán giả nhí đôi khi khiến bố mẹ rơi vào thế khó xử. "Mua vé chương trình mình yên tâm về chất lượng thì có khi con lại không thích, mua vé cho con đi xem chương trình chúng thích thì mình lại lo vì những yếu tố như thiếu tính giáo dục, nặng tính bạo lực...".

Đó cũng chính là hạn chế phổ biến của nhiều chương trình thiếu nhi hiện nay. Do chạy theo thị hiếu của chính các em, nhiều chương trình dựa theo những nhân vật hoạt hình đang ăn khách, những rôbốt, những cuộc chiến hành tinh... nên đã đưa chính những nhân vật này lên sân khấu, vô hình chung lại một lần nữa "cổ vũ" cho các em say mê những câu chuyện không nhiều tính nhân văn này. Bên cạnh đó, do "tự sản xuất", nên nhiều chương trình chất lượng nghệ thuật không cao, sân khấu, đạo cụ, dàn dựng đều sơ sài, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các em nhỏ. "Nhiều chương trình ăn xổi, thậm chí ăn theo các chương trình của các nhà hát có tên tuổi, thậm chí "treo đầu dê, bán thịt chó", đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của các em, khiến các em thất vọng khi xem. Điều này thật sự khiến bản thân những nghệ sĩ chúng tôi cũng thấy đau lòng", một nghệ sĩ chuyên diễn cho thiếu nhi cho biết.


Một yếu tố nữa khiến các chương trình cho thiếu nhi chất lượng chưa cao chính là tính giáo dục hơi "thô". Đôi khi, do tâm lý sai lầm về việc giáo dục cho trẻ em, nên các chương trình đã đưa ra những thông điệp khiên cưỡng, để các diễn viên hô khẩu hiệu trên sân khấu, khiến bản thân các em cũng không thấy vui khi xem chương trình...


Để những chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi thật sự là một "thực đơn" ngon miệng, giúp cho các em có được những giây phút thưởng thức đầy ý nghĩa, có lẽ đã đến lúc cần nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình nghệ thuật dành cho các em, đồng thời cũng nên có một sự kiểm duyệt chặt hơn với nội dung các chương trình trước khi ra rạp. Có như vậy, việc giáo dục thế hệ tương lai thông qua những chương trình nghệ thuật này mới thực sự có ý nghĩa.


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN