Chuẩn bị sâm cho diễn viên để... diễn ‘Kiều’

Đó là khẳng định của lãnh đạo Nhà hát kịch Việt Nam tại buổi họp báo công bố việc công diễn vở “Kiều” (Chuyển thể kịch bản sân khấu Nguyễn Hiếu, biên tập NSND Anh Tú – Lê Trinh, đạo diễn NSND Anh Tú).

Quang cảnh buổi họp báo.

Được dàn dựng và ra mắt dịp cuối năm 2016, nhưng để dành thời gian chỉnh sửa, chau truốt lại theo yêu cầu của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), cũng như chọn thời điểm “vàng” để công diễn, nên chỉ từ ngày 1/3 tới, công chúng Thủ đô mới có cơ hội để xem “Kiều” trên sân khấu của “Anh cả đỏ”. Và thời gian công diễn lần này sẽ liên tục từ 1 - 10/3, tại Nhà hát Kịch Việt Nam; thậm chí sẽ tiếp tục kéo dài nếu như khán giả có nhu cầu. Chính vì vậy, “nhà hát thậm chí chuẩn bị cả sâm cho diễn viên để có sức diễn phục vụ khán giả hết mình”, lãnh đạo Nhà hát chia sẻ.

“Kiều” ra mắt lần này có thêm một “bà đỡ” mát tay là Công ty Cổ phần giới thiệu Văn hóa Nghệ thuật Đông Đô; chính vì vậy, tại thời điểm này, 3 đêm diễn đầu tiên đã bán sạch vé và nhu cầu đặt vé của khán giả vẫn đang tiếp tục tăng; dù giá vé không hề thấp:  300.000 - 400.000 đồng/vé. Cả lãnh đạo Đông Đô Show và lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam vì thế  đều rất lạc quan cho tương lai của vở diễn đặc biệt này khi ra mắt.

Vở "Kiều" của nhà hát Kịch Việt Nam.

“Kiều” là tác phẩm sân khấu nhiều tâm đắc của đạo diễn NSND Anh Tú, cũng như gần 100 diễn viên của Nhà hát tham gia vở diễn. Như chia sẻ của đạo diễn NSND Anh Tú, “Kiều” có nhiều lát cắt mới về nghệ thuật. Vở diễn nhằm phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ… “Kiều” cũng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người; vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng…

Cùng với đó, “Kiều” còn là câu chuyện mang tính dự báo: Khi quyền lực bẩn, đồng tiền bẩn lên ngôi thì những giá trị về đạo đức, giá trị về con người sẽ bị đảo lộn.

“Vở diễn mang tính thử nghiệm khi kết hợp những hình thức hát, múa. Hình ảnh hoa sen - quốc hoa của người Việt được sử dụng với hàm ý như cuộc đời một con người: lúc hé mở ban đầu, lúc sung mãn, lúc cao trào, lúc tàn khô, héo úa… nhưng vượt lên trên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời…”, đạo diễn Anh Tú chia sẻ.

Theo chia sẻ của Giám đốc nhà hát Nguyễn Thế Vinh, bắt đầu từ năm 2012, khi tròn 60 năm ra đời (tháng 12/1952), Nhà hát Kịch đã thực sự hồi sinh và dần khẳng định lại vị trí “Anh cả đỏ” của mình. 

Năm 2017 là năm Nhà hát Kịch Việt Nam tròn 65 tuổi và Nhà hát đã có kế hoạch để có một “sinh nhật” thật xứng tầm với hàng loạt những vở diễn lớn sẽ được dàn dựng: “Romeo và Juliet” (W. Shakespeck), “Hồng lâu mộng” (Tào Tuyết Cần), “Lão hà tiện” (Molie). Đồng thời sẽ tiếp tục tổ chức biểu diễn các vở “Hamlet”, “Kiều”, “Biệt đội báo đen”, “Bệnh sĩ”, “Trong mưa dông thấy nắng”, “Khát vọng”, “Lâu đài cát”…

PT
“Chuyện nàng Kiều” lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam
“Chuyện nàng Kiều” lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam

Tối nay, 26/10, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ họp báo giới thiệu vở diễn “Chuyện nàng Kiều” (chuyển thể kịch bản sân khấu Nguyễn Hiếu, biên tập NSND Anh Tú – Lê Trinh, đạo diễn NSND Anh Tú).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN