Câu chuyện tình đầy day dứt ở xứ sở Bạch Dương lên phim

Bộ phim “Tình khúc Bạch Dương” - một câu chuyện tình đầy day dứt, nhưng cũng đầy cảm động, trải dài 30 năm, từ quá khứ đến hiện tại về những người Việt sống và làm việc tại xứ sở Bạch Dương, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả.

Bộ phim "Tình khúc Bạch Dương" - câu chuyện tình trải dài từ quá khứ đến hiện tại. Ảnh: VFC

Bộ phim "Tình khúc Bạch Dương" lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Tình khúc Lavanda" của các nhà văn trong nhóm của cựu sinh viên Khoa Nga trên Facebook (FBKN). Bộ phim là câu chuyện về một chặng đường đời kéo dài gần 30 năm, từ cuối thập niên 1980 đến giữa thập niên 2010. 


Nhân vật chính trong phim là 3 sinh viên: Quyên, Vân và Hùng. Song hành với họ là chàng trai tên Quang mang biệt danh "Kỵ sĩ Bắc cực" - lưu học sinh tại Liên Xô. Câu chuyện tình yêu của họ bao gồm những thăng trầm theo biến thiên thời cuộc gắn với Liên Xô, nước Nga và đời sống của người Việt tại nước Nga. 


Người xem “Tình khúc Bạch Dương” sẽ không khỏi bồi hồi, xen lẫn thích thú khi thấy lại hình ảnh những năm tháng các du học sinh, công nhân Việt Nam sang Liên Xô học tập, lao động. Rất nhiều bối cảnh được kỳ công phục dựng như ốp sinh viên, ốp công nhân, những cửa hàng ký gửi, mua bán các vật dụng như nồi áp suất, bàn là, quạt orbita, áp phông cành mai, quần bò, phấn con én... 

Phim có nhiều cảnh đẹp tuyệt vời ở xứ sở Bạch Dương. Ảnh: VFC

Bộ phim đã tái hiện không khí thời thanh xuân rực rỡ của các sinh viên Việt Nam lần đầu tiên được đến xứ sở Bạch Dương, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời và những tình cảm nồng hậu của các thầy cô giáo, những người dân Nga tốt bụng. Bên cạnh đó, “Tình khúc Bạch Dương” cũng khai thác mảng đời sống của những người Việt sang Liên Xô làm việc, với bao trăn trở và cả những nỗi niềm trong giai đoạn Việt Nam vừa bước qua thời kỳ bao cấp còn nhiều khó khăn. 


Nếu câu chuyện quá khứ mang lại một ký ức đẹp về tuổi trẻ, tình yêu thì câu chuyện của 30 năm sau trong “Tình khúc Bạch Dương” lại khiến người xem xúc động về số phận của những người Việt Nam đã từng sống và học tập tại nước Nga. Không đào sâu những nỗi đau bi luỵ, câu chuyện “Tình khúc Bạch Dương” thời hiện tại sẽ khiến khán giả cảm động bởi những ứng xử, cách đối mặt với tình yêu, tình bạn, sự lựa chọn giữa tha thứ và hy sinh, giữa hạnh phúc gia đình và tình cảm cá nhân. 


Nhiều người không khỏi giật mình, khi biết ngay từ năm 2010, VFC đã lên ý tưởng và chuẩn bị cho bộ phim “Tình khúc Bạch Dương”. Tuy nhiên, do một loạt những thách thức về điều kiện sản xuất, và đặc biệt là yêu cầu cao về mặt chất lượng kịch bản, nên đến tận năm 2017 bộ phim mới được tiến hành bấm máy. Sau nhiều chuyến khảo sát thực tế, vô số cuộc họp bàn về kịch bản, thậm chí phải viết đi viết lại kịch bản nhiều lần của nhóm biên kịch gồm cả những người viết chuyên nghiệp và những lưu học sinh đã từng học tập tại Liên Xô trong thập niên 80, kịch bản “Tình khúc Bạch Dương” hoàn chỉnh mới được ra đời. 


Để thực hiện bộ phim, đoàn làm phim đã dành hơn 3 tháng để tổ chức các cảnh quay kỳ công ở nhiều thành phố khác nhau của Liên Bang Nga. Ngoài Moscow, đoàn làm phim với hơn 3 tấn thiết bị, đạo cụ, phục trang đã di chuyển hàng nghìn cây số đến St. Petersburg, Krasnodar, Tula, Klin... để thực hiện các cảnh quay. Đó là chưa kể, đoàn còn phải trở lại nước Nga nhiều lần, mới có được những hình ảnh đặc trưng của mùa hè, mùa thu và mùa đông xứ sở Bạch Dương. 


Một trong những khó khăn nhất về mặt bối cảnh là việc lựa chọn và phục dựng những bối cảnh trong quá khứ. Sau nhiều chuyến khảo sát, Krasnodar đã được lựa chọn do nơi đây vẫn còn giữ được nhiều kiến trúc giai đoạn thập niên 80, 90 của Liên Xô. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật gồm cả người Việt và người Nga, đã phải đầu tư nhiều công sức để tạo nên “không khí” đậm chất Liên Xô từ trang phục, đạo cụ và đặc biệt là việc phục dựng hoàn toàn phần nội cảnh các ốp sinh viên, công nhân. 


Ngoài cảnh quay tại Nga, “Tình khúc Bạch Dương” còn được quay tại Paris – Pháp và nhiều bối cảnh khác ở Việt Nam như Hà Nội, Nha Trang, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình… 

Phim đánh dấu sự trở lại hiếm hoi của cặp đôi Chi Bảo - Thanh Mai. Ảnh: VFC

Câu chuyện trải dài từ quá khứ đến hiện tại của “Tình khúc Bạch Dương” đòi hỏi cần có những diễn viên phù hợp cho từng giai đoạn. Và có thể nói, cả 2 ê kíp diễn viên (giai đoạn quá khứ và hiện tại) đều là những tên tuổi đã gây được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả cả nước. 


Ở giai đoạn quá khứ, Bình An, Huỳnh Anh, Minh Trang, Hồng Loan đã hoá thân rất đạt vào những du học sinh Việt Nam tại Liên Xôtrong thập niên 80, trong khi Kiều Anh, Quang Tuấn, Hải Anh, Khuất Quỳnh Hoa gây được nhiều ấn tượng với hình ảnh người lao động Việt Nam xa xứ. NSƯT Công Lý trong vai diễn người chồng có vợ đi Liên Xô làm đội trưởng công nhân mayhứa hẹn lấy không ít nước mắt của người xem. 


Ở giai đoạn hiện tại, dàn diễn viên tài năng và có ngoại hình đẹp lại mang đến cho khán giả cảm giác vừa quen vừa lạ rất thú vị. Đầu tiên là sự kết hợp trở lại hiếm hoi của 2 diễn viên Thanh Mai và Chi Bảo. Lần mà 2 người đóng phim cùng nhau gần đây nhất, cũng đã cách đây tới 8 năm. Vốn đều là những diễn viên khá “kén” kịch bản, nhưng theo chia sẻ của Thanh Mai và Chi Bảo, họ đều đã bị nhân vật và câu chuyện phim “Tình khúc Bạch Dương” cuốn hút, đến nỗi quyết tâm gác bỏ hết các công việc kinh doanh để tham gia dự ánphim trong thời gian dài. Lê Vũ Long và Hoa Thuý cũng là những gương mặt quen thuộc nhưng không xuất hiện quá nhiều trên phim ảnh. Hoa Thuý mới trở lại đóng phim gần đây với “Chiều nga qua phố cũ” còn bộ phim gần nhất của Lê Vũ Long là “Hai phía chân trời” 4 năm về trước. 


36 tập phim “Tình khúc bạch dương” sẽ lên sóng vào lúc 20h45 các ngày thứ Năm, thứ Sáu trên kênh VTV1, bắt đầu từ 25/1/2018.


Phương Hà/Báo Tin Tức
'Tình khúc Bạch Dương' - phim về du học sinh người Việt tại Nga sắp lên sóng
'Tình khúc Bạch Dương' - phim về du học sinh người Việt tại Nga sắp lên sóng

“Tình khúc Bạch Dương” là bộ phim truyền hình dài 30 tập do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện sẽ lên sóng VTV1, Đài truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 1/2018 ngay sau khi bộ phim “Ngược chiều nước mắt” kết thúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN