Câu chuyện thể thao: Sân cỏ và tiền bạc

Không phải ngẫu nhiên khi giải đấu danh giá Champions League trở lại hồi giữa tuần trước với vòng knock-out 1/8 cũng là lúc hãng kiểm toán Deloitte công bố đánh giá tài chính thường niên của làng túc cầu.


Và chẳng ai nhướn mày thắc mắc việc 13/16 CLB còn hiện diện ở Champions League sở hữu những doanh thu “khủng” nhất thế giới bóng đá.

Những hợp đồng đắt đỏ như Fernando Torres đến Chelsea một lần nữa cho thấy sức mạnh tiền bạc đang ngày càng bao trùm sân cỏ.

Ba ngoại lệ là Copenhagen, Shakhtar Donetsk và Valencia với trường hợp cuối có nguyên nhân chủ yếu vì đang tăng mạnh chi phí cho việc xây dựng một sân vận động mới. Phần còn lại ngày càng giàu có hơn, và tính chất “độc quyền” kiểu đó cũng ngày một mạnh hơn. Đây chính là những đối tượng mà Chủ tịch UEFA Michel Platini đang hướng đích ngắm tới trong chiến dịch tạo ra một sân chơi tài chính công bằng hơn trong bóng đá châu Âu.

Nhưng trước khi bàn về điều đó, có lẽ hãy nói lời tạm biệt với những lãng mạn sau cùng của bóng đá hiện đại. Rất nhiều khả năng chúng ta sẽ khó chứng kiến lại hình ảnh trên sàn diễn đỉnh cao Champions League, hai đội bóng như Arsenal và Barcelona đối đầu cùng đội hình được gây dựng chủ yếu thông qua những học viện đào tạo trẻ của họ. Càng hứng thú hơn khi thưởng thức lối chơi của họ, những CLB có thời gian lẫn lòng nhẫn nại để theo đuổi vẻ đẹp song hành cùng chất điền kinh mang tính bắt buộc ở đẳng cấp cạnh tranh gay gắt này. Và kỷ nguyên vàng mà một HLV như Sir Alex Ferguson dẫn dắt một CLB lớn như Manchester United tới 25 năm, vẫn tự tin tung những Ryan Giggs, Paul Scholes vào sân sau 20 năm bền bỉ, cũng dường như đang đi đến hồi kết.

Tại sao lại cần nhìn lại như vậy? Tại sao lại bi quan về tương lai? Vì bóng đá đang ngày càng bị chi phối bởi tiền, rất nhiều tiền. Hãy nghĩ đến hàng trăm triệu, hàng tỷ USD tài chính của một đội bóng ngày nay. Theo thống kê của Deloittte, doanh thu Real Madrid đứng đầu bảng năm 2010 với gần 439 triệu euro. Barcelona xếp sau với cách biệt không lớn lắm là 398 triệu euro. Tiếp đến là Manchester United, Bayern Munich, Arsenal, Chelsea, A.C Milan, Liverpool, Inter Milan…Manchester City với tiền bạc từ các ông chủ Arập giàu có liên tục đổ vào dữ dội sẽ sớm góp mặt trong nhóm “đại gia” này. Và nếu tin đồn trở thành hiện thực, những tỷ phú Cata sẽ trả cho gia đình Glazer từ 1,6-1,8 tỷ bảng để giành quyền sở hữu Manchester United.

Những thương hiệu lớn như vậy có vị trí khó dịch chuyển trong bảng xếp hạng về tiền bạc. Họ có nguồn thu lớn, chỉ tăng chứ không giảm, từ bản quyền truyền hình, hoạt động thương mại và cũng phải kể đến tiền thưởng hậu hĩnh từ Champions League, đấu trường họ góp mặt thường xuyên.

Platini kêu gọi công bằng tài chính hơn, cho rằng các CLB nên thay đổi suy nghĩ tiền bạc sẽ đem lại vinh quang. Nhưng, hãy thử nhìn một ví dụ điển hình là Chelsea, cái tên thể hiện rõ nét sức mạnh tiền bạc sau khi thuộc về tỷ phú Nga Roman Abramovich năm 2003.

Ném vô số tiền vào Stamford Bridge từ ngày đó, Abramovich vẫn chưa dừng tay, vẫn đau đáu với danh hiệu Champions League chưa đạt được. Ngày cuối cùng của tháng Giêng vừa qua, Chelsea thông báo lỗ mùa giải trước tới 70 triệu bảng. Nhưng cùng ngày, Abramovich gật đầu với khoản chi tương tự để mua Fernando Torres từ Liverpool và David Luiz từ Benfica.

Kể từ mùa giải tới, UEFA dự định sẽ thực thi các biện pháp mạnh tay, cấm các CLB “chi nhiều hơn thu” tham gia những giải đỉnh cao như Champions League. Đó là một lí do dẫn đến tình trạng mua sắm “cuồng loạn” ở Chelsea trong mùa Đông qua hay ở Manchester City hai mùa gần đây. Và hãy tin rằng họ sẽ không dễ dàng chịu cảnh bị UEFA thắt chặt hầu bao. Khoảng cách giàu nghèo ở bóng đá châu Âu đã quá lớn, khó có thể thu hẹp trong một sớm một chiều. Và khái niệm công bằng tài chính vẫn là chuyện xa vời…

Trung Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN