Cần tôn trọng khán giả từ những... khu vệ sinh

Đầu Xuân năm mới mà nói chuyện... khu vệ sinh xem ra có vẻ không được nhã lắm chăng? Nhưng thử hỏi có ai không cần đến nó trong nhu cầu tối thiểu mỗi ngày. Và, cũng chính bởi không chú ý đến công trình phục vụ nhu cầu tối thiểu này của con người mà nhiều địa chỉ văn hóa trở thành... không văn hóa. Bởi vậy, theo tân Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận, trước khi nói đến chuyện thưởng thức nghệ thuật, hãy biết quan tâm đến những nhu cầu tối thiểu của khán giả. Phải chăng, đó chính là khởi nguồn của một tư duy... có văn hóa.


Giám đốc Trương Nhuận.


Giữ vững thương hiệu


Dẫu không phải là một gương mặt xa lạ gì ở Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng trên một cương vị mới, với những trọng trách nặng nề hơn, chắc chắn sẽ khiến anh thấy vất vả hơn...


Quả thực khi trở thành người đứng đầu thì trách nhiệm cũng chồng chất hơn. Vừa là Giám đốc nhà hát, nhưng tôi cũng đồng thời là Bí thư Chi bộ, chính vì vậy phải quan tâm tới mọi lĩnh vực, từ đường hướng phát triển, mọi sự diễn biến về mặt tư tưởng cũng như là đời sống cụ thể, của không phải chỉ một bộ phận như trước, mà là gần 200 cán bộ, công nhân viên của nhà hát. Trong đó, phải lo làm sao có hoạt động thường xuyên, mang lại được nguồn thu cho anh em; nhưng mặt khác phải giữ vững được định hướng nghệ thuật và chất lượng của tác phẩm để giữ vững được thương hiệu Nhà hát Tuổi trẻ.


Vở kịch “Lời thề thứ 9” do Nhà hát Tuổi trẻ phục hiện đã gây tiếng vang trong năm 2012. Ảnh: Thế Toàn


Thương hiệu Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) là một trong những thương hiệu mạnh trên thị trường nghệ thuật biểu diễn. Rất nhiều người tự hào khi được "khoe" mình là nghệ sĩ, cán bộ của NHTT. Nghệ sĩ của NHTT không chỉ được khán giả thủ đô yêu quý, mà khi đi diễn ở nhiều miền đất nước, cũng đều được khán giả yêu quý, đó là sự yêu quý dành cho tên tuổi của NHTT.


Có một điều rất nổi bật trong hoạt động của NHTT, đây là nhà hát duy nhất ở phía Bắc có 4 đoàn gần như biểu diễn xuyên Việt trong cả nước, trong khi các nhà hát khác chỉ có địa bàn hoạt động ở một vùng miền, một góc độ, một số địa phương nhất định nào đó. NHTT tự hào là phủ sóng tới tất cả các địa phương, từ Lạng Sơn tới Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau... đều có hoạt động biểu diễn của NHTT. Và dù ở bất cứ đâu, thương hiệu NHTT cũng đều được công chúng đón nhận với những tình cảm tốt đẹp nhất. Nhưng chính vì thế lại càng phải rất thận trọng, giữ gìn làm sao để nuôi dưỡng, bồi đắp thương hiệu ấy ngày càng có giá trị hơn trong đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước hiện nay.


Chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa


Rất nhiều công việc đã được triển khai kể từ khi anh giữ cương vị Giám đốc nhà hát, gồm cả những công việc chuyên môn là những vở diễn, chương trình có giá trị. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn những công việc tưởng chừng nhỏ bé, tỉ mỉ nhưng lại đã mang tới hiệu quả cao trong "thiện cảm" của khán giả, nghệ sĩ, diễn viên...


Trong gần 10 năm qua, rạp Tuổi trẻ đã xuống cấp rất nhiều, những khu vực vệ sinh, khu vực khán giả, khu vực diễn viên, hóa trang... đều chưa được chú trọng, bản thân các nghệ sĩ đã nhiều lần đề đạt nhưng vẫn chưa được giải quyết.


Đoàn Nhà hát Tuổi trẻ tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế.
Ảnh: Thế Toàn


Ngay sau khi đảm nhiệm vị trí giám đốc, việc đầu tiên của tôi là chỉnh trang lại rạp Tuổi trẻ cho sạch sẽ, vì điều này thể hiện sự coi trọng khán giả - những người đến thưởng thức nghệ thuật với mình, cũng như sự trân trọng với các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát. Hiện tại, khán giả khi đến thưởng thức ở NHTT đều đánh giá nhà hát đã khang trang, đẹp đẽ hơn, và đặc biệt là khu vệ sinh đã sạch đẹp hơn rất nhiều.


Tôi đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với rất nhiều khán giả, bản thân cũng đã đi tới rất nhiều nhà hát nổi tiếng trên thế giới, có thể nói là muốn hay không muốn, nhà hát cũng là một địa chỉ văn hóa, nên cần tôn trọng khán giả từ những cái nhỏ nhất là những khu vực vệ sinh. Hiện ở Việt Nam, xem ra việc này chưa được coi trọng. Ngay một trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội như Nhà hát Lớn tôi cũng thấy đang bị xuống cấp, thể hiện sự thiếu chăm sóc, chỉn chu.


NHTT có rất nhiều chương trình hợp tác với nước ngoài, khán giả nước ngoài họ đến thường xuyên, và sự đòi hỏi một môi trường nhà hát thực sự văn hóa của khán giả là một nhu cầu mà chúng tôi nhận thức được rất rõ. Trên thực tế, kể cả chương trình chất lượng rất tốt, rất hay, nhưng chỉ một chi tiết rất nhỏ mà không thỏa mãn được cái sự cảm nhận của khán giả về khu vệ sinh, nơi đi lại, việc nhân viên đón tiếp, ăn mặc lôm côm, trang phục không đồng đều, thì nó cũng sẽ khiến khán giả thấy không thỏa mãn, đồng thời không tạo ra được nét chuyên nghiệp của một nhà hát, rạp hát.


Chúng tôi không phải chỉ hướng tới một sân khấu chuyên nghiệp với những tác phẩm tốt mang tính chuyên nghiệp cao, mà đồng bộ với nó là một rạp hát phải có tính chuyên nghiệp cao cả về sự phục vụ. Đây là bài học mà những người quản lý các cơ sở văn hóa phải luôn luôn nhớ.


Tôi nghĩ đôi khi sự thay đổi không cần ở những gì lớn lao, xa xôi mà cần bắt đầu từ những chi tiết rất nhỏ là sự phục vụ, tiện nghi với những khán giả đến thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Và đây là điều rất quan trọng.

Nơi để xe cũng có thể coi là một “việc nhỏ”. Vốn lâu nay việc gửi xe khi đi xem biểu diễn cũng khiến khán giả rất bức xúc. Hiện nay, mọi chuyện đã được sắp xếp lại, quy củ. Đó phải chăng cũng là một sự tôn trọng khán giả?


Chỗ gửi xe thật sự là một bài toán nan giải của NHTT. Rạp Tuổi trẻ khánh thành năm 1990, cho đến nay đã sang năm thứ 23, nhưng chúng tôi vẫn rất khó trong việc bố trí chỗ gửi xe cho khách. Khách vẫn phải gửi xe ở ngoài rạp, tại những điểm gửi xe tự phát của dân phố, với mức phí do họ tự áp đặt, có khi lên tới 10.000 - 20.000 đồng/xe, và bản thân thái độ phục vụ cũng rất thiếu văn hóa. Tuy nhiên, đó là điều nhà hát không quản lý được.


Nhà hát đã nhiều lần phản ánh và có văn bản với địa phương mong muốn có một sự phối hợp đồng bộ, để giúp đỡ một địa chỉ văn hóa có quy củ ngay ở việc gửi xe đạp, xe máy, giúp khán giả thấy an tâm và thật sự hài lòng với những dịch vụ tiện nghi nhỏ này, tuy nhiên nhiều năm vẫn chưa có một giải pháp nào được đưa ra.


Vừa qua, được sự hỗ trợ của đội cảnh sát giao thông quận và thành phố lập lại trật tự kỷ cương về vấn đề lấn chiếm hè đường, trông xe đạp trái phép, chúng tôi từ chỗ bị động đã "buộc" phải chủ động, tìm cách cải tạo rạp, thu gọn mặt bằng để khán giả có thể có chỗ gửi xe trong rạp, giúp họ thấy yên tâm hơn khi đấy là nhân viên nhà hát trông nom. Thiết nghĩ, đây cũng chính là một việc nhằm góp phần cho sự chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa của thương hiệu NHTT. Để chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa, nên bắt đầu từ những việc rất cụ thể, những việc nhỏ và gần gũi như vậy.


Xin trân trọng cảm ơn Giám đốc vì cuộc trò chuyện cởi mở này, và chúc Nhà hát năm mới sẽ thực sự trở thành một điểm đến văn hóa của Thủ đô cũng như cả nước.


P.T.T(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN