Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã cận kề, cả nước cũng sắp đón một mùa lễ hội đầu Xuân năm mới, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định năm 2017, các địa phương sẽ cơ bản khắc phục được những tồn tại hạn chế trong công tác tổ chức, quản lí lễ hội năm 2016. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, dân vận để nâng cao ý thức của người dân phải được chú trọng hơn nữa. Cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội, để người dân noi theo…
Lễ rước “Cầu húc” thôn Xuân Dục, xã Tân Minh (Sóc Sơn-Hà Nội). Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN |
Cán bộ, đảng viên phải nêu gương Ông Phạm Xuân Phúc cho biết, mùa lễ hội năm 2016 đã có những chuyển biến rõ nét, hạn chế được nhiều tiêu cực so với những mùa lễ hội trước. Đó là nhờ các cấp, các ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW năm 2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; công điện 229/CĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội cùng nhiều văn bản khác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuy vậy, mùa lễ hội 2016, vẫn còn đó những tồn tại nhất định không thể tránh khỏi do lượng người đổ về các lễ hội quá đông trong thời gian ngắn, không gian tổ chức lễ hội quá chật nên vệ sinh môi tường còn chưa đảm bảo, rác thải chưa được thu gom kịp thời. Hơn nữa, lượng người đổ về quá đông trong không gian hẹp đã dẫn đến tình trạng chen lấn xô đẩy. Cá biệt có những nơi dù đã tăng cường an ninh nhưng vẫn diễn ra tình trạng tranh cướp lộc trên ban thờ, cướp lộc hoa tre; các hình ảnh tranh giành cướp phết ở một số lễ hội đã dẫn đến những hình ảnh phản cảm không đáng có. Cũng phải kể tình trạng lợi dụng lễ hội để trục lợi như việc một số địa phương phục dựng lễ hội chọi trâu, giết mổ trâu tràn lan và bán với giá trên trời. Đây chính là hành vi trục lợi vì người tiêu dùng không thể phân biệt được trâu chọi với trâu thường…
Phó Chánh thanh tra Phạm Xuân Phúc khẳng định: Năm 2017, muốn hạn chế các hành vi tiêu cực, phản cảm, để lễ hội xuân đúng là lễ hội văn hóa, người đi lễ hội thực hiện đúng nếp sống văn minh thì các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước để quần chúng học tập vì vẫn còn có việc một số cán bộ đảng viên chưa thực sự gương mẫu. Người cán bộ, đảng viên, công chức đi lễ hội vào dịp nghỉ tết, ngày nghỉ lễ là việc bình thường, không ai cấm vì lúc đó họ là công dân bình thường. Nhưng đã là cán bộ, đảng viên khi đến lễ hội thì tư cách là công dân nhưng ý thức phải của người am hiểu pháp luật, nắm rõ các quy định của Đảng, Nhà nước, nắm được nội dung thực hiện nếp sống văn minh nơi di tích, lễ hội, thậm chí khi thấy người dân chưa làm đúng phải gương mẫu nhắc nhở…Có như vậy mới tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội, hạn chế những hình ảnh tiêu cực, phản cảm.
Do đó, cá nhân ông Phạm Xuân Phúc cho rằng tổ chức Đảng từ cấp Chi bộ trở lên phải tuyên truyền, phổ biến, cho cán bộ đảng viên tinh thần của Chỉ thị 41, Công điện 229 và yêu cầu cán bộ đảng viên khi đi lễ hội phải nghiêm túc thực hiện. Khi Thanh tra phát hiện các sai phạm nếu có chế tài xử phạt thì người vi phạm sẽ bị xử lý như nhau chứ không phân biệt cán bộ, đảng viên, công chức hay dân thường…
Hạn chế tối đa hình ảnh phản cảm ở lễ hội Theo ông Phạm Xuân Phúc, những năm qua, đại đa số các lễ hội diễn ra rất tốt, có nghĩa nhân văn sâu sắc, đa phần đều diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới. Các lễ hội góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tạo động lực làm việc năng suất chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những lễ hội trong lịch sử là có diễn ra nhưng ở giai đoạn hiện nay mọi thứ đều quá tải, dẫn đến hình ảnh phản cảm, báo chí cho là lễ hội có tính chất bạo lực. Có thể kể đến lễ hội Đả cầu cướp phết tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc); Hội Phết Hiền Quan tại xã Hiền Quan huyện Tam Nông (Phú Thọ); lễ hội cầu trâu ở Hương Nha, huyện Tam Nông (Phú Thọ); lễ hội chém lợn ở Ném Thượng…
Về vấn đề này, ngay từ cuối năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mà tham mưu là Cục Văn hóa Cơ sở đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương không phục dựng, thực hiện các nghi lễ có tính chất bạo lực trong lễ hội. Trước đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát các lễ hội có tục hiến sinh nhằm loại bỏ những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp. Các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của người dân, nhà quản lý, các nhà khoa học để tìm các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, giảm bớt những tập tục không còn phù hợp.
Điển hình tại lễ hội làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) năm 2016 đã không công khai nghi thức chém đứt thủ lợn giữa sân đình. Xã Xuân Quang, Hương Nha, UBND huyện Tam Nông cũng tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức lễ hội khẳng định khi tổ chức lễ hội trong thời gian tới không tổ chức đập đầu trâu cho đến chết mà sẽ thay thế bằng hình thức khác phù hợp. Một số địa phương vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu mà không phải là lễ hội truyền thống của địa phương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh; dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội trong thời gian tới.
Riêng về Hội Phết Hiền Quan tại xã Hiền Quan, Ban tổ chức kiên quyết không để tái diễn tình trạng tranh cướp tự do, cướp bằng được dẫn đến hình ảnh hàng ngàn người dẫm đạp lên nhau tranh cướp như trước. Thay vào đó, mỗi thôn làng sẽ thành lập một tổ từ 4-5 người, đầu tư trang phục giống nhau trong một tổ, phân biệt với các làng khác, các thôn làng sẽ “cướp phết” trong trật tự, tạo hình ảnh đẹp, đúng chất văn hóa, không phản cảm như những năm trước…
Ban tổ chức các lễ hội hàng năm đều mong muốn lễ hội diễn ra thành công, không có hiện tượng tiêu cực, phản cảm và thực sự văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tuy vậy, lễ hội đông đúc trong không gian mở, nhỏ hẹp thường kéo theo nhiều hiện tượng phát sinh khó lường trước, không giống như tổ chức các cuộc hội họp trong không gian kín. Do đó, công tác tuyên truyền, dân vận để người dân hiểu; sự gương mẫu, làm gương của cán bộ, đảng viên để người dân học tập, noi theo là cần thiết. Lễ hội là văn hóa, việc tổ chức, quản lí lễ hội cũng không thể chăm chăm áp dụng các biện pháp hành chính mà cần phối hợp đa chiều, nhiều ngành cùng tham gia mới đạt được hiệu quả như mong muốn.