Campuchia khai mạc lễ hội đua thuyền quốc gia năm 2023

Chiều 26/11, lễ hội “Đua thuyền, thả đèn nước và cúng trăng, đút cốm dẹp” năm 2023 của người dân Campuchia đã khai mạc trọng thể dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni. Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng tham dự sự kiện, cùng các quan chức cấp cao, khách mời quốc tế và hàng vạn người dân đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Chú thích ảnh
Ngày hội đua thuyền năm nay thu hút 337 thuyền thuộc 25 địa phương, bộ, ngành của Campuchia tham gia tranh tài, đông nhất từ trước đến nay. Ảnh: Huỳnh Thảo-P/v TTXVN tại Campuchia

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngay từ sáng 26/11, những trận tranh tài sôi động của ngày hội đua thuyền cấp quốc gia trong khuôn khổ lễ hội “Đua thuyền, thả đèn nước và cúng trăng, đút cốm dẹp” năm 2023 của người dân "đất nước chùa tháp" đã khởi tranh trên đoạn sông Tonle Sap trước Cung điện Hoàng gia ở trung tâm thủ đô Phnom Penh.

Nối lại sau 3 năm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngày hội đua thuyền năm nay thu hút 337 thuyền thuộc 25 địa phương và các bộ, ngành của Campuchia tham gia tranh tài, đông nhất từ trước đến nay. Trong đó, tỉnh Kandal - địa phương tiếp giáp thủ đô Phnom Penh - cử lực lượng tham gia đông đảo nhất, với hơn 100 thuyền và trên 6.000 vận động viên đăng ký thi đấu ở nhiều nội dung.

Ông Choek Sophal (57 tuổi, ở huyện Loveang Em, tỉnh Kandal) là một trong những cổ động viên có mặt sớm nhất ở khu vực khán đài trước Cung điện Hoàng gia Campuchia để dự khán các màn tranh tài, cũng như cổ vũ đội thuyền của địa phương mình. Ông chia sẻ cảm giác phấn khởi khi lễ hội được tổ chức trở lại sau 3 năm gián đoạn. Lễ hội diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, an ninh trật tự đảm bảo, có nhiều chương trình vui chơi giải trí thu hút đông đảo người dân tham gia.

Chú thích ảnh
Ngày hội đua thuyền năm 2023 thu hút hàng vạn vận động viên tham gia tranh tài. Ảnh: Huỳnh Thảo-P/v TTXVN tại Campuchia

Ngày hội đua thuyền là hoạt động có từ lâu đời của người dân "đất nước chùa tháp", tương truyền bắt nguồn từ hoạt động tập luyện và chiến đấu của lực lượng thủy binh dưới thời Angkor, được duy trì và thường diễn ra vào trung tuần tháng Kadek theo lịch cổ truyền của Campuchia, nhằm rằm tháng 10 âm lịch Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư sử học Sombo Manara cho biết, trước đây ngày hội đua thuyền được người dân Campuchia tổ chức vào dịp Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmey vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm. Về sau, hoạt động này được được tách riêng, diễn ra vào dịp rằm tháng Kadek như hiện nay, gắn với các hoạt động thả đèn nước, cúng trăng và đút cốm dẹp, khi nước từ Biển Hồ Tonle Sap chảy ngược ra sông, cũng là thời điểm cuối mùa mưa, đầu mùa khô, nông dân bắt đầu vào mùa thu hoạch lúa.

Trên tinh thần đó, lễ hội “Đua thuyền, thả đèn nước và cúng trăng, đút cốm dẹp” được người dân Campuchia tổ chức với sở nguyện cảm ơn mẹ nước và những dòng sông đã ban nước và vun đắp phù sa, giúp đất đai phì nhiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, cảm ơn đất trời đã ban mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng thuận lợi, người dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Cùng với Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmey và lễ Pchum Ben, lễ hội “Đua thuyền, thả đèn nước và cúng trăng, đút cốm dẹp” là một trong 3 sự kiện lễ hội thường niên quan trọng nhất ở Campuchia, cũng là kỳ nghỉ lễ dài cuối cùng trong năm của người dân ở quốc gia Đông Nam Á này. Lễ hội năm nay diễn ra từ 26 - 28/11, cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức trong 3 ngày nghỉ ở khắp các địa phương trong cả nước với thủ đô Phnom Penh là tâm điểm của lễ hội.

Trong những ngày lễ, người dân Campuchia từ khắp các địa phương đổ về thủ đô để hòa vào không khí sôi động của hàng trăm cuộc tranh tài đua thuyền vào ban ngày, cùng chiêm ngưỡng những ngọn đèn nước lung linh về đêm trên dòng Tonle Sap, điểm xuyết với những màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Phnom Penh.

Huỳnh Thảo (TTXVN)
Lễ hội đua thuyền đuôi én - không gian văn hóa đậm đặc nét Thái cổ
Lễ hội đua thuyền đuôi én - không gian văn hóa đậm đặc nét Thái cổ

Mường Lay nằm gọn trong một thung lũng hẹp, dài, vùng ngã ba sông- nơi hội tụ, hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN