Hội thi năm nay thu hút khoảng 300 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ 9 đoàn nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long tham dự, gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trải qua 3 đêm thi diễn (từ 5 - 8/11), có 9 tác phẩm cải lương đã cống hiến cho khán giả Kiên Giang những câu chuyện thấm đẫm tình đất, tình người và tình quê thiết tha sâu nặng của một thời bom rơi lửa đạn. Chính những người con anh hùng trên mảnh đất thành đồng Tổ quốc đã tạo nên những bản tráng ca bất diệt.
“Tại Hội thi lần này, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản và nghiêm túc từ lựa chọn kịch bản văn học, dàn dựng, cảnh trí, âm nhạc, từng động tác múa của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Qua đó, góp phần đưa nghệ thuật sân khấu cải lương đến gần với nhân dân”, ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh.
Qua theo dõi hai đêm thi, ông Hà Ngọc Ẩn, xã Minh Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết, ông rất xúc động trước những khó khăn, gian khổ trong chiến tranh của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ được các nghệ sĩ truyền đạt qua các tác phẩm; đồng thời cũng có những tác phẩm khiến ông cảm thấy tự hào về tinh thần anh dũng chiến đấu, hy sinh của các thế hệ cha ông để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
Ông Trần Hữu Lộc, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu cho biết, Hội thi là dịp để các Trung tâm Văn hóa, Đoàn nghệ thuật và các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được thể hiện tài năng sáng tác, ca diễn; đồng thời, được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, trình bày các tác phẩm tuyên truyền cách mạng nói riêng, nghệ thuật quần chúng nói chung.
Diễn viên Hoàng Thắng, Đoàn Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: “Là một diễn viên trẻ, tôi rất muốn mình được trau dồi khả năng ca diễn, đặc biệt là thể hiện các tiết mục có nội dung tuyên truyền về cách mạng, ca ngợi Đảng… Hôm nay được nhận Huy chương Bạc ở nội dung cá nhân, tôi rất vui, điều làm tôi thấy ý nghĩa hơn đó là Hội thi giúp tôi được gặp gỡ nhiều anh chị, cô chú dày dặn kinh nghiệm trong nghề và được nghe những chia sẻ, góp ý để tôi nâng cao kỹ năng ca, diễn trên sân khấu, thể hiện tốt hơn các bài hát, tiểu phẩm về cách mạng trong thời gian tới”.
Tại buổi bế mạc, UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen cho 9 đơn vị tham gia Hội thi tiểu phẩm tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương Văn hóa Việt Nam”; tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 2 tập thể: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang.
Ban tổ chức cũng trao cũng trao Huy chương Vàng cho 4 tiểu phẩm đến từ các đơn vị Đoàn nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa thuộc tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long; 5 tiểu phẩm đoạt Huy chương Bạc thuộc về các đơn vị đến từ Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang; đồng thời, trao Huy chương Vàng cho 13 diễn viên, Huy chương Bạc cho 17 diễn viên và trao 9 giải Đạo diễn xuất sắc.