Câu chuyện cổ tích bắt đầu khi người quản lý của ban nhạc rock Aerosmith là Tim Collins nhận được một cuộc gọi vào ngày đẹp trời đầu năm 1986. Ban đầu ông đã vô cùng bối rối khi bên kia đầu dây là Rick Rubin, nhà sản xuất nhạc 22 tuổi tài năng của hãng đĩa Def Jam chuyên về nhạc hip - hop.
Rubin ngỏ ý muốn “chế biến” đĩa đơn “Walk This Way” phát hành năm 1975 của Aerosmith với gia vị mới là nhóm nhạc rap Run - DMC. Khi Rubin chưa kịp trình bày thêm ý kiến, Collins đã ngắt lời chàng thanh niên trẻ với câu hỏi: “Rap là gì vậy?”
Aerosmith và Run - DMC tại phòng thu Magic Venture ở New York ngày 9/3/1986. |
Nhưng điều đáng nói là trên thực tế, đối với hầu hết những người sống trong thời kỳ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước thì câu hỏi được đưa ra cũng có thể là “Aerosmith là gì?” Giới trẻ khi đó lại đang siêu lòng với hip - hop và hãng đĩa Def Jam do Rubin đồng sáng lập cùng Russell Simmons đang thống lĩnh dòng nhạc này.
Run - DMC là bộ ba thiếu niên gồm Run (nghệ danh của Joseph Simmons - em trai Russell Simmons), DMC (nghệ danh của Darryl McDaniels) và DJ Jam Master Jay (tên thật là Jason Mizell) đang ấp ủ nhiều ý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết. Năm 1983, Run - DMC tung đĩa đơn đầu tay “It’s like that” đã càn quét các đài phát thanh phát nhạc rap.
Aerosmith trong khi đó lại đang ở thời kỳ sự nghiệp trầm lắng. Doanh thu bán album quá ảm đạm so với thời kỳ hoàng kim thập niên 70 của nhóm. Các thành viên chủ chốt của Aerosmith tiều tụy bởi nghiện ngập. Họ không có một đĩa đơn nào lọt được vào bảng xếp hạng Billboard top 10 kể từ “Walk This Way”.
“Walk This Way” ban đầu được thu âm cho album “Toys in the Attic” của Aerosmith và được sản sinh khi Steven Tyler (ca sĩ chính) nghe các nghệ sĩ da màu là The Meters và James Brown trong hành trình lưu diễn, ông liền gợi ý tay trống Joey Kramer biến tấu để thêm một chút chất funk vào bài hát “Walk This Way”. Tay guitar Joe Perry hoàn thành nhiệm vụ làm nhịp điệu bài hát trở nên cuốn hút hơn, còn và Tyler thì chịu trách nhiệm về phần lời. Cái tên “Walk This Way” được lấy cảm hứng từ bộ phim hài của Mel Brooks là “Young Frankenstein” mà các thành viên Aerosmith đã xem.
Bản nhạc “Walk This Way” đã ở trên bàn của Jam Master Jay trong nhiều năm còn Run đã ngẫu hứng rap dựa trên nền nhạc bài hát từ khi anh còn là cậu bé 12 tuổi. Đây không phải là trường hợp thử nghiệm “lai tạo” rap rock lần đầu tiên của Run - DMC bởi nhóm cũng từng thử sức với King of Rock (1985) và Rock Box (1984).
Khi Collin chuyển đề nghị của Run - DMC tới Tyler và Perry, ban đầu họ tỏ ra ngờ vực nhưng cuối cùng cũng đến studio Magic Ventures tại Manhattan ngày 9/3/1986 với thù lao 8.000 USD/ngày.
Trong khi đó, Run - DMC lại gặp khó khăn về tài chính nên cần mọi việc được thực hiện nhanh chóng. Trong bản hồi ký của Aerosmith có đoạn: “Run, DMC và Jay túm tụm trong góc phố và đang chủ ý làm gì đó. Tôi quay sang hỏi Joe: ‘Các thanh niên kia đang làm gì vậy?’ Joe nói: ‘Có lẽ họ đang dùng thuốc’. Sau đó khi chúng tôi tiến lại gần thì mới phát hiện ra rằng họ đang hí húi với bữa trưa là đồ ăn nhanh McDonald”.
Ngày 4/7/1986, “Walk This Way” phiên bản mới được phát hành và video clip của bài hát được ra đời sau đó cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Đó là cảnh ban nhạc rock Aerosmith và đội nhạc rap Run - DMC cùng luyện tập trong một căn phòng chia cắt bởi bức tường lớn, họ cùng nhau cạnh tranh thể hiện phong cách. Phải cho đến khi Tyler phá vỡ bức tường giữa hai bên, hai nhóm đã làm người hâm mộ hú hét lên vì sung sướng với sự kết hợp thần kỳ.
Video này sau đó càn quét kênh MTV, được trình chiếu 2 lần trong một giờ. Vào đầu thập niên 80, Michael Jackson, Janet Jackson, Prince là một trong số ít những nghệ sĩ da màu thường xuất hiện trên MTV nhưng “Walk This Way” đã làm được điều khác biệt, giống như nội dung của video là phá vỡ bức tường ngăn cách giữa rock và rap. Không lâu sau đó, với tình yêu của thính giả về hip - hop, vào năm 1988 kênh MTV đã ra chương trình dành riêng cho loại nhạc này là “Yo! MTV Raps”.
“Walk This Way” trở thành đĩa đơn rap đầu tiên lọt bảng xếp hạng Billboard’s Top 10 (xếp hạng 4) và Run - DMC được vinh danh là nhóm rap đầu tiên xuất hiện trên trang bìa tạp chí âm nhạc danh tiếng Rolling Stone.
Nhưng Aerosmith cũng gặt hái được nhiều thành công không kém và đây được gọi là sự cứu vớt cho sự nghiệp của Aerosmith. Trong khi giới trẻ ở thời điểm đó hâm mộ Bon Jovi, Mötley Crüe và Guns N’ Roses thì Aerosmith đã trở thành cái tên cũ mà mới. Album tiếp theo của Aerosmith là “Permanent Vacation” bán được 5 triệu bản (gấp 10 lần các album trước đó của Aerosmith).
Rap rock sau đó đã trở thành một dòng nhạc độc đáo được người yêu âm nhạc đón nhận nhiệt tình với Anthrax và Public Enemy cho ra đời bài “Bring the Noise” (1991), Pearl Jam cùng Cypress Hill với “Real Thing”... Sau này những ban nhạc của dòng nhạc này cũng nổi danh không kém là Biohazard, Limp Bizkit và Linkin Park.