Buồn cho cổ vật

Trong tuần, vụ 6 cổ vật quý tại Lăng Tự Đức thuộc Di tích Cố đô Huế bị mất trộm và vụ nhà sư trụ trì chùa Chân Long (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) tự ý đổi tượng cổ thay bằng tượng chính mình để phật tử vào thắp hương, đã làm dư luận cả nước chú ý. Có thể nói, tính chất của hai vụ việc tuy khác nhau, nhưng có điểm chung là bộc lộ lỗ hổng trong công tác quản lý di tích.


Bức tượng Phật được cho là giống sư trụ trì chùa Chân Long bị người dân đưa ra khỏi chùa vào ngày 5/11.


Theo thông báo của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, 6 cổ vật bị lấy trộm, gồm 2 lư xông trầm hình nghê và 4 chiếc ché rượu bằng sứ đều có niên đại thế kỷ 19. Theo một số nhà chơi cổ vật tại Huế, giá trị cổ vật mất cắp tại lăng vua Tự Đức, về chất liệu thì giá trị tuy lớn như vàng, bạc, ngọc quý, kim cương, nhưng giá trị lịch sử và bề dày văn hóa thì khó có thể đo đếm được.


Đây không phải là lần đầu mất cổ vật thuộc di tích cố đô Huế. Trước đây đã có một số vụ trộm cổ vật ở lăng vua cũng như trong cung điện vua Nguyễn tại Huế và đã bắt được thủ phạm. Thực tế, những cổ vật, đồ thờ bị mất trộm tìm lại không được nhiều. Không chỉ tiêu thụ trong nước, nhiều cổ vật quý đã bị thẩm lậu ra nước ngoài. Giới thượng lưu vẫn coi sưu tầm đồ cổ là thú chơi và mốt thời thượng, còn các đầu nậu vẫn "hốt bạc" sau các phi vụ buôn bán trái phép. Theo Luật Di sản văn hóa, nhà nước không cấm buôn bán cổ vật, nhưng nguồn gốc cổ vật phải được chứng minh rõ ràng, hợp pháp. Tuy nhiên, việc truy nguyên nguồn gốc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ðây cũng là vấn đề nan giải cho sự an toàn của nhiều cổ vật đang lưu giữ tại các di tích.


Còn với vụ việc xảy ra tại ngôi chùa cổ Chân Long - một di tích lịch sử cấp quốc gia, cho dù đã có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhưng theo dư luận, sự vào cuộc của chính quyền là quá muộn. Nếu ngay từ năm 2010, khi phát hiện những sai phạm đầu tiên của sư trụ trì chùa Chân Long, việc xử lý được làm quyết liệt, hẳn sẽ không có những sai phạm mang tính chất hệ thống, kéo dài lâu đến vậy. Vấn đề cần được quan tâm lúc này là các cấp chính quyền địa phương cần khẩn trương tháo dỡ, loại bỏ toàn bộ các công trình, hạng mục, hiện vật mới được đưa vào di tích, giữ nguyên các công trình kiến trúc cổ của nhà chùa, đảm bảo an toàn cho các hiện vật gốc.


Còn nhớ, cách đây chưa lâu, dư luận cả nước cũng hết sức bất bình trước việc nhà Tổ và gác khánh - những hạng mục quan trọng của chùa Trăm Gian (tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị phá đi xây mới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích quốc gia có cách nay gần chục thế kỷ. Hậu quả là một di tích lịch sử mà cha ông ta dày công gìn giữ, bỗng chốc trở thành phế tích.


Có rất nhiều bài học có thể rút ra từ vụ mất cổ vật tại di tích cố đô Huế cũng như di tích quốc gia chùa Chân Long. Nhưng có lẽ bài học lớn hơn cả việc thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước đối với di sản. Rõ ràng, cả chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý di tích, văn hóa đã không làm hết trách nhiệm của mình. Nếu sự việc mất cổ vật xảy ra ở Lăng Tự Đức không được xử lý đúng mức, không quy rõ trách nhiệm, chắc chắn tình trạng mất cổ vật tại di tích này sẽ chưa thể dừng. Chính vì vậy, để bảo vệ các cổ vật quý giá, các chùa, đền, nơi thờ tự cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa bằng cách: cất giữ đồ thờ quý, cổ vật cẩn thận; thắp điện sáng, lắp đặt hệ thống camêra, báo động; luân phiên cắt cử người trông coi; cảnh giác cao với người lạ, kịp thời báo công an để truy bắt kẻ gian, tìm lại cổ vật. Cũng cần có quy định ràng buộc trách nhiệm không chỉ của Ban quản lý mà cả chính quyền địa phương.



Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN