Năm 2011, khi các “đàn anh, đàn chị” đa số đã bước sang tuổi “xế chiều”, bóng bàn Việt Nam đang trông chờ vào sự tiến bộ và sự khẳng định của thế hệ trẻ. Thế nhưng, có vẻ chưa ai đủ sức thay thế xứng đáng và SEA Games năm nay, vẫn lại những gương mặt cũ gánh trọng trách giành thành tích cho bóng bàn nước nhà.
Ai thay nổi Kiến Quốc?
Trong bảng xếp hạng mới nhất, Kiến Quốc vẫn là tay vợt có xếp hạng cao nhất của bóng bàn Việt Nam. Sau thế hệ của Mạnh Cường, nhiều năm nay, Kiến Quốc vẫn “làm mưa làm gió” ở đấu trường trong nước. Theo dự đoán của chuyên môn, có lẽ vài năm nữa cũng chưa có ai đủ sức vượt mặt Kiến Quốc. Thế nhưng phải thừa nhận, ở cái tuổi ngoài 30, tay vợt đang khoác áo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam này khó đáp ứng được khả năng duy trì thi đấu ở cường độ cao tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Và không phải bây giờ mà đã rất lâu rồi, những người làm bóng bàn Việt Nam đã nghĩ về sự xuống dốc và chia tay của Kiến Quốc, nhưng quả thực, để tìm ra một gương mặt đủ sức gánh vác trọng trách thay Quốc khó như mò kim đáy bể.
Việt Linh - tay vợt trẻ tài năng của bóng bàn Việt Nam nhưng cũng không mặn mà với ĐTQG. Ảnh: Anh Chi |
Phía dưới Kiến Quốc có Tuấn Quỳnh, Nam Hải, Quang Linh, nhưng cả ba tay vợt này đều có điểm yếu cố hữu về tâm lý thi đấu. Hơn nữa, cả ba đều bước sang tuổi 28, cái tuổi không còn trẻ để hy vọng vào sự tăng tiến mạnh mẽ về trình độ. Thậm chí, có người cũng gần như nói lời chia tay với sự nghiệp để học đại học như trường hợp của Nam Hải (Hà Nội) mới đây. Tay vợt quân đội Đinh Quang Linh, người đứng cặp với Đoàn Kiến Quốc để làm nên cuộc lật đổ các tay vợt Xinhgapo ngoạn mục ở SEA Games 25, từng có lúc được kỳ vọng sẽ thay thế xứng đáng đàn anh Kiến Quốc tại ĐTQG. Nhưng năm 2009, Quang Linh bất ngờ thắng Kiến Quốc trong giải 12 tay vợt xuất sắc nhưng lại để thua trước các tay vợt yếu hơn. Điều đó cho thấy sự thiếu ổn định của tay vợt này. Trong khi điều làm nên danh tiếng của một tay vợt lại là sự ổn định phong độ cao trong thời gian dài. Dưới Quang Linh còn có những tay vợt trẻ khác như: Tô Đức Hoàng, Đào Duy Hoàng, Ngọc Trình, Hoàng Chung… Song, ở một môi trường không có tính cạnh tranh cao như giải VĐQG, việc đầu tư cũng chỉ ở mức vừa phải, rất khó tạo nên bàn đạp để những tay vợt trẻ này tiến nhanh, tiến xa.
Nghịch lý
Không có ai đủ sức thay thế các đàn anh, đàn chị cũng bởi bóng bàn Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý. Muốn có VĐV kế thừa thì một trong những công tác quan trọng nhất là Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam phải có chiến lược tuyển chọn và đào tạo lớp trẻ được làm chu đáo ở các địa phương. Sau khi có được một lớp trẻ nhất định thì nhất thiết phải đưa các VĐV này vào tập luyện cùng đội tuyển. Như hiện nay, cả đội tuyển cũng chỉ có 7-8 VĐV với đa phần là những gương mặt quá quen thuộc, trong khi chúng ta có khá nhiều nhân tố triển vọng, gần tương đương thành phần ĐTQG nhưng lại không được tập luyện ở môi trường tốt. Việc tiến hành chuyển giao lực lượng bắt buộc bóng bàn Việt Nam phải chấp nhận hy sinh 1, 2 kỳ SEA Games để cho các VĐV trẻ thử lửa. Nói cách khác, ĐTQG là phải có sự đào thải. Còn nếu cứ tiếp tục đuổi theo thành tích như hiện tại, chỉ cần vài năm nữa, các tay vợt trẻ cũng quá tuổi và hết động lực. Thậm chí, thực tế đó đã hiện lên ngày một rõ với việc hàng loạt tay vợt trẻ không lên tuyển, như trường hợp của Việt Linh tại ASIAD 16.
Nếu như các quốc gia khu vực đang tiến hành trẻ hóa lực lượng mạnh mẽ thì bóng bàn Việt Nam vẫn giữ nguyên bộ khung già nua của mình. Thay đổi tư duy, cách làm không phải một sớm một chiều nhưng rõ ràng, những nhà quản lý bóng bàn Việt Nam đang thờ ơ với thực tế “tre già, măng chưa mọc”.
Anh Chi