Bội thực truyền hình thực tế

Chưa bao giờ khán giả lại bội thực trước tình trạng “trăm hoa đua nở” chương trình truyền hình thực tế (THTT) trên sóng truyền hình như giai đoạn hiện nay. Chỉ cần bật tivi, là thấy hàng chục chương trình THTT trên khắp trên các kênh, từ đài truyền hình Trung ương đến địa phương, với nội dung na ná nhau.


Bùng nổ THTT


Dù sinh sau đẻ muộn so với những thể loại truyền thống khác trên truyền hình, nhưng hiện những chương trình THTT đang được xem là con át chủ bài thu hút quảng cáo, tăng độ rating (lượng khán giả xem truyền hình) cho các nhà đài. Nếu như lấy cái mốc năm 2006, khi chương trình THTT đầu tiên ra đời trên sóng đài truyền hình Việt Nam với tên gọi “Phụ nữ thế kỷ 21” vẫn còn lạ lẫm, mới mẻ với đại bộ phận công chúng thì hiện nay, THTT đã trở nên quá quen thuộc với dân ghiền tivi.


Ca sỹ Uyên Linh vụt sáng nhờ chương trình THTT “Thần tượng âm nhạc” mùa đầu tiên.


“Hiện số lượng các chương trình THTT đã và đang phát lên đến hơn 20 chương trình. Đây là con số gây ngạc nhiên cho không ít người làm nghề vì tốc độ phát triển quá nhanh của THTT, không chỉ tăng về số lượng mà các chương trình còn rất đa dạng, từ âm nhạc cho đến thời trang, điện ảnh, người mẫu, mạo hiểm, nấu ăn…”, bà Nguyễn Thu Ngọc, TGĐ Công ty CP Quảng cáo Bảo Lâm, cho hay.


Dẫn đầu những chương trình thực tế chiếm lĩnh giờ vàng và tạo nhiều luồng dư luận trái chiều trong thời gian qua thuộc về các cuộc thi hát. Có thể dễ dàng điểm danh gần 10 các chương trình truyền hình có liên quan đến ca hát hiện nay như: “Giọng hát Việt - The Voice”, “Thần tượng Âm nhạc Việt - Vietnam Idol”, “Cặp đôi hoàn hảo”… Tiếp theo là những game show đi vào các ngõ ngách về văn hóa, du lịch khám phá… mang đậm tính giải trí, kích thích sự tò mò theo dõi của khán thính giả như “Siêu đầu bếp Việt Nam”, “Cuộc đua kỳ thú”, “Bước nhảy hoàn vũ”… Hầu hết những chương trình trên đều có công thức chung: Nhà sản suất mua bản quyền từ các chương trình ăn khách nước ngoài; tìm kiếm nhà tài trợ, nguồn quảng cáo và cuối cùng kết hợp với nhà đài theo tỷ lệ ăn chia thỏa thuận cùng triển khai thực hiện.


Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, hiện đi đầu trong lĩnh vực này là đại gia truyền thông Cát Tiên Sa với những chương trình phát sóng vào giờ vàng trên VTV3 vào tối thứ bảy, chủ nhật. Tiếp đến BHD “tranh thủ” quản lý khung giờ đẹp không kém trên kênh VTV3 vào cuối tuần tối thứ sáu, kênh giải trí truyền hình phủ sóng cả nước và có lượng khán giả theo dõi đông nhất hiện nay. Riêng những doanh nghiệp trong ngành truyền thông khác không “chen chân” vào giờ đẹp đành “an phận” tìm đến những thị trường nhỏ hơn như HTV, Vĩnh Long, Yan TV…


Hết thời “vui là chính”


Qua rồi cái thời khán giả cả nước háo hức chờ đợi cuối tuần theo dõi các chương trình THTT của những ngày đầu. Hiện khi các chương trình cứ lần lượt lên sóng suốt tuần, suốt tháng với nội dung cũ kỹ, mật độ dày đặc… người xem đã bắt đầu ngán ngẩm. Do các chương trình THTT được nhập khẩu vào Việt Nam quá nhanh, không ít nhà sản xuất chưa kịp tìm được thành phần tham dự, phân chia lịch phát sóng phù hợp, nên dẫn đến hiện tượng trùng lắp về thành phần Ban giám khảo, thí sinh, nội dung chương trình… “Đảm bảo an toàn trong thu hút quảng cáo và người xem, hầu hết các chương trình THTT đều dùng chung mỗi công thức xưa cũ để hút khách là quy tụ người nổi tiếng của showbiz tham gia. Nhưng chính việc làm này đã khiến cho THTT trở thành nhàm chán bởi quanh đi quẩn lại từng ấy gương mặt quen thuộc làm thí sinh, ban giám khảo…”, anh Dũng, nhà ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP Hồ Chí Minh), nhận xét.


Đặc biệt, để gây chú ý dư luận và hâm nóng sự nguội lạnh của người xem, nhiều chương trình THTT đã không ngần ngại sử dụng những chiêu trò quá lố, những vụ scandal… nhảm nhí chốn hậu trường. Có thể liệt kê hàng loạt vụ việc “dậy sóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua như: Thí sinh chụp ảnh nhạy cảm, văng tục và bị tung lên mạng; thí sinh khuyết tật gửi thư khiếu nại cho rằng mình bị giám khảo phân biệt đối xử… Nhưng làm mệt mỏi người xem nhiều nhất vẫn là các cơn “sóng thần” quảng cáo “tra tấn” người xem của nhà đài, đặc biệt ở những chương trình đang được dư luận quan tâm. Hiện trung bình mỗi chương trình có khoảng 30 - 40 mẫu quảng cáo…


Tại cuộc Hội thảo Quản lý chất lượng phát thanh truyền hình, đại diện VTV cho rằng, hiện đơn vị này đã phát triển hệ thống trị số đánh giá khách quan chất lượng chương trình thông qua việc thẩm định kịch bản, khâu biên tập, quá trình thực hiện… Theo đó, để tăng cường tính khách quan trong công tác quản lý, hệ thống trị số đánh giá bao gồm những quy định rõ ràng như: mới, dễ hiểu, thích hợp với nhóm khán giả cần hướng tới… sẽ được sử dụng trong nỗ lực tăng được chất lượng chương trình, đáp ứng nhu cầu khán giả.


Đã đến lúc, các nhà quản lý, đơn vị sản xuất cũng cần lưu ý nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng của các chương trình THTT, làm sao để các chương trình THTT không còn gây ức chế cho khán giả khi xem truyền hình như hiện nay.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Cô bé 16 tuổi đăng quang “Giọng hát Việt 2013”
Cô bé 16 tuổi đăng quang “Giọng hát Việt 2013”

Vượt qua 3 đối thủ nặng ký Hà My, Hoàng Tôn và Cát Tường, cô bé 16 tuổi đến từ Nam Định - Vũ Thảo My (ảnh - đội Đàm Vĩnh Hưng) đã trở thành quán quân Giọng hát Việt mùa thứ hai trong đêm chung kết, diễn ra tối 15/12, tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (TP Hồ Chí Minh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN