Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Phát triển bền vững kinh tế từ văn hóa

Năm Mậu Tuất 2018 là năm thành công, ghi dấu ấn đậm nét của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước nhà.

Những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực, sáng tạo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong đó, du lịch, thể thao thực sự tạo dấu ấn, là điểm sáng nổi bật. Du lịch đã đóng góp lớn vào GDP cả nước, từng bước khẳng định vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn... 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ hội để biến khát vọng tăng cường sức mạnh của dân tộc từ văn hóa thành sự thật. Phát triển kinh tế từ văn hóa, từ sáng tạo chính là cách phát triển bền vững nhất.

Du lịch phát triển trên nền tảng mới

Năm Mậu Tuất 2018 là năm thành công của du lịch nước nhà với gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch là 620.000 tỷ đồng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần khẳng định thương hiệu điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách. Bộ trưởng có thể cho biết những nguyên nhân nào đưa du lịch Việt Nam “cất cánh” bay cao như vậy trong năm Mậu Tuất 2018?

Năm Mậu Tuất 2018, ngành Du lịch phát triển dựa trên nền tảng mới với nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi. Các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về quản lý và phát triển du lịch đang dần hoàn thiện. Các động lực tạo đà cho sự phát triển từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn đang tiếp tục hình thành và phát triển tích cực. Việt Nam ngày càng liên kết chặt chẽ với khu vực và quốc tế, ở vị trí kết nối thuận tiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động. Hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn, chất lượng đã được biết đến rộng rãi trên thế giới. Nhiều điểm đến du lịch của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế vinh danh, trao tặng các giải thưởng mang tính toàn cầu. 

Năm 2018, Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á” của World Travel Awards (WTA). TP Hồ Chí Minh lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2018 (Lonely Planet bình chọn). Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa và tổng thu từ khách du lịch đều tăng trưởng vượt mức kế hoạch đề ra.

Trong năm Kỷ Hợi 2019, du lịch Việt Nam sẽ có những hành động nào cụ thể thực hiện thành công mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế?

Tiếp theo đà tăng trưởng của năm 2016 và 2017, trong năm 2018, Việt Nam đã đón được trên 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017. Với mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm Kỷ Hợi 2019, du lịch Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Toàn ngành tiếp tục tập trung xúc tiến, quảng bá, duy trì tốc độ tăng trưởng tại các thị trường nguồn khách du lịch có tốc độ tăng trưởng cao và cung cấp số lượng khách du lịch lớn cho du lịch Việt Nam như các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) và các thị trường gần, nội vùng khu vực Đông Nam Á vẫn có khả năng tăng trưởng cao như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Bên cạnh đó, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động marketing điện tử trong xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng và hoàn thiện các công cụ xúc tiến du lịch trực tuyến như website, mạng xã hội, ứng dụng quảng bá du lịch trên thiết bị di động... 

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Đặc biệt, ngành Du lịch và các địa phương cần tiếp tục kiểm soát, duy trì chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh dịch vụ yếu kém, nhất là việc quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn tại những điểm đông khách du lịch.

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam trong năm Kỷ Hợi 2019 sẽ theo hướng nào để ngày càng chuyên nghiệp, khắc phục được những bất cập hiện nay về nguồn lực, thưa Bộ trưởng?

Để công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đề án tập trung vào việc đổi mới, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các sự kiện, hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong xúc tiến quảng bá du lịch (e-marketing và công nghệ 4.0). Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam sẽ tích cực, chủ động tham gia các sự kiện du lịch quốc tế lớn như đại hội thể thao quốc tế, hội chợ, liên hoan, lễ hội du lịch, Diễn đàn hợp tác kinh tế...

Ngành Du lịch sẽ tăng cường liên kết, phối hợp tổ chức sự kiện của các đơn vị trong nước với các đơn vị quốc tế thật chặt chẽ và thống nhất. Đồng thời, ngành tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam để tạo sự lôi cuốn, thông điệp, chủ đề phải rõ ràng, tạo ấn tượng tới du khách.

Ngoài ra, để khắc phục những bất cập về nguồn lực, công tác quảng bá xúc tiến cho du lịch Việt Nam trong năm 2019 phải tập trung vào xã hội hóa, huy động các nguồn lực và thành phần kinh tế tham gia hiệu quả vào lĩnh vực này.

Đầu tư hiệu quả cho văn hóa, thể thao, du lịch 

Năm 2018 cũng là năm thành công rực rỡ của thể thao nước nhà, đặc biệt là bóng đá với thành tích cao ở châu lục, Đông Nam Á, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thành tích này và mong muốn gì ở bóng đá Việt Nam trong những năm tiếp theo?

Trong thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy được sự tiến bộ của các Đội tuyển Bóng đá trẻ từ U15, U16, U21, U23 đến Đội tuyển quốc gia tại các giải bóng đá khu vực, châu lục. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam thi đấu đặc biệt xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Giải vô địch U23 châu Á. Đội tuyển Bóng đá quốc gia giành Huy chương Vàng Giải vô địch Bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup), Đội tuyển Bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu tiên là đội duy nhất khu vực Đông Nam Á lọt vào top 4 đội mạnh nhất ASIAD 18... Đội tuyển Bóng bãi biển nam quốc gia giành Huy chương Vàng Đông Nam Á; Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia giành Huy chương Đồng Đông Nam Á và Đội tuyển U15 nữ quốc gia giành Huy chương Đồng Đông Nam Á.

Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, tôi mong muốn các Đội tuyển Bóng đá Việt Nam từ cấp độ đội tuyển trẻ đến các đội tuyển quốc gia tiếp tục duy trì và nâng cao thành tích ở khu vực, châu lục, đồng thời hướng đến mục tiêu đưa bóng đá nước ta phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á; bóng đá trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về đầu tư của ngành trong lĩnh vực thể thao hiện nay? 

Trong những năm qua, nguồn kinh phí dành cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và lĩnh vực thể dục, thể thao nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Với việc đầu tư đúng hướng, tập trung vào các môn thể thao trọng điểm, các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asiad, phù hợp với thể trạng, tố chất linh hoạt, khéo léo của người Việt Nam, thể thao Việt Nam đã gặt hái được một số thành công. Năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam đã giành được 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc tại Olympic và giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng tại Paralympic Rio, Brazil. Tại ASIAD 18 ở Indonesia năm 2018, Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công xếp thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thành tích 38 huy chương các loại, đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam giành được Huy chương Vàng ở những môn thể thao Olympic cơ bản là điền kinh, Rowing và luôn giữ vững top đầu tại các kỳ SEA Games.

Trong năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng có kỳ vọng như thế nào vào sự phát triển của văn hóa, thể thao và du lịch nước nhà?

Xét theo bối cảnh quốc tế và trong nước, năm Kỷ Hợi 2019 sẽ là một năm có nhiều chuyển biến phức tạp, khó lường. Với ngành Văn hóa, đây là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết Chiến lược này, từ đó, xác định các bước triển khai tiếp theo.

Năm mới, tôi trông chờ nhiều vào những tác động tích cực từ các chính sách, phong trào, hoạt động văn hóa đối với vấn đề đạo đức xã hội. Chúng ta đã triển khai nhiều phong trào người tốt, việc tốt, có thêm những chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, đi kèm với việc chấn chỉnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Những chính sách, hoạt động đó đang dần dần đi vào đời sống và lan tỏa để trở thành những giá trị, chuẩn mực, tấm gương tốt cho toàn xã hội.

Trong năm 2019, thể thao Việt Nam tiếp tục duy trì những thành tích trong năm 2018; phấn đấu để đạt thành tích cao tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

Lĩnh vực du lịch phấn đấu sẽ đạt và vượt mục tiêu của Chính phủ giao, đón 18 triệu lượt khách quốc tế, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD...”

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng là cơ hội để biến khát vọng tăng cường sức mạnh của dân tộc từ văn hóa thành sự thật. Phát triển kinh tế từ văn hóa, từ sáng tạo chính là cách phát triển bền vững nhất./.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Hà Thanh Giang (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa
TP Hồ Chí Minh phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa

Với lịch sử 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ nhiều tinh hoa di sản văn hóa đô thị phong phú. Đây là tiềm năng lớn để thành phố xây dựng, phát triển các di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN