Tài nguyên còn bỏ ngỏ
Nhắc tới TP Hồ Chí Minh, du khách và người dân thành phố đều có thể kể vanh vách các điểm đến du lịch gắn với các di sản văn hóa của thành phố, như: Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, chùa Giác Viên, Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Mười Tám Thôn Vườn trầu, Bến Nhà Rồng…
Anh Nguyễn Văn Hải, ngụ ở quận 3, cho biết khi còn ở Nam Định, mỗi lần nhắc tới TP Hồ Chí Minh, hình tượng đầu tiên anh nghĩ đến là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố và chỉ mong một lần được đến thăm quan, tìm hiểu, ngắm nhìn... Chính vì vậy, khi vào TP Hồ Chí Minh học đại học, 2 địa danh trên là nơi anh Hải tìm đến đầu tiên.
“Bây giờ, làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, tôi không có nhiều thời gian để có thể ghé đến những địa danh trên nữa. Dù vậy, trong tâm trí tôi vẫn in đậm kiến trúc cổ kính Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố - công trình biểu tượng cho TP Hồ Chí Minh, luôn mang nhiều ý nghĩa về giá trị văn hóa lẫn tinh thần để người dân dù không sinh ra ở đây nhưng đi đâu cũng nhớ về thành phố”, anh Hải cho biết thêm.
Theo PGS - TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, TP Hồ Chí Minh với hệ thống tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đa dạng, nhiều tiềm năng phát triển, trong đó di sản văn hóa được coi là tài nguyên du lịch quan trọng, là cơ sở hình thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự tận dụng được tiềm năng, thậm chí những sai lầm trong quy hoạch đang vô tình “xóa sổ” nhiều địa danh, địa điểm, công trình mang ý nghĩa lịch sử. Theo đó, đã có nhiều địa điểm, công trình nổi tiếng trong lịch sử đã không còn hiện diện trong mặt bằng tổng thể của thành phố, như Thương xá Tax, công viên Lam Sơn, cảng Ba Son…
“Di sản văn hóa là loại tài sản vô giá về mặt tinh thần, đồng thời cũng là khối tài sản vật chất đồ sộ chứa đựng nguồn tài lực, vật lực, nhân lực mang hàm lượng trí tuệ cao. Đây là lý do buộc chúng ta phải có thái độ ứng xử đúng mực, có giải pháp phù hợp để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, mà gần nhất là phát triển du lịch bền vững”, PGS - TS Đặng Văn Bài chia sẻ thêm.
Cần cái bắt tay của các đơn vị
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, việc phát triển bảo tồn các di sản văn hóa còn gặp một số khó khăn do ngành văn hóa và ngành du lịch thành phố chưa có sự phối hợp đúng mức, vẫn còn tính riêng lẻ. Chỉ khi các ngành, đơn vị liên quan cùng bắt tay, quyết tâm nâng cấp và làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch di sản văn hóa, đó sẽ là động lực để thành phố phát triển du lịch.
Đồng quan điểm với ông Huỳnh Thanh Nhân, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, phát huy giá trị di sản văn hóa là việc cần tiếp tục làm mạnh mẽ hơn. Hiện nay, việc phát triển du lịch di sản ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế vì thiếu kinh phí, thiếu liên kết và thiếu đồng bộ.
“Vấn đề đặt ra là phải tăng cường liên kết để tăng thêm giá trị cho các di sản, các điểm đến. Di sản không phải là một điểm đến cụ thể mà là một tổng hòa các di sản văn hóa trong đô thị đó. Muốn biến di sản văn hóa thành tài nguyên du lịch, cần có bàn tay phối hợp của nhiều nhà: nhà quản lý, nhà quy hoạch kiến trúc, nhà điều hành du lịch và cả người dân. Khi người dân thấy được lợi ích của mình, họ sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.
Ngoài ra, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, quan điểm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển phải được cụ thể hóa bằng chính sách, hành vi ứng xử trong hoạt động du lịch nói chung, du lịch di sản văn hóa nói riêng. Bởi di sản văn hóa là tài nguyên du lịch, vì thế giữa du lịch và di sản văn hóa có mối gắn kết tương hỗ. Mối gắn kết này càng bền chặt khi di sản văn hóa được giữ gìn, tôn tạo, hài hòa, tạo sức hút đối với du khách; muốn du lịch di sản văn hóa phát triển, hấp dẫn thì phải là du lịch trách nhiệm, du lịch bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường văn hóa.
Dưới con mắt của những người làm du lịch, bà Phan Yến Ly, Trưởng ban Phát triển du lịch khối Inbound, Saigontourist, cho rằng bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh của TP Hồ Chí Minh, như: du lịch sinh thái, ẩm thực, mua sắm, đường sông, thành phố không thể bỏ quên loại hình du lịch di sản, những địa điểm chứa đựng bao giá trị lịch sử văn hóa. Cụ thể như bến Nhà Rồng, Hội trường Thống Nhất, Nhà hát Thành phố, địa đạo Củ Chi, Rừng Sác - Cần Giờ… Trong khi đó, du khách nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tìm hiểu các di sản văn hóa của thành phố khá lớn nhưng các chương trình, cách truyền đạt ở các địa điểm di sản văn hóa chưa “sống” và chưa giữ chân dược du khách lâu dài.
“Vì vậy, để có thể khai thác tốt hơn loại hình du lịch di sản, nên chăng thay đổi cách quản lý di sản, di tích văn hóa. Từ lâu trên thế giới đã áp dụng mô hình nhà nước và tư nhân cùng tham gia quản lý - khai thác di sản văn hóa dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các chuyên gia. Có thể học kinh nghiệm từ Pháp, Indonesia, Campuchia… hay trong nước như cách làm du lịch di sản của Hội An, Huế”, bà Yến Ly cho hay.