Bí ẩn mộ bến và khu dân cư cổ ở đô thị Ciputra?

Những ngày gần đây, việc phát hiện hai ngôi mộ cổ, giếng cổ tại xã Đông Ngạc (Từ Liêm - Hà Nội) gần khu đô thị Ciputra đã thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới nghiên cứu khoa học. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN, người trực tiếp phụ trách cuộc khai quật hai ngôi mộ cổ, xung quanh việc này.

Thưa ông, được biết, theo nhận định ban đầu, đây là ngôi mộ Hán thời Bắc thuộc, vậy PGS-TS có thể cho biết hai ngôi mộ cổ này chính xác thuộc giai đoạn nào? Và có sự liên quan nào giữa hai ngôi mộ này không?

Dựa trên những nét hoa văn, kiến trúc, có thể khẳng định đây là mộ thuộc thời Bắc thuộc. Theo cấu trúc của gạch (to, nho), hoa văn của gạch chỉ ở trong mộ, và đặc biệt là nhóm đồ gốm thì có thể dự đoán cả 2 ngôi thuộc giai đoạn Lục Triều (thế kỷ 4 - 6). Hai ngôi mộ gồm 1 ngôi lớn và 1 ngôi mộ nhỏ. Ngôi mộ lớn có lẽ có niên đại sớm hơn ngôi mộ nhỏ một chút. Chính vì niên đại hơi chênh nhau nên không phải là mộ song táng, chỉ là mộ đơn. Nếu mộ đôi thì giữa 2 mộ thường có lỗ thông sang nhau.

Mặt trước ngôi mộ lớn. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Vì phát hiện có giếng gần hai ngôi mộ cổ nên chắc phải có cư dân quanh quẩn gần đâu đó, nhất là khu này rất gần sông Hồng, nên rất có thể có một làng cổ gần đó?

Vậy theo đánh giá của ông, hai ngôi mộ và giếng cổ phát hiện gần khu đô thị Ciputra có giá trị như thế nào về khảo cổ nói chung, và ý nghĩa như thế nào về việc thám sát các giá trị khảo cổ, vùng đất cổ của Thăng Long- Hà Nội?

Mặt trên của ngôi mộ nhỏ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN 

Điều khiến các nhà khoa học chú ý khi khai quật hai ngôi mộ này là việc phát hiện hàng gạch khóa vòm chạy dọc nóc của hai ngôi mộ. Đây là một cấu trúc lạ, dường như chưa gặp bao giờ khi đào các mộ cổ có niên đại Bắc thuộc. Một đặc điểm nữa là những hạt thóc, gạo cháy trước đây có đôi lần tìm thấy nhưng nằm rải rác trong mộ, còn lần này lại tìm thấy cả ở trong đáy 2 bát con - cũng là phát hiện thấy lần đầu và khá độc đáo. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương (Viện Khảo cổ học) khi quan sát dưới kính lúp với độ phóng đại lớn còn chụp được ảnh hạt thóc còn nguyên cuống và có một phần vỏ trấu.


Hai ngôi mộ cổ . Ảnh: Quý Trung – TTXVN 

Các nhà khảo cổ đo chiều sâu của giếng cổ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Còn việc phát hiện ra giếng cổ thì cũng đặc biệt. Trong Hoàng thành Thăng Long tới nay chỉ mới phát hiện được 11 giếng cổ: 2 giếng thời Đường, 2 giếng thời Lý, 2 giếng thời Trần, 3 giếng thời Lê và 2 giếng thời Lê-Nguyễn). Nay lại thêm được chiếc giếng cổ có niên đại Lục Triều (thế kỷ 4 - 6) càng làm phong phú bộ sưu tập giếng ở Thăng Long xưa. Và điều đáng nói là đã phát hiện được giếng cổ thì chắc rằng gần đó phải có khu cư dân sinh sống? Địa điểm phát hiện lại rất gần với sông Hồng, phải chăng có mộ bến, hay làng ven sông ở đây ngay cửa vào phía bắc của Thăng Long xưa? Chúng ta cần lưu tâm xem xét tiếp vấn đề này.

Hai ngôi mộ và giếng cổ nằm trong khu vực thi công của đơn vị xây dựng, vậy hướng xử lý tiếp theo sẽ như thế nào, thưa ông?

Phải nói rằng tôi thấy rất mừng khi những người lãnh đạo từ Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, Công ty TNHH Nam Thăng Long, huyện Từ Liêm, xã Đông Ngạc… đã rất quan tâm đến những phát hiện về khảo cổ học. Trước đây nhiều ngôi mộ bị phá tan tành thì các nhà khảo cổ mới được báo. Sắp tới, chắc cần quan tâm hơn đến việc thám sát khu vực này. Tôi chắc dưới lòng đất sâu 2 m nơi đây còn nhiều điều bí ẩn mà ta chưa biết. Nên chăng có những cuộc thăm dò khảo cổ học trước khi triển khai những công trình xây dựng lớn tại khu vực này - đúng với quy định của Luật Di sản văn hóa (Điều 37).

Xin cảm ơn ông!

Ngày 1/4, khi thi công đặt ống cống tại thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm, Hà Nội), máy xúc đất của đơn vị xây dựng thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đã chạm vào cửa một ngôi mộ cổ. Vụ việc được báo lên cấp chính quyền. Ban Quản lý di tích Thắng cảnh Hà Nội đã mời PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam tới hiện trường, và ngay sau đó chiều 2/4 đã tiến hành khai quật khẩn cấp đồng thời với việc xin phép Sở VH, TT&DL Hà Nội cấp giấy phép.

Sau gần 3 tuần khai quật, hiện các nhà khoa học đang hoàn chỉnh các bản vẽ, bản ảnh và các số liệu đo đạc để xây dựng báo cáo khoa học chính thức. Ngôi mộ thứ nhất có chiều dài 4,7 m; rộng 2,15 m; cao 1,9 m. Ngôi mộ thứ 2 dài 3,9 m; rộng 1,2 m; cao 0,95 m.

Cách 2 ngôi mộ cổ khoảng trăm mét, đơn vị thi công đường giao thông nội bộ khu đô thị Ciputra tiếp tục phát hiện một chiếc giếng cổ giống như các giếng được phát hiện trong Hoàng thành Thăng Long.

Bảo tàng Hà Nội đã có công văn đề nghị di dời toàn bộ chiếc giếng về khuôn viên Bảo tàng.


Xuân Cường
(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN