"Báu vật vô giá" của người Tày

Những làn điệu hát Then hòa trong tiếng đàn tính làm say đắm lòng người là “báu vật vô giá” của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị hát Then, tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các tỉnh trong khu vực có hát Then nỗ lực thực hiện “các bước” đưa hát Then trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

* Then - một không gian văn hóa dân tộc

Theo điều tra khảo sát của tỉnh Tuyên Quang, vùng hát Then hiện tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hoá, Na Hang, Lâm Bình và một số xã của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Trải qua thời gian, tồn tại và phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tồn tại 2 dòng Then. Dòng Then thứ nhất là nghi lễ then cổ, được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị thất truyền. Dòng then thứ hai là dòng Then mới do những người am hiểu, yêu thích then đặt lời mời theo giai điệu then cổ.

Để hiểu rõ hơn về các làn điệu Then, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Hà Thuấn, người đã có công rất lớn trong việc sưu tầm, sáng tác, quảng bá làn điệu Then cũng như cây đàn tính và đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân văn hóa dân gian.

Trong ngôi nhà sàn ở thôn Tân Hợp, xã Tân An (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) ông Thuấn chia sẻ: Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả và gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống của ông cha. Then được chia làm 2 nhóm: Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và then lễ hội. Then kỳ yên có nội dung chủ yếu, cầu chúc, chữa bệnh. Lễ cầu yên được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu năm tùy thuộc vào từng nơi để thiết đãi tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ… Còn Then lễ hội là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người thêm vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống để thỏa mãn ước vọng về một cuộc sống đầy đủ. Loại Then lễ hội thường được sử dụng trong các nghi lễ: Lễ cầu mùa, lễ vào nhà mới, cấp sắc, cầu mùa, lễ cốm…

Ông Thuấn cũng chia sẻ thêm, hát Then không thể thiếu cây đàn tính, một loại đàn được làm từ quả bầu, có hai dây, trên mặt đàn có dát một lớp gỗ mỏng, cần đàn được làm bằng gỗ. Ngày xưa dây đàn được làm bằng sợi tơ, nhưng tơ bây giờ rất hiếm nên dây đàn được làm từ dây cước. Nếu như hát Then mà không có cây đàn tính là đã mất đi linh hồn của nó.

*Nỗ lực ghi danh hát Then

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, nghi lễ Then của dân tộc Tày không chỉ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mà hát Then còn được tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Giang lập hồ sơ để đề xuất và đệ trình Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh hát Then vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015.

Bà Âu Thị Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để hoàn thiện hồ sơ quốc gia di sản hát Then trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghi lễ Then dân tộc Tày; phối hợp với Viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tổ chức hội nghị kiểm kê di sản và lập hồ sơ “Then Tày – Nùng – Thái Việt Nam”; tổ chức điền rã thu thập tài liệu, tổ chức ghi hình, thu thanh, dịch thuật các hình thức lễ Then tại các địa phương; đặt các bài viết chuyên đề về di sản Then, tổng hợp, biên soạn sách kiểm kê, kỷ yếu hội thảo quốc tế, xây dựng bản đồ điện tử, viết hồ sơ khoa học theo mẫu UNESCO quy định...

Cũng theo bà Mai, trong năm 2015, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tiến hành các kế hoạch điền rã, nghiên cứu, thu âm, ghi hình, tư liệu nghe nhìn… để hoàn thiện hồ sơ. Ngoài ra, để bảo tồn và phát huy giá trị hát Then, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tiến hành nghiên cứu, khai thác, sưu tầm tư liệu, hiện vật về nghi lễ Then để biên soạn và xuất bản thành các ấn phẩm văn hóa và xây dựng thành các chương trình, tiết mục nghệ thuật về Then, phục vụ nhân dân. Tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, tôn vinh người am hiểu, người có công bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian .

Cùng với đó, để góp phần bảo tồn và quảng bá các làn điệu Then, tỉnh tuyên Quang cũng đã thành lập nhiều câu lạc bộ hát Then, tạo không khí rộn ràng trong công tác bảo tồn hát Then. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 64 câu lạc bộ hát Then, đàn tính với gần 1.000 người yêu thích hát Then tham gia.


Vũ Quang Đán
Bảo tồn văn hóa diễn xướng chầu văn, hát then
Bảo tồn văn hóa diễn xướng chầu văn, hát then

Chầu văn hay hát then là những nét văn hóa của dân tộc Việt và dân tộc Tày. Đây là hai loại hình diễn xướng tiêu biểu phát triển từ chính những nét văn hóa lâu đời của hai dân tộc. Gìn giữ, phát triển văn hóa diễn xướng của mỗi dân tộc chính là cách để bảo vệ văn hóa của dân tộc đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN