Bảo tồn văn hóa diễn xướng chầu văn, hát then

Chầu văn hay hát then là những nét văn hóa của dân tộc Việt và dân tộc Tày. Đây là hai loại hình diễn xướng tiêu biểu phát triển từ chính những nét văn hóa lâu đời của hai dân tộc. Gìn giữ và phát triển văn hóa diễn xướng của mỗi dân tộc chính là cách để bảo vệ văn hóa của dân tộc đó.

Chầu văn là một tín ngưỡng lâu đời của dân tộc Việt, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với thần linh, những vị anh hùng có công với dân tộc.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, chầu văn là loại hình diễn xướng được trình diễn nhiều trong mỗi liên hoan văn nghệ và còn được phát hành thành đĩa nhạc lưu hành toàn quốc. Nhưng thưởng thức chầu văn một cách toàn diện nhất là ở mỗi lễ hội của người Việt. Mỗi khi có lễ hội ở một địa phương nào đó, ta đều thấy làng trên xóm dưới rộn rã tiếng đàn, tiếng hát. Trung tâm của các cuộc lễ hội chính là chiếu chầu. Buổi chầu văn, với khói hương thơm ngào ngạt, ánh nến lung linh mờ ảo, tiếng hát í a như đưa người xem vào chốn linh thiêng. Nhân vật chính của chiếu chầu là cô đồng. Có tất cả 36 giá chầu văn, ở mỗi giá, nhân vật chính lại hóa thân thành các vị thần, vị thánh, sử dụng những đạo cụ như kiếm, đao, quạt hay nến, hương… để tái hiện lại công lao của mỗi vị thần.

Trình diễn các giá hát văn hầu đồng trong Lễ Tổng kết Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu – Hà Nội 2014. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN



Xưa kia cô đồng đảm nhận cả hai vai trò hát và múa. Với mỗi giá chầu có những bài hát và điệu múa tương ứng. Người diễn vừa hát vừa múa cùng đạo cụ của mình. Tuy nhiên, ngày nay hát và múa chầu văn là hai bộ phận khác nhau. Có người hát riêng và người múa riêng. Nếu như trước kia chỉ có chầu văn trong mỗi dịp cúng lễ thì ngày nay nó đã trở nên quen thuộc, bất cứ khi nào đều có thể nghe, thậm chí đã có những quán café chầu văn được mở phục vụ người yêu chầu văn. Chầu văn chính là văn hóa diễn xướng được tách ra từ tín ngưỡng thờ cúng của người Việt.

Then hát mời thần linh xuống dự hội mừng then. Ảnh:Việt Hoàng



Giống như người Việt, người Tày cũng có văn hóa diễn xướng hát then, lẩu then. Hát then được tách ra từ tín ngưỡng cúng then của người Tày. Theo GS.TS Tô Ngọc Thanh, mỗi khi có lễ hội hoặc gia đình có lễ cúng tổ tiên, người Tày phải đi mời thầy về cúng. Thầy cúng ở Thái Nguyên, Bắc Kạn… gọi là thầy tào; ở Hà Giang, Tuyên Quang được gọi là thầy then. Thầy then sẽ dùng lời then, đàn tính và nhạc để cúng bái. Sau khi thầy then đã báo cáo thổ công, gia tiên của gia chủ thì tiếp sau đó là 11 chặng đường hay còn gọi là cửa ải mà đội quân nhà then phải đi qua. Tới mỗi cửa ải, thầy then sẽ dùng lời then cổ kết hợp với đàn tính và nhạc để đưa đội quân then đi qua. Mỗi cửa ải, lời then lại khác nhau, kết hợp với những động tác múa tạo nên nét độc đáo của văn hóa Tày. Nếu như trước kia lẩu then chỉ được diễn ra khi gia đình có việc muốn xin phép tổ tiên, thì ngày nay, giống như hát văn của người Việt, hát then diễn ra rất phổ biến. Người hát không nhất thiết phải là thầy then nữa mà là những người hát hay đàn giỏi phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách tham quan tại các bảo tàng, nhà văn hóa hay khu du lịch cộng đồng.

Mỗi loại hình diễn xướng đều ra đời dựa trên nhu cầu thưởng thức của con người. Nhưng hát văn và hát then thì lại bước ra từ tín ngưỡng thờ cúng độc đáo của hai dân tộc Việt và Tày. Trong thời điểm hiện tại, những nét văn hóa tộc người đang dần bị mai một bởi sự hòa đồng, pha trộn giữa các dân tộc. Vì vậy phát triển văn hóa cần đi đôi với bảo tồn và phục dựng đúng nguyên bản. Văn hóa của các dân tộc sẽ được nhiều người biết đến nếu như những loại hình diễn xướng mang đậm màu sắc của dân tộc ấy đến gần với công chúng hơn.

Nguyễn Lành


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN