Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11:

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa - Bài 2: Kết nối di sản với lợi ích cộng đồng

Gìn giữ và bảo tồn các di sản văn hóa là nhiệm vụ của chính quyền các cấp và của mỗi người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến việc phát huy giá trị của di sản văn hóa để vừa bảo tồn, vừa có được giá trị kinh tế từ di sản.

Cần quan tâm nghiên cứu đầy đủ

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử được xem như là linh hồn, đặc trưng của Thành phố. Tuy nhiên, một số di tích kiến trúc nghệ thuật đô thị có từ cách đây hàng trăm năm, dưới tác động của khí hậu, thời gian và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đang dần xuống cấp, hư hỏng.

Đền thờ ông Phan Công Hớn. Ảnh: huyenhocmon.com

Thời gian qua, Thành phố đã trùng tu, tu bổ cho 20 di tích như Mộ và Đền thờ ông Phan Công Hớn, đình Phú Nhuận… với kinh phí đầu tư 95,9 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm 82,9%, còn lại từ nguồn xã hội hóa. Giải pháp này có thể giải quyết phần nào tình trạng di tích xuống cấp, tránh nguy cơ các di tích bị đổ sập. Song, theo đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích vẫn còn dàn trải, chưa trọng tâm và đồng bộ.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều di tích chưa  phát huy được hết giá trị. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là các cấp quản lý chưa đưa ra được định hướng, nghiên cứu cụ thể hơn về việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích hiện có. Vấn đề này không chỉ tồn tại ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác.

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Di sản văn hóa đô thị Thành phố hiện chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ. Trải qua thời gian, chiến tranh..., đến nay chưa có một thế hệ các nhà nghiên cứu ở Thành phố am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt quy hoạch kiến trúc đô thị từ sau thời kỳ mở cửa và đổi mới. Nhiều công trình mới đã, đang được xây dựng ở khu vực trung tâm Thành phố đã tác động, phá vỡ cấu trúc cảnh quan đô thị nói chung và không gian nhiều công trình cổ nói riêng.

Phát huy giá trị các di tích

Trên thế giới cũng như trong khu vực Đông Nam Á, nhiều bài học về bảo tồn, phát huy những giá trị di tích lịch sử - văn hóa dân tộc đã mang lại lợi nhuận kinh tế lớn cho nhiều quốc gia. Chính vì vậy, giải pháp được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý nhắc đến nhiều đó là sự gắn kết giữa ngành du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong tổng số 172 di tích tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được xếp hạng chỉ có khoảng 40 di tích, công trình, địa điểm thực sự thu hút du khách đến tham quan thường xuyên và nằm trong chương trình tour của các công ty du lịch, lữ hành như Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập…

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Nga, Khoa Du lịch - Khách sạn, Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Nếu việc phát triển du lịch được kết hợp với hoạt động bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa, một mặt sẽ phát huy được giá trị di sản, mặt khác, hoạt động này còn tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương. Người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc tham gia vào các dịch vụ du lịch, ngành nghề thủ công truyền thống tại khu vực di sản và xung quanh khu vực di sản được phục hồi, mở rộng.

Nhiều nhà chuyên môn cũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần đánh giá và phát huy đúng vai trò của cộng đồng người dân. Thực tế đáng buồn là ngoài các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu và biết đến các di tích khảo cổ thì nhiều người dân còn chưa quan tâm, thậm chí không biết đến sự tồn tại của các di tích quý giá này.

Do vậy, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên các kiến thức liên quan đến di sản để người dân nhận thức di sản văn hóa chính là “tài sản” chung, rất có giá trị về mặt kinh tế. Từ đó, người dân sẽ không xâm phạm, hủy hoại di tích. Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thu Nga, hiện công tác tuyên truyền về di sản văn hóa cũng như các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn, bảo vệ di sản trong cộng đồng cư dân vẫn còn quá ít.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhận định, đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh với 300 năm phát triển đã và đang chứa đựng một quỹ di sản kiến trúc khổng lồ và quý giá, phản ánh giai đoạn hình thành và phát triển trong không gian văn hóa sông nước độc đáo của văn hóa Nam bộ.

Theo bà Hậu, càng nghiên cứu về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh càng thấy nơi đây sở hữu hệ thống nhiều di tích có giá trị lịch sử - văn hóa. Giá trị của hệ thống các di tích được phát huy mạnh mẽ sẽ đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của thế hệ hôm nay và tương lai. Do vậy, cần phát huy ý thức bảo vệ, bảo tồn các loại hình di sản, di tích lịch sử - văn hóa trong chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng chia sẻ thêm: Những thành phố du lịch dù lớn hay nhỏ, có từ thời cổ xưa hay mới được hình thành vài chục năm hầu như đều lấy ngôi làng, khu vực trung tâm, thị trấn nhỏ có niên đại sớm nhất để làm “điểm tựa” cho sự phát triển của thành phố.

Quy hoạch này được thực hiện nhất quán qua nhiều thời đại, thể hiện truyền thống tôn trọng lịch sử. Đến đó, du khách không chỉ được ngắm nhìn mà còn được cảm nhận, trải nghiệm qua hoạt động tham quan, mua sắm, ẩm thực, lễ hội cùng với những sinh hoạt đậm đà bản sắc của từng thành phố, vùng miền. Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế là như vậy.

Gia Thuận (TTXVN)
Triển lãm chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Triển lãm chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các hoạt động trưng bày di sản, triển lãm chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN