Bảo tồn, trao truyền giá trị Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của Việt Nam vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Chú thích ảnh
Khu di tích danh thắng Côn Sơn trong Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Phòng) gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử, trong đó tiêu biểu là đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc, Kỳ Lân, tựa lưng vào Tổ Sơn tạo thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Ảnh: Thành Đạt/ TTXVN

Hải Phòng là một trong 3 địa phương đồng sở hữu quần thể di tích và danh thắng này. Để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thời gian tới.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, Sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, tích cực tham vấn với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý di sản. Bên cạnh đó, Hải Phòng tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của UNESCO trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tuân thủ theo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã tham gia. Ngay trong dịp Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc vào tháng 10 tới đây, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố nâng tầm công tác tổ chức lễ hội, nâng cấp và đổi mới việc trang trí tổng thể khu di tích, cải tạo cảnh quan môi trường, đảm bảo không gian lễ hội được mở rộng, có điểm nhấn, tạo ấn tượng mạnh cho du khách thập phương; đẩy mạnh truyền thông, đa dạng cách thức, nội dung tuyên truyền, quảng bá về di tích, lễ hội xứng tầm với danh hiệu mà UNESCO đã ghi danh. 

Bà Trần Thị Hoàng Mai thông tin, ở Việt Nam, từ xưa đến nay, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, thờ cúng, tưởng nhớ các vị thần, thánh, anh hùng dân tộc có công với đất nước, quê hương, bên cạnh Nhà nước và chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương luôn là lực lượng quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Điều này đặc biệt đúng đối với các di tích, cụm di tích thành phần của Di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Chính cộng đồng địa phương là mạch nguồn nuôi dưỡng những giá trị truyền thống tốt đẹp đã được trao truyền lại từ ngàn xưa và hoàn toàn mang tính tự nguyện. Khi có sự điều tiết của Nhà nước, của chính quyền địa phương các cấp cộng với sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ tạo ra sự cộng hưởng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn.

Để tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đồng thời động viên mọi người cùng tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ di tích, quản lý và tổ chức lễ hội. Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục khuyến khích thế hệ trẻ tham gia các hoạt động diễn trình, diễn giải di tích để bảo tồn và từng bước trao truyền cho các thế hệ, gìn giữ, phát huy giá trị di tích cho muôn đời sau.

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, đơn vị đã có nhiều hoạt động để quảng bá, giới thiệu về khu di tích, trong đó có việc xây dựng các tour du lịch trải nghiệm đặc trưng như: Tour hành trình Di Sản; tour chinh phục Bàn Cờ Tiên; tour khám phá bí ẩn Ngũ Nhạc Linh Từ; tour trải nghiệm sen Kiếp Bạc năm 2025.

Ông Trần Văn Tâm, du khách đến từ Bắc Ninh cho biết, năm nào ông cũng tới thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Khu di tích này là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã về Côn Sơn xây dựng tăng viện Kỳ Lân vào khoảng thế kỷ XIII- XIV và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn về Vạn Kiếp xây dựng phòng tuyến quân sự Đông Bắc, bảo vệ kinh thành Thăng Long. Khu di tích còn gắn liền với thân thế, sự nghiệp của nhiều danh nhân văn hóa dân tộc. Đây là nơi giao hòa giữa đạo và đời, là địa danh tuyệt vời để giới thiệu cho con cháu về lịch sử đất nước, đặc biệt sau khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới.

Minh Thu (TTXVN)
Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức là Di sản Văn hóa Thế giới: Nguồn lực mềm, tạo sinh kế bền vững
Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức là Di sản Văn hóa Thế giới: Nguồn lực mềm, tạo sinh kế bền vững

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 12/7 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN