Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo đã đưa ra những ý kiến, đánh giá và góc nhìn đa chiều về thực trạng văn hóa vật thể Hà Nội trên mọi phương diện từ chính sách quản lý đến cách ứng xử với văn hóa vật thể; từ bảo tồn đến phát huy giá trị văn hóa vật thể tiêu biểu; từ việc giữ gìn cho đến quảng bá văn hóa vật thể Hà Nội với người dân cả nước cũng như du khách quốc tế… Từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về các hoạt động liên quan đến văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa vật thể của Hà Nội.
Ở mỗi góc nhìn cụ thể, có 3 vấn đề chính được các diễn giả đề cập tới là thực trạng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội, vai trò của báo chí và những giải pháp đối với công tác này. Nhà báo Nguyễn Hòa (báo Văn Hóa) cho rằng, cần phân rõ trách nhiệm của các cấp quản lý; nhà báo Nguyễn Quang Hưng (báo Nhân Dân) thì nhấn mạnh đến việc cứu lấy không gian di tích, cảnh quan, văn hóa làng quê thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; nhà báo Mai Kim Thoa (báo Hà Nội Mới) đưa ra quan điểm báo chí nên bám sát sự kiện và giữ quan điểm tương đối độc lập trong việc tuyên truyền về công tác bảo tồn di sản…
Việc trùng tu làng cổ Đường Lâm có vai trò lớn của báo chí. Ảnh: VOV giao thong.vn |
Trong khi đó, các nhà khoa học nhấn mạnh vai trò của báo chí đối với công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, cũng như tích cực phát hiện và nhanh chóng phản ánh những bất cập trong công tác quản lý di sản như: việc trùng tu chùa Trăm Gian, lăng Ngô Quyền, hay việc cố tình vùi lấp những tích khảo cổ ở đoạn dốc Tam Đa - Hoàng Hoa Thám…
Thực tế cho thấy, nhiều vụ sai phạm liên quan đến di tích, danh thắng... được thông tin đến người dân cũng như cơ quan quản lý thông qua các bài báo. Điển hình như năm 2010, nhờ sự vào cuộc tích cực của báo chí đã ngăn chặn kịp thời những sai phạm nghiêm trọng khi thi công đoạn đường Hoàng Hoa Thám - Văn Cao, Hà Nội.
Theo bản đồ Thăng Long thời Lê Sơ trong tập bản đồ thời Hồng Đức (năm 1490), đây là đoạn đẹp nhất của Hoàng Thành Thăng Long thời Lê Sơ (1428 - 1527) và trong lòng nó còn chứa đựng rất nhiều hiện vật quý giá. PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, người đồng hành cùng báo chí trong việc ngăn chặn vụ việc này chia sẻ: "Rất may nhờ sự lên tiếng kịp thời của các nhà khoa học như: GS Phan Huy Lê, PGS Hoàng Xuân Chinh, PGS Tống Trung Tín cùng báo chí nên UBND thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu tạm dừng thi công đoạn đường Văn Cao, Hồ Tây để triển khai công tác nghiên cứu thu thập hiện vật. Nếu không có báo chí thì đoạn thành này sẽ mất đi những cứ liệu quan trọng, những hiện vật vô giá sẽ bị đổ đi cùng cát bụi.
Theo TS Nguyễn Sỹ Toản, Trưởng khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nếu không có cơ quan báo chí phần lớn người dân không biết di tích bị phá hủy, cơ quan quản lý quan liêu cũng không biết di tích mình quản lý bị biến mất.
Ghi nhận từ các giải báo chí quốc gia hàng năm cho thấy, có nhiều tác phẩm báo chí viết về mảng Di sản đạt giải, góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền và bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở trong nước. Nhiều bài báo đã có sự phản biện đối với công việc bảo tồn phát huy di sản. Qua đó góp phần làm trong sạch hơn môi trường quản lý di sản, di tích, phát huy mặt tích cực, hạn chế những yếu kém, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc sai trái trong việc bảo vệ di sản văn hóa.
Theo nhà báo Trần Bá Dung, Hội Nhà báo Việt Nam: “Cần phải nhấn mạnh chức năng phản biện của báo chí đối với công việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể. Báo chí đã làm rất nhiều, có loạt bài rất hay về chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm… Chúng tôi thấy rằng phản biện thứ nhất là phản biện về mặt chủ trương, chính sách. Ví dụ cái đấy có cần bảo tồn như thế hay không? Thứ 2 là báo chí phản biện rất sâu về chính phương thức bảo tồn. Phương thức bảo tồn của nhiều nơi bị báo chí kêu rất nhiều. Tôi cho rằng báo chí đã phản biện rất chính xác".