Nhạc sĩ Dân Huyền xúc động kể lại những ngày tháng công tác nơi đất khách quê người và lý do ra đời của bài hát. Ngay sau đợt đánh bom B52 cuối tháng 12/1972 của Mỹ xuống Thủ đô Hà Nội, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định phải sơ tán một bộ phận để thành lập một đài thu nhỏ ở nơi khác, do đồng chí Lê Quý, Phó Tổng biên tập của Đài làm trưởng đoàn.
“Sáng sớm ngày 21/1/1973 tôi cùng các đồng nghiệp trong đoàn 59 có mặt tại 58 Quán Sứ (Hà Nội). Chúng tôi lên đường hành quân trên 2 chiếc xe ca và 1 xe con và chỉ được lãnh đạo đài phổ biến ngắn gọn là “đi sơ tán, để bảo đảm tiếng nói thông suốt”. Sau đó, chúng tôi mới biết đoàn được sơ tán đến thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để làm việc”, nhạc sĩ Dân Huyền nhớ lại.
Thời gian ở Côn Minh, nhạc sĩ Dân Huyền cùng anh em trong đoàn làm việc rất hăng say, đoàn kết, thực hiện đúng nhiệm vụ là “đảm bảo tiếng nói được thông suốt”. Tuy ở xa Tổ quốc, nhưng vì đặc thù công việc, đoàn 59 vẫn thường xuyên liên lạc, thậm chí từng phút, từng giờ với cơ sở ở 58 Quán Sứ và 39 Bà Triệu, Hà Nội.
Nhạc sĩ Dân Huyền tâm sự: “Việc liên lạc thường xuyên với Hà Nội hồi đó là một sự an ủi rất lớn để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy, sống nơi đất khách quê người, trong lòng ai cũng vẫn da diết một nỗi nhớ quê nhà. Giữa nơi ai cũng nói ngôn ngữ lạ ấy, tôi mới thấy tiếng Việt mẹ đẻ mới thiêng liêng làm sao! Có lần, ông Nguyễn Thơ (là phát thanh viên hồi đó) đã gợi ý tôi viết một bài hát về tình hữu nghị và về tiếng nói Việt Nam”.
Sau lần đó, nhạc sĩ Dân Huyền đã bắt đầu phác thảo những nốt nhạc đầu tiên cho bài “Lắng tiếng quê hương”. “Cứ mỗi lần viết xong, tôi lại đem hát cho ông Thơ, bà Phi Điểu (vợ nhạc sĩ Phan Nhân - lúc đó cũng là phát thanh viên) nghe và góp ý, sửa chữa cho hoàn chỉnh. Bài hát “Lắng tiếng quê hương” đã ra đời như vậy”.
Nhạc sĩ Dân Huyền nhớ lại: “Tháng 6/1974, đoàn 59 trở về Hà Nội tiếp tục công việc. Trong một buổi họp ngày 20/2/1975, trước khi vào giao ban, ông Trần Lâm, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó, đã gợi ý với đồng chí Phạm Tuân (Trưởng ban Văn nghệ) về một tiết mục kỷ niệm 30 năm thành lập đài, một tiết mục “nói về Đài ta mà không phải Đài ta, nói về đất nước ta mà lại là nói Đài ta”. Nhân gợi ý này, tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng chỉnh sửa thêm những bài hát viết về Đài từ lúc ở Đoàn 59 để hoàn thành trước ngày kỷ niệm. Sau khi miền Nam được giải phóng, bao công việc lớn hơn, bao đề tài khác cấp thiết hơn, nên bài hát “Lắng tiếng quê hương” dù đã viết xong vẫn chưa đưa duyệt được. Mãi cuối năm 1975, tôi mới có dịp dành thời gian sửa chữa thêm cho tác phẩm đó”.
Đầu năm 1976 bài hát “Lắng tiếng quê hương” đã được duyệt và cho thu thanh với giọng hát của nghệ sĩ Thu Hiền. Buổi ca nhạc 19 giờ 30 tối ngày 15/3/1976 đã truyền đi bài hát này. Sau đó nghệ sĩ Bích Vượng cũng thu thanh thêm một băng và đến cuối năm 1976 lại được đội văn nghệ của Trung tâm kỹ thuật âm thanh và Phòng Phát thanh viên phối hợp dàn dựng, mang đi tham gia hội diễn toàn thành phố Hà Nội. Sau đó các chương trình của đài như: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, “Tiếp chuyện bạn nghe Đài”, “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc”, ca nhạc theo thư yêu cầu của thính giả... cũng nhiều lần sử dụng bài hát “Lắng tiếng quê hương”. Trong những lần kỷ niệm thành lập đài, bài hát đã dàn dựng và biểu diễn với giọng hát của các nghệ sĩ Tuyết Thanh, Thanh Hoa, Hồng Liên…