Lễ hội điện Trường Bà ở Trà Bông
Di tích điện Trường Bà (huyện Trà Bông, Quảng Ngãi) nằm cách thành phố Quảng Ngãi 52 km về phía tây - bắc, gắn liền với quá trình tụ cư lập nghiệp của người Việt trong buổi đầu đi mở đất ở phía nam. Năm 1993, di tích này được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến đầu tháng 5/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hàng năm vào ngày 15 - 17/4 âm lịch, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ hội điện Trường Bà. Đây là lễ thức tích hợp văn hóa từ nhiều nguồn văn hóa Việt, Chămpa, Hoa, Cor và các dân tộc thiểu số khác, trong đó văn hóa Việt là cốt lõi. Lễ hội thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc tạo sự đoàn kết dân tộc, có giá trị nâng cao nhận thức về giáo dục, đạo đức và thẩm mỹ đối với các tầng lớp nhân dân ở nhiều vùng miền đất nước.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, thể hiện lòng thờ kính, biết ơn đối với Thánh mẫu Thiên Y-A-Na và các vị thần khác được nhân dân địa phương thờ phụng từ hàng trăm năm nay. Các hoạt động chính của lễ hội điện Trường Bà được tổ chức vào đúng ngày 16/4 âm lịch. Đây được gọi là lễ Lệ xuân Trường Bà - một trong hai lễ hội được tổ chức tại điện Trường Bà hàng năm. Lễ hội được tổ chức thành nhiều phần khác nhau chủ yếu gồm: Lễ Mộc Dục, lễ tế ngoại đàn, lễ hội hiến trâu, cồng chiêng, múa Cadháu (cà đáo), lễ chánh tế, lễ hội Hoa đăng, và phần hội với nhiều hoạt động dân gian mang tính đặc trưng riêng như: Biểu diễn võ thuật, cồng chiêng các dân tộc; diễn tuồng, hát bộ, bài chòi, thi đấu cờ người, múa lân, thi đấu bóng chuyền, hát dân ca địa phương, đi cà kheo, kéo co; biểu diễn hát bá trạo, tuồng…
Trong các hoạt động lễ hội tại điện Trường Bà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa đậm nét giữa các dân tộc anh em nhất là giữa đồng bào Cor và Kinh. Nếu như lễ tế ngoại đàn, chánh tế thể hiện văn hóa của người Việt, thì lễ hiến trâu, múa cồng chiêng… mang nét đặc trưng của đồng bào Cor. Không chỉ vậy, phần nghi thức được thực thi trong lễ hội và các vật phẩm cống lễ cũng mang âm hưởng văn hóa của một số dân tộc anh em khác trong vùng...
Bốn đặc sản xứ Quảng
Tỉnh Quảng Ngãi có 4 đặc sản của tỉnh được xác lập Kỷ lục Việt Nam, gồm cá bống sông Trà, don, kẹo gương và quế Trà Bồng. Đồng thời, cá bống sông Trà và món don cũng được lọt vào tốp 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; kẹo gương là một trong 10 đặc sản kẹo nổi tiếng Việt Nam và quế Trà Bồng có mặt trong tốp 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam.
Cá bống sông Trà ngon nhất vào mùa hè, ngư dân thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1 m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Muốn kho cá thật ngon thì con cá phải còn sống và sử dụng những đặc sản đúng hương vị xứ Quảng. Sau khi kho, cá có vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm dai của thịt cá.
Quế Trà Bồng có lượng tinh dầu cao và mùi hương đặc biệt. Các tài liệu khoa học đã chứng minh giá trị y học rất cao của quế Trà Bồng khi sử dụng làm gia vị, hương liệu hoặc chiết xuất để lấy tinh dầu. Đặc biệt, có thể sử dụng vỏ quế, gỗ quế và lá quế làm nên các sản phẩm độc đáo, được thị trường ưa chuộng.
Đặc sản kẹo gương lại trong như pha lê, đẹp như bức tranh tĩnh vật với màu vàng ươm của đậu phụng, trắng vàng của mè và mong manh như tấm gương dễ vỡ.
Còn don là một trong những món ăn rất độc đáo của người Quảng Ngãi, nhẹ, mát, bổ, rẻ tiền nhưng rất hấp dẫn. Ruột don ít nhưng nước don thơm ngon, vừa ngọt vừa thanh. Những món ăn ngon được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don. |