Giữa thủ phủ Denpasar của Bali sôi động và trầm mặc, hiện đại và truyền thống đan xen, nhiều người biết đến một nữ nghệ sĩ nổi tiếng về nghệ thuật múa truyền thống Bali vừa biểu diễn vừa dạy múa cho các lứa tuổi. Ngoài nổi tiếng về nghề, người nghệ sĩ này còn rất đặc biệt bởi ở tuổi 81, bà vẫn đang truyền dạy kỹ năng và niềm đam mê múa Bali cho hàng trăm học trò.
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ hẹp, nhưng bên trong ngôi nhà của người nữ nghệ sĩ lại mở ra một không gian cổ tích với lối thiết kế đặc trưng truyền thống Bali, tạo nên sự hài hòa giữa con người, thiên nhiên và thần linh. Một đền thờ nhỏ được đặt trang trọng giữa khu vườn. Những khung cửa được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn truyền thống.
Nghệ sĩ Arini Alit dành một khoảng không gian mở, thông ra khu vườn, rộng chừng 100m2, làm nơi dạy múa. Ở đây còn có một sân khấu với một dàn các nhạc cụ truyền thống đã được lưu giữ qua mấy đời. Học trò của bà có lứa tuổi phổ rộng từ 4 tuổi đến hơn 50 tuổi, thường tập trung đông nhất vào 2 ngày cuối tuần. Những lớp học như thế đã được duy trì từ hơn 50 năm qua với khoảng 150 đến 200 học viên mỗi tuần.
Bà Arini Alit cho biết, múa cũng là một hình thức thờ cúng đối với người Bali, vì vậy bà muốn duy trì, gìn giữ nó. Theo bà, nghệ thuật múa cũng giúp làm sạch và thanh lọc tâm trí, khi hóa thân vào những điệu múa, người nghệ sĩ được thăng hoa và đến gần hơn với vũ trụ vạn vật.
Bà Arini xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha của bà là nhạc công chơi đàn gamelan, một bộ nhạc cụ gõ truyền thống. Bà bắt đầu học múa từ năm 7 tuổi với thầy giáo đầu tiên là người chú ruột, vốn là một vũ công nổi tiếng.
81 tuổi đời với hơn 74 năm đắm mình trong âm nhạc và những chuyển động huyền bí của nghệ thuật múa truyền thống Bali, niềm đam mê dường như vẫn không hề nguôi vơi mà luôn cháy trong từng bước chân, ánh mắt, thế tay của người nghệ sĩ. Bà đã từng biểu diễn tại các buổi lễ nghi thức quốc gia qua các đời Tổng thống và có những chuyến lưu diễn dài hàng tháng tại nước ngoài như Nhật Bản.
Theo bà, trong múa Bali không có vũ điệu nào là khó nhất, mà cái khó là kết hợp được các chuyển động tay, chân, đầu cổ, mắt và toát lên được thần thái của mỗi điệu múa.
Ngoài biểu diễn, bà đã duy trì các lớp dạy múa từ năm 1973 đến nay. Rất nhiều học trò của bà đã trở thành những nghệ sĩ múa nổi tiếng. Ita Uliantika là một trong những học trò xuất sắc của bà, cô ghé qua thăm bà khi vừa trở về từ một buổi biểu diễn. Và điệu múa điêu luyện của cô ngay trên lớp học đơn sơ, nơi đã giúp cô trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, khiến người thầy của cô cảm thấy hài lòng.
Cô Ita Uliantika cho biết đã học múa ở đây từ năm 6 tuổi. Dù đã biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn của quốc gia hay nhiều nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Đức,... nhưng mỗi lần trở về đây, Ita vẫn cảm thấy rất đặc biệt và thân thuộc. Cô có một mong ước sau này sẽ mở các lớp dạy múa để gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống của Bali giống như người thầy của mình.
Bên không gian mở của lớp học trong một buổi sáng với cái nắng Bali rực rỡ, bà Arini Alit uốn nắn từng động tác cho cô học trò nhỏ 6 tuổi đã học múa được 2 năm. Những động tác của cô bé đã khá thuần thục và toát lên được cái hồn của nghệ thuật múa Bali. Cô bé bày tỏ rất thích múa và mong muốn lớn lên sẽ múa đẹp và được đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới như bà giáo của mình.
Hàng chục năm gắn bó, biểu diễn và truyền dạy các điệu múa Bali cho nhiều thế hệ, bà Arini coi công việc này như một cách để thỏa sự đam mê đã ăn sâu vào con người bà. Những lớp học múa của bà hàng chục năm qua đã góp phần lưu giữ một nét nghệ thuật văn hóa đặc trưng, độc đáo của hòn đảo đậm chất bản sắc này.