Giám đốc Laksana Tri Handok nhấn mạnh Indonesia cần thực hiện các bước đi chiến lược để đảm bảo tận dụng không gian vũ trụ một cách tối ưu, đồng thời vẫn duy trì được chủ quyền lãnh thổ của mình.
Theo ông Laksana, Indonesia muốn phóng 19 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp vào năm tới để giúp phục hồi ngành không gian vũ trụ trong nước và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác về năng lực và dữ liệu vệ tinh. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt đặt ra cho BRIN là kế hoạch tài chính và phân bổ ngân sách của Chính phủ mới.
Năm ngoái, Mỹ đề xuất giúp Indonesia cải thiện năng lực không gian vũ trụ như một phần trong kế hoạch hợp tác quốc phòng mới được nâng cấp. Bản thân Mỹ cũng đang tìm cách tích hợp không gian vũ trụ vào các cuộc tập trận chung với các đối tác Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.
Indonesia có mối quan tâm lâu dài đến không gian từ đầu những năm 1960 khi nước này đã chế tạo và phóng hai tên lửa Kartika. Năm 1963, quốc gia này thành lập cơ quan vũ trụ riêng, lấy tên là Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia và sau đó chuyển thành Cơ quan Vũ trụ Indonesia (INASA).
Năm 2013, Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thực thi luật không gian quốc gia, ban hành Luật số 21/2013 về (Vũ trụ) vào năm 2013. Năm 2014, Indonesia cũng đã phê chuẩn Hiệp ước của Liên hợp quốc về các nguyên tắc quản lý hoạt động của các quốc gia trong việc thăm dò và sử dụng vũ trụ.