Âm nhạc đường phố vì trẻ tự kỷ

Một chương trình âm nhạc đường phố vừa hấp dẫn, vừa ý nghĩa được khởi xướng với mục đích cao đẹp: nâng cao nhận thức về tự kỷ cho cộng đồng, hướng tới Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4.

Sôi động, hấp dẫn

15 giờ chiều 26/3, khu phố đi bộ Hà Nội trở nên sôi động, khi chương trình âm nhạc vì trẻ tự kỷ bắt đầu. Nhóm múa Lavender mở màn với những điệu nhảy sôi động. Tiếp theo là phần biểu diễn của các nghệ sỹ. Phương Thảo, giọng ca nữ tham gia thần tượng bolero với bài “Vị ngọt đôi môi”, Hoàng Ngọc Sơn với “Lời tỏ tình dễ thương”. Rồi sân khấu vỡ òa trong tiếng reo hò, vỗ tay, khi ca sỹ Quang Lê, một trong những “giọng ca vàng” của dòng nhạc bolero xuất hiện với bài “Về đâu mái tóc người thương” - một trong những bài hát góp phần làm nên tên tuổi của anh.


Ca sỹ Quang Lê hát trong chương trình âm nhạc đường phố vì trẻ tự kỷ.

Nhóm nhạc “Lính trẻ” - nhóm nhạc nam được thành lập từ trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội cũng mang đến không khí sôi động cho chương trình biểu diễn. Cô giáo Thùy Linh - một bà mẹ VIP (cách gọi thân thiện của mọi người về những bà mẹ có con tự kỷ) sau khi chia sẻ những kiến thức về tự kỷ với cộng đồng, đã gửi gắm tình cảm của mình trong nhạc phẩm “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh Công Sơn... Tất cả đã tạo nên một chương trình nghệ thuật đường phố vừa hấp dẫn, nhưng cũng rất gần gũi với khán giả.


Ca sỹ Thái Thùy Linh, người khởi xướng chuỗi chương trình âm nhạc ý nghĩa này, cũng đảm nhiệm luôn vai trò MC của chương trình, vừa giới thiệu các tiết mục biểu diễn, vừa “tranh thủ” tuyên truyền những thông tin bổ ích về tự kỷ; tổ chức trò chơi tìm hiểu về tự kỷ với những câu hỏi bổ ích, để người xem không chỉ được chứng kiến hoặc tham gia trò chơi, mà từ đó có thể hiểu thêm về tự kỷ. Đồng thời, lên tiếng kêu gọi cộng đồng - những khán giả đang xem chương trình biểu diễn cùng tham gia tìm hiểu về tự kỷ, cùng chung tay, góp sức tuyên truyền về tự kỷ đến với mọi người, để mọi người hiểu và hiểu đúng về tự kỷ, giúp trẻ tự kỷ đến với cộng đồng...


Trong thời gian hơn 2 tiếng diễn ra chương trình âm nhạc đường phố, trong khi sân khấu sôi động với các bài hát, điệu nhảy của các nghệ sỹ, thì các tình nguyện viên cũng rất bận rộn với việc phát tài liệu về tự kỷ miễn phí cho những người quan tâm, mời du khách tham gia cuộc thi nhanh, trả lời các câu hỏi về tự kỷ, giơ cao khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền để du khách biết và hiểu đúng về tự kỷ...


Các hoạt động này nằm trong chuỗi chương trình âm nhạc đường phố mang tên “Tôi đã hiểu, còn bạn?” - một chương trình âm nhạc đường phố phi lợi nhuận, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về tự kỷ tại Hà Nội vào các ngày chủ nhật cuối tuần trong tháng 3 và tháng 4/2017.


Chương trình do ca sỹ Thái Thùy Linh, chủ nhiệm nhóm tình nguyện Tim Hồng cùng mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN) và Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) phối hợp tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ ở Việt Nam. Rất nhiều nghệ sỹ đã tham gia biểu diễn trong chuỗi chương trình âm nhạc thiện nguyện này, như ca sỹ Thu Thủy, ca sỹ Thục Hiền, ca sỹ Minh Chuyên (quán quân Sao mai điểm hẹn 2010), Việt Tú, Hoàng Yến (The Voice), Minh Thu, Bách Nguyễn, nhóm múa Lavender, nhóm nhảy SINE, Ảo thuật gia Duy Nguyễn, các bé Cao Lê Hà Trang, Hải Anh (The Voice Kids), nhóm nhạc đến từ Học viện Young Hit Young Beat...


Thay đổi góc nhìn về tự kỷ


Ca sỹ Thái Thùy Linh, người khởi xướng chuỗi chương trình âm nhạc đường phố “Tôi đã hiểu, còn bạn?” cho biết, cách đây 2 năm, chị được nhờ dậy một tiết mục văn nghệ cho các cháu tự kỷ. Khi đến làm việc với các cháu, chị thấy các cháu tự kỷ ở Việt Nam đang gặp quá nhiều khó khăn, quá nhiều thiệt thòi, trong đó thiệt thòi lớn nhất là chưa nhận được sự hỗ trợ chính sách phù hợp.


Không những thế, nhiều người đang hiểu sai về chứng tự kỷ, dẫn đến việc đổ lỗi cho bố mẹ thiếu quan tâm nên để con tự kỷ... khiến người tự kỷ cũng như những gia đình có con tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn. “Chính vì vậy, tôi muốn làm một điều gì đó thiết thực và mạnh mẽ hơn, góp phần tuyên truyền cho cộng đồng hiểu đúng về tự kỷ, giúp giải “mối oan” cho những ông bố, bà mẹ có con tự kỷ”, ca sỹ Thái Thùy Linh chia sẻ.


Và quả thực, sau 3 chương trình âm nhạc đường phố gắn với truyền thông, nhận thức của xã hội về tự kỷ đã có những hiệu quả đáng khích lệ. Chị Thùy Linh - giáo viên tiếng Anh, một bà mẹ có con tự kỷ tham gia hoạt động trong chương trình chia sẻ, “Tôi đã hiểu, còn bạn” là chuỗi chương trình rất có ý nghĩa với cộng đồng mạng lưới tự kỷ Việt Nam.


Từ các chương trình này, hàng chục nghìn người biết và thay đổi góc nhìn về tự kỷ. Hàng nghìn người đã đi qua, cùng chụp ảnh kỷ niệm với các tình nguyện viên có mang theo những bức thông điệp như chia sẻ tình cảm, yêu thương với trẻ tự kỷ... Đặc biệt, “Biệt đội X” - gồm các em nhỏ từ 10 tuổi trở lên làm sứ giả để truyền đi những thông điệp đúng về tự kỷ, và để chính các em nhỏ đó, khi gặp bạn bị tự kỷ, sẽ không xa lánh, mà sẵn sàng giúp bạn hòa nhập...


Ca sỹ Thái Thùy Linh cho biết, ban đầu, nhóm chỉ định làm 4 chương trình ở Hà Nội, nhưng khi chương trình được tổ chức, rất nhiều gia đình ở Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều gia đình có con tự kỷ, các nghệ sỹ... đề nghị chương trình tiếp tục. Vì vậy, nhóm cũng dự định sẽ tổ chức chương trình ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vì là chương trình thiện nguyện, những người tham gia đều có công việc khác nhau, nên việc tìm thời gian, địa điểm phù hợp, rồi xin cấp phép cho chương trình hoạt động... đang cần phải lên kế hoạch từng bước sao cho phù hợp, khi công tác tổ chức hoàn thiện, chương trình sẽ được tổ chức.


“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi thực hiện chương trình này là mong cộng đồng quan tâm và có những hiểu biết đúng đắn về tự kỷ. Đặc biệt, mong muốn các cơ quan chức năng, những đơn vị có trách nhiệm quan tâm và thúc đẩy sớm có những chính sách hỗ trợ trong đào tạo, trong can thiệp sớm, giúp trẻ tự kỷ và những gia đình có con tự kỷ có thể hòa nhập xã hội, được đi học, đi làm, có khả năng sống độc lập, không trở thành gánh nặng xã hội”, ca sỹ Thái Thùy Linh chia sẻ.


Phương Lan/Báo Tin Tức
AkzoNobel Việt Nam đồng hành và truyền cảm hứng đến trẻ tự kỷ
AkzoNobel Việt Nam đồng hành và truyền cảm hứng đến trẻ tự kỷ

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp quốc trong ngày Thế giới nhận biết chứng Tự kỷ – 2/4, AkzoNobel (chủ sở hữu thương hiệu sơn Dulux) muốn sử dụng một trong ba sức mạnh chủ lực của mình – Màu sắc thiết yếu – để truyền thêm cảm hứng, giúp trẻ tự kỷ có nhận thức tốt hơn về thế giới xung quanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN