"Một gói kẹo ăn trong vài ngày, một đôi dép đi trong vài tháng, một bộ quần áo mặc trong vài năm, nhưng một tấm ảnh lưu giữ cả đời", với quan điểm ấy, những người thực hiện dự án VFFFC (Vietnam Free Foto For Children), tên tiếng Việt: “Ảnh chân dung miễn phí cho trẻ em Việt Nam”, đã đi qua tổng cộng 129 bản, làng của của 30 xã vùng cao Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình.
Đây đều là những vùng hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nhất miền Bắc. Vất vả là vậy, nhưng với thành quả là 10.000 tấm ảnh chân dung trẻ em vùng cao, thì thành công của dự án đã vượt quá mong đợi của những người thực hiện.
Những nụ cười luôn rạng ngời trên khuôn mặt các em. |
Dự án VFFFC được triển khai từ tháng 3/2014 đến hết tháng 12/2014, với mục đích ghi lại, lưu giữ và trao tặng những khoảnh khắc tuổi thơ trong sáng, tươi đẹp cho trẻ em nghèo tại các vùng miền núi, nơi xa xôi hẻo lánh của Việt Nam. Đây là những nơi mà sự giao tiếp với ánh sáng văn minh còn hạn chế, các em chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với những tiện nghi cũng như những giá trị văn hóa, giải trí hiện đại. Trong thời gian 9 tháng, nhóm triển khai dự án đã mang máy ảnh, máy in ảnh, máy ép plastic tới những bản làng khó khăn nhất, xa nhất, khó tiếp cận... để chụp và rửa ảnh tại chỗ, tặng cho trẻ em và cư dân địa phương. Đến nay, đã có hơn 10.000 trẻ em nghèo, hàng trăm người dân bản, các thầy cô giáo điểm trường ở tại 126 bản làng thuộc 27 xã vùng cao đặc biệt khó khăn miền bắc Việt Nam thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình... được chụp và tặng ảnh miễn phí.
“Chúng tôi đã đi tới những bản làng khó khăn nhất, xa nhất, khó tiếp cận để tặng ảnh tại chỗ cho trẻ em nơi này. Những trẻ em nơi chúng tôi tới đều chưa bao giờ được chụp ảnh, một tấm ảnh thời thơ ấu có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc đời các em”, đại diện nhóm thực hiện dự án chia sẻ.
Tác phẩm “Bữa cơm trên nương” với hình ảnh cô bé vùng cao đầy hồn nhiên và đáng yêu được trưng bày trong triển lãm. |
Ở mỗi nơi mà dự án đi qua, cùng với sự trải nghiệm có thể là lần đầu tiên của các em nhỏ, những người dân bản, các thày cô giáo với những tấm ảnh ghi lại cuộc sống, sinh hoạt, học tập của các em; bản thân những người thực hiện dự án cũng đã có được những trải nghiệm lần đầu tiên tuyệt vời của mình. Đó là những khung cảnh nên thơ, hoang sơ như những bức tranh tuyệt tác hiện lên trước tầm mắt, như những món quà của tạo hóa ban tặng. Đó là những những ruộng lúa ngút ngàn xanh, rồi vàng, rồi thơm nồng mùi thanh bình.
Đó là những ruộng bậc thang trùng điệp, những hẻm vực hùng vĩ, những cung đường uốn lượn đầy thách thức, những thung lũng và biển mây trải dài hết tầm mắt... Đó cũng là hình ảnh những bé gái đang chơi trò cầu trượt bên bến Tràng Hương thuộc bờ sông Nho Quế (Hà Giang), nơi mà chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ nhường chỗ cho dự án xây dựng nhà máy thủy điện Nho Quế... Đó cũng có thể là hình ảnh những đứa trẻ mãn nguyện và hạnh phúc giơ cao những tấm ảnh vừa được rửa tặng, hay nụ cười móm mém nhưng rạng rõ của bà cụ cùng các cháu nhỏ bên hàng rào đá... Điều đáng nói, trong mỗi bức ảnh, người xem đều thấy những niềm vui, sự rạng rỡ, thậm chí là niềm hạnh phúc trên mỗi gương mặt của những người dân vùng cao, đó cũng chính là điều mà những người thực hiện dự án muốn gửi gắm. “Cuộc sống vùng cao còn nhiều khó khăn về vật chất, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, nhưng thứ chúng tôi muốn các bạn được thấy là những nụ cười vượt trên số phận”, một thành viên dự án cho biết.
Và để tổng kết dự án, cũng là để công chúng được biết và hiểu hơn cuộc sống của vùng cao, một cuộc triển lãm ảnh đã được Dự án tổ chức, bắt đầu từ hôm nay, 30/5 và kết thúc ngày 1/6, tại Ký túc xá Mỹ Đình - Đường Hàm Nghi, Nam Từ Liêm (Hà Nội), triển lãm mang tên: “10.000 tấm ảnh chân dung trẻ em vùng cao”.
Triển lãm ảnh cũng nhằm tạo một sân chơi cho các em nhỏ tại Hà Nội nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6/2015, cũng như mong muốn truyền cảm hứng tới các bạn trẻ để có thêm nhiều hoạt động hơn nữa hướng tới các địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn. “Càng đi nhiều tôi lại càng thấy mình "đã" là một đứa trẻ may mắn so với hàng triệu đứa trẻ khác. Và tôi muốn chương trình được nhân rộng để các em nhỏ vùng cao được quan tâm nhiều hơn”, thành viên dự án chia sẻ.
Để thực hiện dự án, VFFFC đã hợp tác với nhiều nhóm, tổ chức tình nguyện như: Câu lạc bộ tình nguyện An Phong, Giấc mơ Việt Nam, Trung tâm Hỗ Trợ nghiên cứu và phát triển cộng đồng, Hợp tác xã Chong Chóng, Da Cam.vn, Canon - Yêu thương Việt Nam và được giúp đỡ của bạn bè từ nhiều tổ chức NGOs như Plan Vietnam, SCDI, Live & Learn...