Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tháng 8/2019, các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã sử dụng cân xách tay kiểm tra 17.212 xe tải các loại, trong đó có 1.616 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 9,38%), tước 570 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 18,37 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do lực lượng Thanh tra giao thông, Công chức Thanh tra còn mỏng, thiếu kinh phí hoạt động, các chủ xe, lái xe lợi dụng các lực lượng chức năng tập trung nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các nhiệm vụ khác của địa phương, tình trạng xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ và một số tuyến đường tỉnh, đường đô thị nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…, nhất là tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa...
Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và của người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tình trạng xe tải cơi nới kích thước thành thùng để chở nguyên vật liệu xây dựng quá tải từ các mỏ đá, mỏ khoáng sản, nhà máy, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường... lưu thông ngang nhiên trên các tuyến đường tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Khu vực huyện Hữu Lũng, Cao Lộc, quốc lộ (QL)1, QL4B, ĐT237 (Lạng Sơn); đê sông Đáy, đoạn từ xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng đến Khu Công nghiệp Đồng Văn IV (Hà Nam); các tuyến đường qua TP Hòa Bình (Hòa Bình); phà Lại Xuân, đường nối huyện Thủy Nguyên với huyện Đông Triều (Quảng Ninh); QL38 (Bắc Ninh); tuyến đường 70, quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội); ĐT.530 và các tuyến đường địa phương (Thanh Hóa); đường xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An); QL1 từ mỏ đá Khe Phèn, Ga Lôi, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) và đường liên xã Quảng Thành - Bàu Chinh - Bình Giã, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Để hạn chế thực tế trên, trong những tháng cuối năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có nhiều xe quá tải lưu thông nêu trên chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tổ chức và triển khai công tác KTTTX trên địa bàn theo Kế hoạch số 12885/KH-BGTVT ngày 01/11/2016 của Bộ GTVT và Kế hoạch số 6478/KH-TCĐBVN ngày 17/11/2016 của Tổng cục, bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác KTTTX phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn; áp dụng biện pháp KTTTX ngay từ đầu nguồn hàng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, Công chức Thanh tra tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện của địa phương, kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm; đồng thời, phối hợp với các Cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi Cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các Cảng nhỏ, bến thủy nội địa tại TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.