Xe chở đá gây ô nhiễm, tàn phá đường ở Đồng Nai

Những năm qua, việc khai thác đá ở Đồng Nai gây ra nhiều hệ lụy, nhức nhối nhất là tình trạng xe tải hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, gây tai nạn, ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ thống giao thông.

Từng đoàn xe tải ben nối đuôi nhau đi vào đường dân sinh Suối Lở sau đó ra Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng đá lớn nhất khu vực Đông Nam bộ, tại địa phương này hiện có 22 mỏ đá đang hoạt động. 

Những năm qua, việc khai thác đá ở Đồng Nai gây ra nhiều hệ lụy, nhức nhối nhất là tình trạng xe tải hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, gây tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ thống giao thông.

Đường Đinh Quang Ân là con đường huyết mạch phục vụ việc đi lại của người dân xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, nhiều năm qua, con đường này ngày một vắng bóng người tham gia giao thông. Nhiều người cho rằng, đường Đinh Quang Ân nay chỉ dành cho xe tải chở vật liệu xây dựng ở mỏ đá Tân Cang (thành phố Biên Hòa).

Trên con đường này xe chở đá trở thành hung thần, hoạt động cả ngày lẫn đêm, chạy với tốc độ cao, chèn ép các phương tiện khác, gây ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ thống giao thông. Vì sợ xe tải gây tai nạn nên người dân sông bên đường Đinh Quang Ân hạn chế đi ra đường.

Gia đình ông Trần Trí Tuệ đã sống ở tổ 25, ấp Hương Phước, xã Phước Tân hàng chục năm. Do nhà cạnh mặt đường Đinh Quang Ân nên trước đây ông Tuệ mở tiệm bán cà phê, cơm; do buôn bán ế ẩm nên ông đành dẹp bỏ. Nguyên nhân bởi xe chở đá hoạt động rầm rộ, khách không dám vào ăn uống vì sợ bụi, tiếng ồn. Hiện ngày ngày, ông Tuệ phải dùng vật dụng bịt kín nhà từ phía mặt đường để ngăn bụi. Sống chung với ô nhiễm lâu năm, đến nay, gia đình ông Tuệ có 6 người thì cả năm đều mắc các bệnh về đường hô hấp.

Ông Trần Trí Tuệ cho biết: “Ở đây ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ sáng đến tối; xe tải làm rơi đá, đất xuống đường. Hàng ngày, ngành chức năng vẫn tổ chức tưới nước song sau khi tưới được khoảng 10 phút là đường lại khô, bụi càng nhiều hơn. Trên đường Đinh Quang Ân tai nạn xảy ra thường xuyên, có nhiều vụ xe chở đá đâm chết người. Mỗi lần có việc phải đi ra ngoài là chúng tôi chọn đi đường tắt, tránh đi đường Đinh Quang Ân vì bụi, sợ tai nạn”.

Trên đường Đinh Quang Ân có trường học, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động. Do dân cư đông nên ngày trước có hàng loạt hộ mở cửa hàng buôn bán nhưng đến nay hầu hết phải đóng cửa vì vắng khách. Một số gia đình không chịu được ô nhiễm nên bỏ hoang nhà cửa, đi nơi khác sinh sống. Bức xúc vì xe chở đá phá đường, gây ô nhiễm, từ năm 2014 đến nay, người dân đã nhiều lần lập rào chắn, ngăn không cho xe tải lưu thông.

Ông Trần Ngọc Bút (tổ 24, ấp Hương Phước) chia sẻ: “Thời gian qua, cơ quan chức năng vẫn tổ chức kiểm tra tình trạng xe chở đá hoạt động ở đường Đinh Quang Ân, khi có ngành chức năng thì xe tải chạy chậm, lực lượng kiểm tra rút đi là xe chở đá lại chạy với tốc độ cao, lấn làn đường. Khai thác đá là tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, chúng tôi chỉ mong cơ quan quản lý đề ra giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, giúp dân không còn phải lo sợ xe tải mỗi khi ra đường”.

Xe chở đá sau khi đi qua đường Đinh Quang Ân sẽ lưu thông ra đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh thành phố Biên Hòa), từ đó đưa đến các bãi tập kết. Đường Võ Nguyên Giáp dù được mệnh danh là tuyến đường đẹp nhất ở thành phố Biên Hòa, song sau nhiều năm bị xe chở đá cày xới nên nhiều đoạn bị hư hỏng nặng. Khi lưu thông trên tuyến đường này, xe chở đá mới thực sự trở thành hung thần, chúng nối đuôi từng hàng dài, lao với tốc độ nhanh, từ sáng đến đêm, đường Võ Nguyên Giáp ngập chìm trong bụi.

Theo Công ty Cổ phần đầu tư Đồng Thuận (chủ đầu tư đường Võ Nguyên Giáp), hàng ngày doanh nghiệp vẫn bố trí người làm vệ sinh, dọn đất đá, sửa chữa những điểm hư hỏng trên đường Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, xe chở vật liệu xây dựng lưu thông dày đặc, việc vệ sinh, sửa chữa đường chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, xe tải chở đá gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng hệ thống giao thông là vấn đề nhức nhối ở Đồng Nai. Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra giao thông Đồng Nai đã lập biên bản hơn 4.000 xe quá tải, quá khổ, xử phạt gần 13 tỷ đồng; trong số này có gần 400 trường hợp xe chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi đất, đá trên đường.

Đường Đinh Quang Ân, Võ Nguyên Giáp là đường lưu thông chính của xe chở vật liệu xây dựng ở gần mỏ đá Tân Cang (mỏ có 10 doanh nghiệp đang khai thác), đây cũng là điểm nóng của tình trạng xe chở quá tải. Để ngăn chặn, Thanh tra giao thông Đồng Nai đã bố trí 1 trạm cân lưu động và 2 tổ kiểm tra việc bốc xếp hàng hóa ngay tại khu vực mỏ đá Tân Cang.

Nhằm xử lý triệt để những bất cập trong hoạt động của xe tải chở đá, Đồng Nai sẽ buộc chủ 22 mỏ đá trong toàn tỉnh đầu tư hệ thống kết nối và truyền dữ liệu về Thanh tra giao thông Đồng Nai để giám sát. Buộc chủ mỏ đá xây dựng hệ thống rửa xe trước khi rời mỏ. Doanh nghiệp khai thác phải cam kết bán sản phẩm theo đúng tải trọng cho phép của xe vận chuyển.

Công Phong (TTXVN)
Bất cập trong khai thác đá: Bài 1 - Ô nhiễm môi trường, hiểm họa rình rập
Bất cập trong khai thác đá: Bài 1 - Ô nhiễm môi trường, hiểm họa rình rập

Ở góc độ kinh tế, khai thác đá tại Đồng Nai là tất yếu, đáp ứng sự phát triển. Tuy nhiên do doanh nghiệp chỉ chú tâm vào khía cạnh lợi nhuận, xem nhẹ lợi ích cộng đồng; chế tài của Nhà nước chưa đủ mạnh nên việc khai thác đá ở Đồng Nai gây ra ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ thống giao thông…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN