Bất cập trong khai thác đá: Bài 1 - Ô nhiễm môi trường, hiểm họa rình rập

Ở góc độ kinh tế, khai thác đá tại Đồng Nai là tất yếu, đáp ứng sự phát triển. Tuy nhiên do doanh nghiệp chỉ chú tâm vào khía cạnh lợi nhuận, xem nhẹ lợi ích cộng đồng; chế tài của Nhà nước chưa đủ mạnh nên việc khai thác đá ở Đồng Nai gây ra ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ thống giao thông…


Tuyến đường dân sinh Suối Lở tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đang bị “băm nát” khi mỗi ngày có hơn 2.000 lượt xe ben từ các mỏ đá trong ấp Tân Cang, xã Phước Tân đi qua.Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN.


Ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt tại mỏ đá Tân Cang, rộng hơn 400 ha, thuộc các xã Phước Tân và Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Sau cơn mưa, những con đường đất đỏ dẫn vào mỏ đá trở nên lầy lội, nhiều chỗ in hình bánh xe tải sâu hơn 50 cm. Đi sâu vào mỏ đá, không gian trở nên hỗn loạn bởi tiếng xe tải, máy xúc, máy nghiền đá.

Hoạt động khai thác đá ở đây được doanh nghiệp thực hiện ào ào, rầm rộ. Sau nhiều năm hoạt động, một số vị trí đã khai thác xong để lại hố sâu hàng chục mét.

Theo người dân sống gần mỏ đá Tân Cang, điều họ lo sợ nhất là doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá, khiến nhà dân bị nứt. Mỗi lần mìn nổ, những hòn đá trọng lượng trên dưới 2kg rơi vào vườn, đập lên mái tôn, tường nhà của người dân. Nhiều người đã hứng chịu tai nạn từ những viên đá “bay”.

Điển hình vào cuối năm 2014, khi đang ở trong nhà, ông Phạm Văn Bông ở tổ 9, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, đã bị một hòn đá nặng 2,5kg đập vào ngực. Hậu quả, ông Bông bị dập phổi, gãy xương đòn, giám định thương tật cho thấy ông mất gần 30% sức lao động.

Công an Biên Hòa xác định nguyên nhân vụ việc là do Hợp tác xã An Phát nổ mìn (khoảng cách 130 m), đá văng trúng ngực ông Bông. Do bị mất nhiều sức lao động, từ đó đến nay ông Bông không thể làm việc nặng, mắc bệnh ho kéo dài.

Trên những con đường dẫn vào mỏ đá, các đoàn xe chở đá nối đuôi nhau chạy rầm rầm, nhiều căn nhà hai bên đường Đinh Quang Ân (thuộc ấp Tân Cang, ấp Hương Phước, xã Phước Tân) và đường liên ấp Thiên Bình, luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài, người dân phải dùng vật dụng bịt hết những khe hở quanh nhà.

Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, xe tải chở đá đã gây ra hàng chục vụ tai nạn trên đường Đinh Quang Ân, trong đó có nạn nhân bị tử vong. Bức xúc vì xe phá đường, phóng nhanh gây tai nạn chết người, khoảng 3 năm nay người dân 2 bên đường đã nhiều lần lập rào chắn, ngăn không cho xe chở đá lưu thông.

Trên địa bàn xã Thiện Tân và Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) hiện có 12 mỏ đá đang hoạt động với tổng diện tích gần 500 ha, trữ lượng khai thác 236 triệu m3. Quá trình khai thác ở đây đang diễn ra mạnh mẽ, hệ lụy với môi trường, xã hội lại tăng với cấp số nhân.

Tại ấp Ông Hường (xã Thiện Tân), trên đoạn đường khoảng 100 m có đến 3 căn nhà bỏ hoang. Người dân ở đây cho biết, do sống gần mỏ đá, bị ô nhiễm tiếng ồn, bụi, lo sợ tai họa mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn nên nhiều gia đình phải chuyển đi nơi khác sống.

Ông Nguyễn Văn Sinh, ấp Ông Hường cho biết: “Gia đình tôi có 5.000 m2 chôm chôm, ngày trước mỗi năm thu lợi khoảng 40 triệu đồng. Vài năm gần đây, họ khai thác đá với cường độ lớn, bụi nhiều, bám dày trên lá, hoa, chôm chôm không thể phát triển được, tôi đang tính chặt bỏ cây chôm chôm”.


Do xe chở đá hoạt động mạnh nên tỉnh lộ 768 (đoạn qua xã Thiện Tân) luôn chìm trong bụi, xe chở đá không được che chắn khiến đá rơi dọc đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Quá trình hoạt động, doanh nghiệp khai thác đá ở Đồng Nai tận thu. Luật quy định, các mỏ khai thác xong, khoáng, vách phải có độ nghiêng ít nhất là 45 độ, xoải dần từ trên xuống để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, nhiều mỏ đá ở các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa lại khai thác kiểu thẳng đứng từ trên xuống.

Theo Luật Khoáng sản, sau khai thác, doanh nghiệp có trách nhiệm trồng cây xanh, hoàn nguyên môi trường. Thực tế tại Đồng Nai, “hậu” khai thác khoáng sản là những hố sâu từ hàng chục đến hơn 100 mét, vách dựng đứng cheo leo, trong khi việc rào chắn lại thực hiện qua loa, chiếu lệ.

Tại các hố này đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm, mới đây nhất, 2 học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở Tân An (xã Hóa An, thành phố Biên Hòa) đã tử vong vì đuối nước tại một hầm đá đã ngừng khai thác.

Thực tế trên đã diễn ra nhiều năm, ngành chức năng cần có giải pháp tổng thể để chấn chỉnh, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.

(còn nữa )

Công Phong (TTXVN)
Thanh Hóa: Tạm dừng hoạt động mỏ khai thác đá gây ô nhiễm môi trường
Thanh Hóa: Tạm dừng hoạt động mỏ khai thác đá gây ô nhiễm môi trường

Ngày 26/5, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sở đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đức Tài tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ đá tại xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa do gây bụi và ồn ào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN