Từ 1/8, có 10 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ áp dụng giá viện phí mới. 53 tỉnh, thành phố còn lại hoặc là chỉ chờ sự phê duyệt của địa phương hoặc là do mức đề xuất khung giá dịch vụ y tế quá cao nên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang yêu cầu xem xét, điều chỉnh giảm.
Nỗ lực giảm “gánh nặng” cho người dân
“Gần đây các cán bộ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) rất vất vả trong việc đề nghị các địa phương cân nhắc lại việc phê duyệt mức giá viện phí sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương”, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH VN, cho biết.
Khung giá viện phí tăng làm cho bệnh nhân thêm lo lắng. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Bên cạnh việc gửi văn bản đề nghị tới lãnh đạo từng địa phương có mức đề xuất khung viện phí cao, BHXH VN còn tiến hành phân nhóm và cử các đoàn công tác tới từng địa phương để làm việc với ngành y tế, lãnh đạo ủy ban nhân dân, thậm chí gặp trực tiếp đại diện của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân các tỉnh để “trình bày”.
Hiện tại, các cán bộ BHXH VN còn đau đầu với việc nhiều tỉnh, thành phố (kể cả nơi có mức tăng viện phí mức trung bình) áp dụng “chiêu” tăng viện phí tối đa cho những dịch vụ có tần suất sử dụng cao (như tiền khám bệnh, ngày giường điều trị, các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng thông thường...), còn những dịch vụ y tế mà người bệnh ít sử dụng lại áp mức tăng rất thấp, dễ “đánh lừa” là có tổng mức tăng viện phí chung không cao. Ví dụ mức tăng viện phí chung ở tỉnh Hải Dương chỉ tương đương 77% so với khung giá tối đa nhưng giá khám bệnh lại tương đương 100% khung, giá dịch vụ trả tiền giường/ngày bằng 99% khung...
“Chúng tôi đang tích cực tăng cường cán bộ, phân tích các số liệu nhằm tiếp tục can thiệp sâu hơn với từng địa phương tăng viện phí cao đối với những dịch vụ y tế mà người bệnh hay sử dụng. Nhưng thực tế, những địa phương mà Hội đồng nhân dân đã phê duyệt khung giá viện phí cao thì việc điều chỉnh giảm xuống ngay là vấn đề rất khó khăn. Do đó, giải pháp trước mắt là BHXH VN yêu cầu những địa phương này xây dựng một lộ trình để tiến dần tới mức giá đã phê duyệt. Địa phương nào áp dụng ngay giá tối đa, cơ quan BHXH sẽ coi đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi (nếu có) và sau này sẽ không cấp kinh phí bổ sung”, ông Sơn cho hay.
Lo ngại viện phí vùng núi cao hơn thành phố
Sở dĩ các cán bộ BHXH VN phải “gồng mình” làm việc vì thực tế đang có nghịch lý khung giá viện phí mới đang được đề xuất hoặc sắp được áp dụng tại nhiều tỉnh, nhất là khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa lại cao hơn so với các thành phố trực thuộc Trung ương. “Đặc biệt, ngay giữa các địa phương trong cùng một vùng kinh tế cũng có sự dao động khá lớn về giá viện phí. Ví dụ, mức tăng viện phí chung so với khung giá tối đa ở khu vực Tây Nguyên là khoảng 81%, trong đó tỉnh Đắk Lắk đề xuất mức viện phí tương đương 100% khung, tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng khoảng 80% khung, còn tỉnh Đắk Nông là 72% khung...”, ông Sơn chia sẻ.
Trong số các tỉnh, thành phố sẽ áp dụng giá viện phí mới từ 1/8, có 3 địa phương dù ở mức thu nhập trung bình, khả năng cung cấp và chất lượng dịch vụ y tế không cao, thậm chí thấp nhưng sẽ áp dụng giá viện phí “ngất ngưởng” gồm: Khánh Hòa (giá viện phí tương đương 95% khung giá tối đa), Đồng Tháp và Ninh Thuận (tương đương 93% khung). Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt giá viện phí tương đương 93% khung. Tuy nhiên, tỉnh này chưa áp dụng giá viện phí vừa thông qua vì BHXH VN đang đề nghị địa phương xem xét, điều chỉnh lại. |
Nguyên nhân của tình trạng trên là do Sở Y tế, cơ quan BHXH, Sở Tài chính tại nhiều địa phương chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xây dựng khung giá các dịch vụ y tế. Vậy nên, nhiều nơi áp nguyên khung giá viện phí gần như tối đa mà nhẽ ra mức giá đó chỉ áp dụng cho các bệnh viện tuyến Trung ương.
Bên cạnh đó, kết quả đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại nhiều tỉnh lại có giá cao hơn so với thành phố lớn, ví dụ giá đấu thầu thuốc, vật tư y tế ở Lào Cai gấp 1,5 lần so với Hà Nội. Một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tỉnh nghèo ở miền núi muốn nâng mức dịch vụ y tế lên cao là để tăng nguồn thu cho bệnh viện hoặc tận dụng hết nguồn quỹ BHYT tại địa phương...
Khi viện phí tăng, những người chưa có thẻ BHYT sẽ phải chịu “gánh nặng” chi phí khám chữa bệnh nhiều nhất. Ngay những người có thẻ BHYT như người nghèo, người cận nghèo, người lao động... cũng sẽ chịu sự tác động nhất định vì phải cùng chi trả viện phí từ 5 - 20% tùy từng đối tượng.
Do đó, để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, các chuyên gia BHXH khuyến cáo các địa phương cần phê duyệt mức giá viện phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối quỹ BHYT của từng địa phương. Nếu không, có thể còn dẫn tới nguy cơ người dân ở nhiều tỉnh sẽ đổ xô lên những thành phố lớn, nơi mức giá viện phí mới tương đương (thậm chí thấp hơn) để khám chữa bệnh.
Phương Liên