Những con tàu này từng là cả “gia tài” của ngư dân địa phương, trị giá lên tới hàng tỉ đồng. Từ chỗ vươn khơi xa, cá tôm đầy khoang, là nguồn thu nhập chính của ngư dân, thì nay trở thành những xác tàu bị bỏ lại trên sông.
Ngư dân Nguyễn Sáu, phường Phổ Thạnh cho biết, nguyên nhân chính khiến những đồng nghiệp như ông bỏ tàu là do bị tai nạn trên biển, làm ăn thua lỗ… không còn khả năng ra khơi nên buộc phải bỏ nghề đi tìm việc khác.
Ngư dân lên bờ nhưng xác tàu còn dưới sông, dẫn đến nhiều hệ lụy như gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường, gây mất mỹ quan và nghiêm trọng hơn cả là cản trở các tàu khác ra vào cảng, khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ neo đậu.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ Giã Tấn Tàu cho biết, phường đã phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Huỳnh, Ban Quản lý cảng sa Sa Huỳnh tiến hành khảo sát, thống kê, tìm địa chỉ chủ phương tiện để mời về làm việc; tuyên truyền, vận động và yêu cầu họ tháo dỡ vận chuyển ra khỏi khu vực này.
Tuy nhiên, công tác này hiện gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi chỉ liên hệ được khoảng 6 tàu, còn lại đều vô chủ. Điều đáng nói là các chủ tàu đã bán chúng cho các ngư dân ở địa phương khác (chủ yếu mua bán bằng hình thức giấy viết tay) để gỡ gạc ít vốn liếng. Những người mua chỉ thuê xe để cẩu phần máy móc chở về, còn thân tàu họ vứt lại. Những xác tàu vô chủ này, chúng tôi cũng không dám tự ý tháo dỡ vì sợ bị họ kiện ngược… nên rất khó xử lý” - ông Phạm Minh Hải, Cán bộ phụ trách thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Sa Huỳnh nói.
Phường Phổ Thạnh là một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt hải sản lớn nhất, nhì của thị xã Đức Phổ, với khoảng 1.200 tàu, trong đó, 800 tàu chuyên hành nghề kéo (giã cào); 400 tàu hành nghề lưới, câu. Số lượng tàu tập trung về cảng khá đông, chính vì thế tình trạng này cần sớm được giải quyết dứt điểm.