Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung đã thông tin với đoàn về tình hình bệnh lao và kế hoạch chấm dứt bệnh lao của Việt Nam.
Thêm 126.000 người mắc lao và 13.000 người chết do lao trong năm 2017
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, trên thế giới có 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao, Việt Nam xếp thứ 16 đối với tất cả bệnh lao, xếp thứ 13 về lao kháng thuốc. Ước tính năm 2017, Việt Nam có thêm 126.000 người mắc lao và có 13.000 người chết do lao.
“Xu hướng giảm bệnh lao khá rõ rệt, nhất là số tử vong do lao: Ước tính của WHO trong báo cáo năm 2016 là 16.000 và năm 2017 là 13.000. Nhưng như vậy vẫn là con số rất cao, cao hơn tử vong do tai nạn giao thông. Ước tính có khoảng 5.500 người mắc lao kháng thuốc một năm.
Lao đồng nhiễm HIV ngày càng giảm từ 7% đã xuống 3% trong số bệnh nhân lao được phát hiện. Tỷ lệ Lao ở trẻ em thấp nhưng tỷ lệ lao ở nam giới cao gấp 3 - 5 lần nữ giới và bệnh lao có liên quan đến thuốc lá, bệnh phổi mạn tính và đái tháo đường”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung thông tin.
Hàng năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm, con số này trên toàn cầu là 61%. Duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 90% trong số mới mắc lần đầu).
Lao đa kháng thuốc đã được phát hiện và điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh cao, đến năm 2017 đã thu nhận điều trị cho 5827 người bệnh lao kháng thuốc với tỷ lệ khỏi bệnh trên 75%, con số này trên toàn cầu là 52%.
Việt Nam đã điều trị được tất cả các thể lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc
Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, hiện nay, Chương trình có thể điều trị cho tất cả các thể lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
Dự kiến năm 2018 sẽ thu nhận 3.420, năm 2019 là 4.050 và năm 2020 là 4.680 người mắc lao kháng thuốc, có thể bao phủ toàn bộ số người mắc lao kháng thuốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng.
Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, bao gồm Kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao bằng máy GeneXpert, Kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy nhanh, thuốc mới Bedaquline, Delamanid, Rifampentine…
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phát hiện chủ động trong nhóm người tiếp xúc và mở rộng cộng đồng đã cho kết quả rất tốt. Nếu phát hiện bằng Xpert trong cộng đồng người dân mỗi năm 1 lần, thì sau 1 năm có thể giảm 20% và sau 3 năm có thể 46% dịch tễ bệnh lao.
Từ kết quả nghiên cứu, Chương trình đã triển khai chiến lược “2 X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao, làm tiền đề cho mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Nghiên cứu điều trị lao tiềm ẩn trong cộng đồng đang được nghiên cứu và tiềm năng làm giảm mạnh tỷ lệ mắc mới. Các nhóm nguy cơ cao đều đã được thí điểm các can thiệp hiệu quả như lao trong trại giam, lao đái đường, nhóm thợ mỏ, nhóm bệnh mạn tính, nhóm có HIV, nhóm nghiện chích …
Hệ thống y tế phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc gồm 50 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.
Tiến sĩ Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục tăng đầu tư trong nước cho chiến lược chấm dứt bệnh lao. Tiến sĩ Tereza Kasaeva cho rằng, để kết thúc bệnh lao, cần tiến hành các nghiên cứu và đổi mới, coi đầu tư cho nghiên cứu là sự đầu tư cho phát triển bền vững.
“Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này, chúng tôi rất vui mừng khi được chứng kiến những bước tiến quan trọng trong nghiên cứu và đổi mới. Chúng tôi trông đợi nhiều hơn đó là Việt Nam trở thành nước tiên phong trong việc thiết lập một mạng lưới nghiên cứu Lao của khu vực tới đây”, Tiến sĩ Tereza Kasaeva nhấn mạnh.
Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ có cuộc họp và làm việc với các cơ quan Trung ương về một số vấn đề liên quan tới công tác phòng, chống lao tại Việt Nam; thăm và làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng và đi thăm một số Trung tâm Y tế huyện và xã tại Hà Nội và Hải Phòng.